Người dân "tố" xã lập biên bản nhưng... vẫn cho đào
Gần đây, nhiều người dân ở ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau phản ánh đến PV Báo Giao thông về việc có người đào bới đất rừng để nuôi tôm.
Người vi phạm đã đào bới, san lắp thành mô hình của ao nuôi tôm công nghiệp nhưng xã báo cáo chưa hình thành ao.
Sự việc xuất phát từ chuyện ông Trịnh Minh Tuấn (41 tuổi), ngụ TP Hà Nội có hợp đồng thuê phần đất với diện tích hơn 30.786 m2 của ông Phạm Quốc Đạt (52 tuổi, ngụ địa phương). Rồi ông Tuấn ủy quyền lại cho ông Hoàng Văn Phong (trú tại ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân) quản lý.
Sau đó ông này đưa cơ giới vào đào bới toàn bộ phần diện tích nói trên lên “khuôn hình” của ao tôm để nuôi công nghiệp.
Quá trình đào bới của ông Phong đã bị xã phát hiện, lập biên bản nhưng sau đó vẫn để ông này đào bới chứ không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời. Điều này đã khiến dư luận địa phương rất bức xúc.
Một người dân địa phương cho biết: “Họ đào bới toàn bộ phần diện tích đất hơn 3 ha, trong đó, có nhiều khu đã lên khuôn hình của ao nuôi tôm công nghiệp.
Nghe xã nói chỉ cho phép họ đắp nền nhà để xây dựng nhà kho và cải tạo đất theo sơ đồ hiện hữu nhưng họ đào bới toàn bộ 100% diện tích đất hết rồi”.
Ghi nhận của PV tại hiện trường, hiện khu vực này đã ngưng hoạt động để chờ xử lý hành chính. Theo quan sát, toàn bộ phần diện tích đất nói trên đã bị đào bới, san lắp sang gạt và đã thành hình ao nuôi tôm và chưa được người vi phạm trả lại tình trạng đất ban đầu.
Ông Lê Đàm Minh, đại diện cho ông Phong thông tin, đến tháng 4/2022 họ sẽ được ngành chức năng cấp phép cho doanh nghiệp hoạt động nuôi tôm công nghiệp tại khu vực nói trên.
Xe cơ giới đang đào đất (ảnh chụp vào ngày 8/3/2022).
Người này nói rằng, mình chỉ đang xới đất, làm khâu chuẩn bị bước đầu nên không làm sai. Và trước khi đưa cơ giới vào khu vực nói trên, họ đã có báo cáo chính quyền cấp xã, huyện.
Đồng thời, ông này còn khẳng định cũng đã gặp Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau và các vị này rất ủng hộ phương án nuôi tôm của họ.
Khi nghe PV truy vấn ở thời điểm hiện tại, tỉnh chưa có chủ trương cho phép mở rộng diện tích ao nuôi công nghiệp mới, nếu có giấy phép đào bới của cấp có thẩm quyền thì xin họ cung cấp chứng minh. Khi đó, ông Minh mới thừa nhận mình đã sai vì đào bới đất khi chưa có chủ trương của cấp có thẩm quyền.
“Do chúng tôi lo xa, nghĩ rằng khi có chủ trương thì đã vào mùa mưa nên làm trước phơi đất. Tôi đào bới là sai vì chủ trương chưa cho phép, nhưng chỗ này sẽ là nơi quy hoạch nuôi tôm công nghiệp trong tương lai”, ông Minh nói.
Và ông cho biết thêm, việc đưa cơ giới vào đào bới đất rừng cũng đã được ông báo cáo miệng cho ông Trần Thanh Đồng, Phó chủ tịch UBND xã Tân Ân cùng người đàn ông tên Đen, kiểm lâm địa bàn xã và được những người này tạo điều kiện cho làm.
Nhìn vào ai cũng biết đây là mô hình ao nuôi tôm công nghiệp.
Nói về việc đồng ý cho phép doanh nghiệp đào bới đất, ông Trần Thanh Đồng, Phó chủ tịch UBND xã Tân Ân phủ nhận và cho biết ông chỉ đồng ý cho họ cải tạo, sên vét đất khi không làm thay đổi hiện trạng.
“Tôi chỉ cho phép họ làm mặt tiền cất nhà và cho sên vét, cải tạo chu vi thôi chứ không cho đào bới. Phần đất nói trên địa phương có yêu cầu bắt buộc trồng 4 công rừng (4.000 m2).
Họ đào vậy là không đúng rồi, theo biên bản cam kết nếu họ sai, địa phương yêu cầu khôi phục lại hiện trạng cũ và xử phạt vi phạm hành chính”, ông Đồng khẳng định.
Báo cáo bất nhất
Trước những phản ứng của dư luận, chính quyền xã Tân Ân đã lập biên bản vi phạm hành chính và đề nghị lên UBND huyện Ngọc Hiển đề xuất xử phạt hành chính đối với ông Hoàng Văn Phong (43 tuổi, trú tại ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân) về hành vi đưa cơ giới vào đào bới đất rừng.
Việc xử phạt được căn cứ theo điểm d, khoản 1, Điều 15 của Nghị định 91/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Mức đề nghị xử phạt từ 30 - 60 triệu đồng.
Đến ngày 18/3 vừa qua, ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển đã ký văn bản yêu cầu UBND xã Tân Ân hoàn thiện hồ sơ xử lý vi phạm hành chính đối với ông Hoàng Văn Phong.
Nội dung văn bản cho thấy Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển yêu cầu xã Tân Ân rà soát, hoàn thiện lại hồ sơ vi phạm hành chính đối với ông Hoàng Văn Phong theo đúng quy định.
Theo UBND huyện Ngọc Hiển, khu vực đất ông Phong vi phạm được cho phép hộ gia đình, cá nhân được sử dụng không quá 40% diện tích rừng và đất rừng được giao để sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp kết hợp.
Từ đó, chính quyền huyện Ngọc Hiển yêu cầu xã Tân Ân đo đạc, xác định lại tổng diện tích đào bới của ông Phong là bao nhiêu so với tổng diện tích được giao, có vượt 40% hay không và nếu vượt là bao nhiêu.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của UBND huyện Ngọc Hiển, ngày 22/3 vừa qua, ông Trần Thanh Đồng, Phó chủ tịch UBND xã Tân Ân đã ký báo cáo theo yêu cầu của cấp trên.
Báo cáo do ông Trần Thanh Đồng, Phó chủ tịch UBND xã Tân Ân ký đã có sự bất nhất.
Tuy nhiên, nội dung báo cáo của UBND xã Tân Ân là bất nhất, điều này khiến dư luận hoài nghi, liệu có sự “bảo kê” cho hoạt động đào bới đất rừng của ông Phong để làm ao nuôi tôm công nghiệp hay không?
Cụ thể, theo báo cáo của UBND xã Tân Ân, phần đất cá nhân ông Phong vi phạm có tổng diện tích 30.786,1 m2. Mục đích sử dụng là đất rừng sản xuất.
“Diện tích mà ông Phong thực hiện đào bới, đắp bờ bao chu vi, chưa hình thành ao nuôi là 9.632 m2, không vượt quá 40% đất được cấp theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, nội dung báo cáo nêu rõ.
Chẳng có gì đáng nói nếu như phần diện tích bị ảnh hưởng chỉ có 9.632 m2 như thống kê của chính quyền địa phương. Song, ở đoạn cuối báo cáo này, vị Phó chủ tịch UBND xã Tân Ân phủ định lại nội dung thống kê của mình.
“Tuy nhiên, ông Phong không thực hiện cải tạo phần đất theo sơ đồ hiện hữu mà ông đã đưa cơ giới vào đào bới hoàn toàn diện tích (30.786 m2) nêu trên (ban bờ, lắp kênh nuôi)”.
PV cũng đã trao đổi với một lãnh đạo Phòng Tư pháp huyện Ngọc Hiển và vị này khẳng định: “Mình cho người ta 40% diện tích nuôi thuỷ sản, nên giờ yêu cầu xã đo đạc lại coi có vượt không, khi nào vượt mới phạt. Cho phép 40% là để nuôi trồng thuỷ sản thôi chứ không nuôi tôm công nghiệp”.
Từ đó có thể khẳng định, ông Phong đã vi phạm đào bới đất rừng sai với sơ đồ hiện hữu (sai lệch hiện trạng ban đầu) với 100% diện tích nhưng báo cáo của xã thống kê chỉ có 9.632 m2 là chưa vượt quá 40%.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận