Các đoàn viên của Traphaco cùng bà con trồng Actiso thu hoạch trong Ngày mùa hái lá |
Người trồng Actiso có cơ hội đổi đời
Sáng 19/3, cả nhà anh Thào A Cáng, thôn Suối Hồ, xã Sa Pả, huyện Sapa, Lào Cai dậy sớm hơn thường lệ, để chuẩn bị cho Ngày mùa cắt lá cây Actiso. Sau ngày hội gieo hạt từ tháng 8 năm ngoái, đến nay, toàn bộ diện tích gieo trồng Actiso khoảng 3.000m2 của gia đình anh Cáng đã thu hái được 5 lứa lá, nay là lần thu hoạch thứ 6 và cũng là thời điểm năng suất đạt cao nhất.
Sau gần 10 năm cung cấp dược liệu Actiso cho Công ty CP Traphaco, diện tích trồng Actiso của gia đình anh Cáng được mở rộng dần, cùng đó sản lượng thu hoạch cũng tăng dần từ 1 tấn lên 7-8 tấn/năm. Anh Cáng nhẩm tính, trừ đi mọi chi phí giống, công chăm bón…, cây Actiso giúp gia đình anh có thu nhập trên 50 triệu đồng/năm. “Trước đây làm ruộng, mỗi năm chỉ thu hoạch được một vụ, cho thu nhập 5-6 triệu đồng. Từ ngày trồng Actiso, chúng tôi dựng lại nhà, sắm sửa xe máy, ti vi, các cháu có điều kiện ăn học”, anh Cáng khoe.
Actiso trồng tại Sapa có hoạt chất làm thuốc cao nhất so với trồng tại các vùng miền khác trên cả nước - là một trong những dược liệu sản xuất thuốc bổ gan Boganic - từ năm 2013 đến nay luôn giữ số 1 về doanh thu trong nhóm thuốc gan mật tại thị trường Việt Nam. Mới đây, ngày 17/3, tại lễ trao giải “Sản phẩm dịch vụ Thương hiệu Việt tiêu biểu”, sản phẩm Boganic lần thứ 2 liên tiếp lọt “Top 10 Sản phẩm thương hiệu Việt tiêu biểu xuất sắc” và cũng là thương hiệu đại diện duy nhất của ngành Dược trong danh sách này. |
Cách nhà anh Cáng vài phút đi bộ, căn nhà hoàn toàn bằng gỗ thông, khang trang, tiện nghi của gia đình anh Thào A Từ cũng là thành quả từ trồng Actiso. Anh Từ cho biết, hiện gia đình anh kiếm được trung bình 10 triệu đồng/tháng nhờ trồng dược liệu này kết hợp xen canh rau theo vụ.
Gia đình anh Thào A Cáng, Thào A Từ là 2 trong số hàng trăm hộ gia đình trên địa bàn Sapa nói riêng, Lào Cai nói chung đã được đổi đời nhờ cây Actiso. Theo lãnh đạo UBND huyện Sapa, trồng Actiso rất hiệu quả với người dân nơi đây, bởi không chỉ phù hợp về khí hậu, thổ nhưỡng, giống cây này có chi chí đầu tư thấp, nhanh thu hồi vốn, năng suất cao, đầu ra ổn định.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lào Cai Nguyễn Anh Tuấn thông tin, trồng Actiso hiệu quả gấp 6 lần so với trồng lúa và gấp 10 lần so với trồng ngô. Tại Lào Cai, Actiso được trồng tập trung tại 2 huyện Sapa và Bắc Hà, tổng diện tích 60ha, cho sản lượng khoảng 2.200 tấn dược liệu tươi mỗi năm. “Toàn tỉnh có khoảng 160 hộ gia đình đang trồng Actiso với mức thu nhập trung bình 50 triệu đồng/hộ/năm - mức thu nhập không chỉ giúp thoát nghèo mà thậm chí có thể làm giàu”, ông Tuấn nói.
Người bệnh có cơ hội giảm chi phí
Chia sẻ mối quan tâm của Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lào Cai, Phó tổng giám đốc Traphaco Nguyễn Huy Văn cho biết: Actiso là một trong 5 loại dược liệu được công ty bảo tồn, tái tạo và phát triển đạt tiêu chuẩn GACP-WHO tại Việt Nam, bao gồm: Chè dây, Rau đắng đất (thu hái), Acitso, Đinh lăng, Bìm bìm biếc - chiếm 85-95% nguồn nguyên liệu sản xuất thuốc của doanh nghiệp. Điều đó vừa giúp doanh nghiệp kiểm soát được tiêu chuẩn chất lượng, vừa giúp giảm giá thành sản phẩm, từ đó giúp người bệnh giảm gánh nặng chi phí điều trị, đồng thời tạo việc làm, thu nhập cao cho người dân. “Hàng nghìn hộ dân đang hợp tác trồng/thu hái với Traphaco có thu nhập ổn định từ 8,6-16,6 triệu đồng/ha/tháng. Nhờ vậy, đến nay chúng tôi đã có vùng nguyên liệu trên 36.300 ha đạt tiêu chuẩn quốc tế”, ông Văn tự hào và cho biết thêm, trong 210 sản phẩm thuốc đăng ký lưu hành trên thị trường của Traphaco, 70% sản phẩm là từ dược liệu thiên nhiên.
Cũng theo ông Văn, để tiếp tục phát triển nguồn nguyên liệu xanh này, cùng với cam kết thu mua giá ưu đãi, Traphaco đang ấp ủ xây dựng “văn hóa dược thảo” - phát triển dược liệu gắn với văn hóa, trước mắt là ở Sapa, tiến tới mở rộng tại nhiều vùng, miền trên cả nước. Theo đó, công ty sẽ xây dựng một khu trưng bày các dược liệu bản địa của Sapa, mời các thày lang giỏi của các dân tộc người Mông, người Dao, người Dáy… đến hướng dẫn cho khách tham quan, du lịch cách giữ gìn sức khỏe, trị bệnh thông thường theo phương pháp “cổ truyền”. Tại đó, du khách cũng có cơ hội trải nghiệm các dịch vụ nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe truyền thống, đồng thời thưởng thức các đặc sản thảo dược vùng miền, như phấn hoa, mật ong Actiso…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận