Theo hãng tin Reuters, quá trình mở rộng kênh đào Suez bao gồm mở rộng luồng kênh thứ hai thêm 10km, nạo vét sâu hơn và mở rộng một bộ phận kênh đào Suez.
Trong thông báo ngày 4/3, ông Osama Rabie - Chủ tịch Cơ quan Quản lý kênh đào Suez (SCA) cho biết quá trình nghiên cứu khả năng mở rộng kênh đào Suez sẽ diễn ra trong khoảng 16 tháng, bao gồm nghiên cứu tính khả thi, nghiên cứu kỹ thuật và môi trường, đất đai, nạo vét.
Dự án sẽ cần được Chính phủ Ai Cập thông qua và sẽ được cấp vốn từ ngân sách đầu tư của SCA nhằm tránh gây thêm áp lực lên ngân sách chung của quốc gia.
Ông Rabie nhận định việc mở rộng kênh đào Suez sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh của tuyến đường thủy quan trọng này, giúp kênh đào có khả năng tiếp nhận nhiều tàu thuyền cỡ lớn hơn.
Theo hãng tin Reuters, Ai Cập bắt đầu xúc tiến nghiên cứu mở rộng kênh đào Suez sau khi tàu container cỡ lớn Ever Given bị mắc cạn tại kênh đào vào tháng 3/2021, gây gián đoạn hoạt động vận tải của tàu thuyền qua tuyến đường thủy này trong 6 ngày.
Hãng tin Reuters nhận định việc mở rộng kênh đào Suez sẽ giúp tăng khả năng tiếp nhận tàu thuyền, ngăn ngừa tắc nghẽn gây cản trở hoạt động vận tải của phương tiện qua tuyến đường thủy này.
Kênh đào Suez kết nối Địa Trung Hải với Biển Đỏ và là tuyến đường ngắn nhất nối giữa châu Âu với châu Á.
Theo hãng tin Reuters, nguồn thu của Ai Cập từ kênh đào Suez đạt mức kỷ lục 9,4 tỷ USD trong năm tài chính kết thúc vào tháng 6/2023. Nguồn thu từ kênh đào Suez là nguồn thu ngoại tệ chính của Ai Cập trong bối cảnh quốc gia này đang lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.
Tuy nhiên, hiện nay, nguồn thu của Ai Cập từ kênh đào Suez giảm mạnh sau khi các công ty vận tải chuyển hướng di chuyển khỏi tuyến đường do các cuộc tấn công của nhóm vũ trang Houthi nhắm vào tàu thuyền tại Biển Đỏ. Nguồn thu này đã giảm tới 40% vào đầu năm nay do các cuộc tấn công của Houthi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận