Bệnh nhân ngộ độc rượu đang được điều trị tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai |
Đón Tết trong viện vì rượu
Sau 4 ngày nằm điều trị tại Trung tâm Chống độc, sáng 24/2, bệnh nhân Nguyễn Quang A. (33 tuổi, trú tại Ninh Bình) mặc dù vẫn đang tiếp tục truyền dịch nhưng đã tỉnh. Mấy ngày trước, trừ lúc ngủ, còn lại anh Quang A. luôn miệng chửi bới ầm ĩ cả phòng bệnh. Theo chị Nguyễn Thị Minh (vợ bệnh nhân Quang A.), những cuộc nhậu tất niên “bất tận” từ ngày này sang ngày khác đã cuốn lấy Quang A. Đến đúng ngày 30 Tết, khi nhà nhà sum họp chuẩn bị đón Tết thì Quang A. lăn ra bất tỉnh nên được người nhà nhanh chóng đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện tỉnh Ninh Bình với chẩn đoán suy gan do uống nhiều rượu và buộc phải chuyển tuyến nhằm giữ tính mạng. Chị Minh than thở: “Thế là hết Tết. Khi tỉnh rượu sau mấy ngày cấp cứu, anh ấy hứa bỏ rượu, nhưng cũng chưa biết có bỏ nổi không”.
Theo TS. BSCKII Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Trung tâm Chống độc, từ những ngày trước Tết đến tận sau Tết, ngày nào cũng có bệnh nhân nhập viện vì ngộ độc rượu ethanol; có ngày cao điểm còn lên đến 6 ca cấp cứu. Cá biệt năm nay, Trung tâm còn tiếp nhận cả bệnh nhân nữ “quá chén” dẫn đến ngộ độc rượu. “Tiệc tất niên, rồi tiệc năm mới, sau đó là tiệc du xuân... Bữa tiệc nào cũng nhậu, nên nhiều người nhập viện, nhiều người suy kiệt sức khỏe vì rượu”, ông Sơn nói.
Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, các bệnh viện trên toàn quốc tiếp nhận gần 195 nghìn trường hợp đến khám cấp cứu. Trong đó, có hơn 5 nghìn người phải nhập viện do tai nạn đánh nhau, 11 người tử vong; gần 60 người nhập viện do pháo nổ. Riêng TNGT có hơn 35 nghìn ca, với hơn 4 nghìn ca chấn thương sọ não và 193 người tử vong (trích báo cáo nhanh của Bộ Y tế). |
BS. Nguyễn Kim Sơn cũng cho biết, các trường hợp bị ngộ độc rượu chủ yếu là do uống nhiều loại rượu cùng lúc trong khi lại không ăn gì. Các biến chứng thường gặp đối với ngộ độc rượu ethanol là bệnh nhân bị hạ đường huyết, hạ thân nhiệt, sặc gây viêm phổi, loạn chuyển hóa. Chưa kể, lạm dụng rượu còn ảnh hưởng tới thần kinh, gây hoang tưởng khiến bệnh nhân thường tự gây tai nạn cho chính mình.
Tuy nhiên, nguy hiểm hơn cả và dễ dẫn đến tử vong là các trường hợp bệnh nhân ngộ độc rượu methanol (loại rượu pha cồn công nghiệp). BS. Sơn kể, ngày 30 Tết, Trung tâm tiếp nhận ba trường hợp ngộ độc methanol, nhẹ thì bệnh nhân bị giảm thị lực, còn nặng thì có thể dẫn đến tử vong. Điển hình như trường hợp Nguyễn Duy L. (47 tuổi, trú tại Đông Anh, Hà Nội), nhà nấu rượu nên nghiện rượu nặng. Tuy nhiên, hôm 30 Tết, anh L. uống rượu ở nhà bạn, nên đã ngộ độc methanol.
“Chỉ sau vài giờ uống rượu, bệnh nhân L. thấy mờ mắt và buồn nôn, rồi nhập viện trong tình trạng tụt huyết áp, co giật, buộc phải đặt nội khí quản, truyền dịch và lọc máu liên tục. Dù giữ được tính mạng, nhưng bệnh nhân L. mất thị lực vĩnh viễn. Phần lớn bệnh nhân ngộ độc methanol nếu thoát “cửa tử” thì cũng giảm thị lực. Chưa kể, chi phí điều trị ngộ độc rượu rất cao vì phải lọc máu liên tục, nhiều lần với 10-12 triệu đồng/lần lọc”, BS. Sơn cho hay.
Ngộ độc rượu, thức ăn chiếm tỷ lệ lớn
Theo báo cáo từ Bộ Y tế, dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, cả nước có 1.500 người nhập viện vì ngộ độc thức ăn, trong đó có 5 người đã tử vong. Tại Bệnh viện Bạch Mai, trong số 57 bệnh nhận nhập viện trong 9 ngày Tết vừa qua thì có tới 12 bệnh nhân bị ngộ độc thức ăn. Những loại thức ăn tưởng thông dụng trong ngày Tết như hành muối, bưởi cũng lại là nguyên nhân gây ngộ độc.
Như trường hợp anh Bùi Trọng K. (33 tuổi, trú ở Đại Kim, Hà Nội), buộc phải nhập viện khi có các biểu hiện đau bụng quằn quại, nôn mửa sau khi ăn hành muối. Theo chẩn đoán, anh Trọng K. viêm dạ dày cấp do ăn quá nhiều hành muối.
Theo bác sĩ tại Trung tâm Chống độc, năm nay thời tiết nóng, nồm ẩm, nên đồ ăn thức uống dễ bị ôi thiu. Nhiều gia đình có thói quen dự trữ đồ ăn trong dịp Tết, hoặc bảo quản đồ ăn không tốt, dẫn đến thực phẩm bị tấn công bởi vi khuẩn, nấm, mốc... và người ăn vào sẽ bị rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn.
“Biến chứng của ngộ độc thức ăn mà bệnh nhân thường gặp phải là viêm dạ dày cấp, bạch cầu tăng... Mỗi dịp Tết đến, bệnh nhân ngộ độc rượu và thức ăn thường chiếm tỷ lệ lớn. So với các năm trước, hai năm gần đây tình trạng ngộ độc tăng lên do thời gian nghỉ dài hơn”, BS. Sơn cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận