Chính trị

90 năm thành lập Đảng: Kiểm soát quyền lực phải đi đôi với quy trách nhiệm

02/02/2020, 08:31

Kiểm soát quyền lực trong Đảng phải trở thành nguyên tắc, gắn liền với cơ chế xác định trách nhiệm, khắc phục việc đổ lỗi cho tập thể.

img
Các đại biểu tham gia toạ đàm "Vững bước dưới cờ Đảng quang vinh"

Tại toạ đàm "Vững bước dưới cờ Đảng quang vinh" vừa được Báo QĐND tổ chức nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1930- 3/2/2020), các đại biểu đã cùng nhau làm rõ, khẳng định sứ mệnh lịch sử thiêng liêng, cao cả của Đảng ta, đồng thời chỉ rõ những thách thức mà Đảng sẽ phải đối diện và vượt qua.

Khắc phục tình trạng có vi phạm là đổ lỗi cho tập thể

Theo TS. Tống Đức Thảo, Phó tổng biên tập Tạp chí Lý luận chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trong thể chế chính trị nước ta hiện nay, để bảo đảm được vai trò lãnh đạo của Đảng trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền thì hơn lúc nào hết, Đảng phải lãnh đạo và cầm quyền theo pháp luật. Đảng càng tuân thủ luật pháp thì vai trò lãnh đạo của Đảng càng được củng cố vững chắc.

"Chúng ta cần thể chế hóa cụ thể vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ cũng như mối quan hệ cơ bản giữa Đảng và Nhà nước, nhất là mối quan hệ giữa lãnh đạo và quản lý. Xây dựng cơ chế chất vấn đối với các vị trí quan trọng của Đảng ở các cấp khác nhau trong các cuộc họp hay các kỳ đại hội; bỏ phiếu tín nhiệm thường kỳ đối với các cá nhân lãnh đạo. Bằng nhiều biện pháp khác nhau, thường xuyên thăm dò, điều tra dư luận để biết được ý kiến của quần chúng, đảng viên đối với tổ chức đảng và cán bộ đảng viên và công bố công khai để mọi người cùng biết", TS. Thảo đề xuất.

Ông phân tích, thể chế hóa phương thức lãnh đạo của Đảng phải bảo đảm đề cao trách nhiệm của Đảng bằng pháp luật trước nhân dân. Cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy, sự kiểm soát quyền lực không thể hiệu quả nếu không thể quy được trách nhiệm. Chính vì vậy, để xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả thì phải gắn liền với cơ chế xác định trách nhiệm; bao gồm cả trách nhiệm chính trị và trách nhiệm pháp lý; qua đó khắc phục được tình trạng, khi có sự việc vi phạm xảy ra là đổ lỗi cho tập thể, tức là không có ai phải chịu trách nhiệm.

"Quyền lực phải được kiểm soát trở thành nguyên tắc của một nền chính trị dân chủ, văn minh. Là chủ thể cầm quyền duy nhất ở Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn tự đặt mình vào sự kiểm soát chặt chẽ, kiểm soát từ bên trong, từ nội bộ, từ thực tiễn hoạt động và xác lập vị thế cầm quyền của Đảng", TS. Thảo khẳng định.

Tự đổi mới để xứng đáng là Đảng cầm quyền

Liên quan đến nội dung này, GS.TS Mạch Quang Thắng, chuyên viên cao cấp, Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhìn nhận, quyền mà Đảng có được là từ sự ủy thác đầy tin tưởng của nhân dân và toàn dân tộc trao cho Đảng trách nhiệm đưa đất nước phát triển trên con đường độc lập dân tộc và CNXH.

Đảng thực hiện sứ mệnh cao cả của mình là phục vụ sự phục hưng dân tộc, chứ không vì mục đích tự thân. Sự cầm quyền đó của Đảng là hoàn toàn chính đáng, là kết quả thực tế hiển nhiên khắc đúc từ bao hy sinh xương máu của những người cộng sản và toàn thể nhân dân Việt Nam yêu nước, chứ không phải cứ tự nhận mà được.

"90 năm qua, sự lớn mạnh của Đảng gắn với quá trình Đảng luôn tự đổi mới. Điều này đã được thể hiện trong gần 35 năm đất nước đổi mới. Trong tầm nhìn đến năm 2030 (kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng) và năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước), Đảng phải tiếp tục tự đổi mới mạnh mẽ hơn nữa mới có thể tiếp tục giữ vững và tăng cường vai trò cầm quyền", ông Thắng nhấn mạnh và khẳng định, sự cầm quyền của Đảng, từ việc Đảng biến cái có thể thành hiện thực, trở thành điều tất yếu cũng như việc Đảng phải thường xuyên tự đổi mới để luôn trong sạch, vững mạnh.

Cụ thể, trong giai đoạn cách mạng mới, Đảng phải đề ra được đường lối phát triển đất nước đúng đắn. Đường lối này phải dựa chắc trên những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Trung thành, trung thành hơn nữa; sáng tạo, sáng tạo hơn nữa phải trở thành phương châm trong tư duy và hành động của toàn Đảng.

"Đảng phải được tăng cường năng lực tổ chức thực tiễn, tức là phải chỉ đạo thực hiện thắng lợi cương lĩnh, nghị quyết của Đảng; biến những tư duy đổi mới thành kết quả thực tiễn. Cùng với đó, coi trọng hơn nữa mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và dân; chú trọng hơn nữa trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng về đạo đức; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, vững mạnh. Thực hiện được những nội dung trên tức là Đảng đã thực thi thành công tự đổi mới, tự chỉnh đốn để xứng đáng là Đảng cầm quyền", ông Thắng cho hay.

Nhận diện thách thức đối với sự lãnh đạo của Đảng

Nhấn mạnh giữ vững sự lãnh đạo của Đảng là điều rất quan trọng, cần thiết, nhất là trong điều kiện tình hình thế giới, trong nước có nhiều thay đổi với cơ hội và thách thức đan xen, PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chỉ ra những thách thức, thậm chí có thể coi là nguy cơ mà Đảng ta phải đối mặt.

Đó là, sự phai nhạt lý tưởng, thờ ơ, không coi trọng việc học tập, trau dồi lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.

Thứ hai, sự suy thoái phẩm chất, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa của một bộ phận cán bộ, đảng viên-vấn đề đã được Hội nghị Trung ương 4, khóa XII chỉ rõ.

Thứ ba, nội dung và hình thức sinh hoạt Đảng chậm được đổi mới khiến cho hoạt động sinh hoạt của tổ chức Đảng trở nên hình thức, không thực chất, kém hấp dẫn.

Thứ tư, thời gian qua, trong nội bộ Đảng ít nhiều vẫn còn những biểu hiện chưa thống nhất nhận thức, chưa tạo được sự đồng thuận, gây nên sự phân tâm, suy nghĩ, lo lắng của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nguyên tắc tập trung dân chủ trong hoạt đông sinh hoạt Đảng chưa được thực hiện tốt, hiệu quả...

Cùng với đó, niềm tin của nhân dân với Đảng có những biểu hiện giảm sút. Một số lượng không nhỏ đoàn viên, thanh niên bày tỏ công khai suy nghĩ không có ý định, không muốn phấn đấu để trở thành đảng viên.

Thách thức không nhỏ nữa là sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch nhằm hạ thấp, đi đến phủ định, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng.

"Để bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng cần không ngừng trau dồi, học tập, bồi dưỡng lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Cần siết chặt hơn nữa kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nhanh chóng và quyết liệt đổi mới về tổ chức, nền nếp sinh hoạt Đảng cho phù hợp với tình hình mới. Xây dựng mối đoàn kết thực sự, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong hoạt động lãnh đạo của Đảng; xây dựng, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Cần có giải pháp, hành động kịp thời, hiệu quả để phòng, chống và làm thất bại chiến lược "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch", TS. Hà đề xuất.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.