Ngày 5/3, thầy giáo trường chuyên nhắn tin gạ tình nữ sinh lớp 10; ngày 24/3, học sinh lớp 10 bị bạn hiếp dâm tập thể; ngày 29/3, nữ sinh lớp 9 bị lột đồ đánh hội đồng phải nhập viện tâm thần…
Trước những tin tức dồn dập báo hiệu một bức tranh học đường đang nhuốm màu đen tối, liệu những ông bố, bà mẹ, người từng ấp ôm đứa con thơ từ khi chúng là hình hài bé xíu, mơ ước cho chúng có một tương lai tốt đẹp nhất, còn có thể ngồi yên, để chúng tới nơi mà giờ đây không còn là “thánh đường trong trắng” nữa không?
Liệu chúng ta có vô can trong tội lỗi của những đứa trẻ - những phiên bản nhỏ do chính mình sinh ra, uốn nắn?
Tôi có một người đồng nghiệp Pakistan, một buổi sáng cô ấy tới làm với đôi mắt thâm quầng nặng trĩu ưu tư.
“Tôi không thể ngủ được bạn ạ. Hôm qua tôi đã đọc được một tin khủng khiếp từ đất nước tôi. Một đám học sinh đã đánh chết chính bạn học của mình chỉ vì hiềm khích. Bạn tưởng tượng được không, chúng mới chỉ là những học sinh thôi, không thể, không thể nào tin được!”.
Tôi ngạc nhiên tại sao bạn lại quá đau buồn và bàng hoàng vì một tin như vậy? Tại sao ở một nước chính trị bất ổn và các cuộc đánh bom xảy ra liên miên như Pakistan mà chuyện bạo lực học đường là hiếm hoi, còn ở xứ sở hòa bình thì chuyện ấy xảy ra mỗi ngày, tới mức báo động?
Theo con số ghi nhận được từ Bộ GD&ĐT, trung bình học sinh Việt Nam đánh nhau 5 vụ một ngày, mỗi tháng có hơn 1.000 thanh thiếu niên phạm tội. Tội phạm giết người ở nước ta đang trẻ hóa, độ tuổi từ 14 đến dưới 30 có hành vi giết người chiếm 58%, cao nhất trong các độ tuổi (theo thống kê Bộ Công an).
“Ở bầu thì tròn ở ống thì dài”. Môi trường xung quanh chính là thứ đã nhào nặn nên tính cách, hành động của các em hôm nay.
Giữa một xã hội công nghiệp hối hả, người lớn hãy tự hỏi, chúng ta dành bao nhiêu phần trăm thời gian một ngày để tìm hiểu về cách làm cha mẹ, cách để hiểu và đáp ứng tâm tư của con cái, nhất là trong độ tuổi tâm lí bất ổn của tuổi dậy thì?
Hay chúng ta vẫn thoải mái xả rác thẳng ra đường mặc cho trôi nổi tắc cống, vượt đèn đỏ, đi sai làn và tối tối nghe tin tức rồi than thở: “Sao đường tắc thế, lắm tai nạn thế, không khí ô nhiễm ngột ngạt thế?”.
Và chúng ta nghiễm nhiên thành “cha mẹ” khi “đẻ” ra một đứa con, chu cấp cho nó đủ ăn mặc, rồi sau đó mải mê cơm áo gạo tiền từ sáng tinh mơ tới tối muộn, phó thác việc dạy dỗ cho nhà trường và mạng xã hội, hoặc còn chút ít thời gian nào thì nhồi cho xong bài học A, B, C nhân chia cộng trừ… vào đầu chúng?
Giới trẻ bây giờ vẫn nói vui “Bạn đâu không thấy, toàn bè!”.
Vâng, nếu ngày xưa có khái niệm “bạn nối khố”, “bạn đồng hương”, “bạn con chấy cắn đôi”, “bạn đường”, “bạn trí cốt”,.. thì bây giờ phổ biến là “bạn xã giao”.
Hãy thử nhìn vào một ngày của học sinh hôm nay: Sáng lên lớp, chiều học thêm, tối ôn bài và thời gian trống còn lại chủ yếu dành cho chiếc smartphone mà học sinh cấp hai, cấp 3 hầu như em nào cũng có.
Không em nào là không có tài khoản Facebook, Zalo, cần phải chăm sóc update hàng ngày. Không còn cảnh bạn bè “gặp nhau tay bắt mặt mừng” hoặc “chia ngọt sẻ bùi”, “đuổi bướm hái hoa”… chỉ còn những tin nhắn, “comment” qua lại từ những căn phòng đóng biệt lập và dễ bị kích động theo những trào lưu mạng xã hội. Một tình bạn lỏng lẻo và dễ kích động như vậy liệu có bền vững, có bảo vệ nhau, thương yêu nhau khi đến trường?
Tôi không phải người trong ngành Giáo dục, không dám lạm bàn về những phương pháp giáo dục hiện nay. Tuy nhiên không thể không nghe thấy hàng ngày những tin tức “không trong sáng” trên giảng đường như cô giáo phạt học sinh 231 cái tát, thầy nhắn tin gạ tình nữ sinh, thầy hiệu trưởng có hành vi dâm ô với hàng loạt học sinh, rồi gian lận điểm thi....
Với một đội ngũ giáo viên như vậy, đi kèm với chương trình học thiếu tính linh động, sáng tạo cho giáo viên, thiếu giờ dạy cho các kĩ năng xã hội thì đầu ra là các em học sinh bạo động, đạo đức kém, hành động thiếu suy nghĩ có phải là “đúng quy trình”?
Ở Việt Nam, việc xem các video liên quan tới tình dục trên web hoặc youtube hầu như tự do, không yêu cầu chặt chẽ xác minh độ tuổi. Nội dung của các sản phẩm đó cũng không được kiểm duyệt, nếu bạn thử tìm kiếm thì hằng hà sa số câu chuyện tục tĩu, nội dung trái đạo đức luân lý xã hội được chia sẻ công khai, hấp dẫn.
Gần đây Youtube còn nổi lên những video về cuộc sống giang hồ rất được ưa thích, một ngày có hàng triệu “view”, mà nội dung toàn chuyện đốt xe, dạy dỗ em út, chơi club, ra tù… với ngôn ngữ giang hồ. Thanh thiếu niên với trí tò mò và sự hiểu biết hạn hẹp, khi các em say sưa với những clip đó vô tình dẫn đường chỉ lối tới những hành vi tội phạm thực sự. Và, chính sự cô đơn, thiếu thốn những chia sẻ từ cha mẹ, bạn bè, thiếu những hoạt động lành mạnh đã đẩy các em vào lối đam mê sai lầm ấy.
Thiết nghĩ, trước khi chờ những cải thiện trong nền giáo dục thì mỗi người lớn hãy tự thay đổi bản thân, hãy sống tích cực hơn, là gương đi trước cho con cái học tập, và hãy dành thời gian nhiều hơn để “học làm cha mẹ” trước khi bắt con cái phải “học vâng lời”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận