Những người nhập viện do đánh nhau phần lớn là thanh niên, đánh nhau trong lúc có uống rượu. Ảnh minh hoạ |
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 8 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, các cơ sở y tế trên cả nước tiếp nhận 6.207 người nhập viện do đánh nhau (trong đó 15 người tử vong), trong tổng số hơn 226.000 lượt khám cấp cứu, tai nạn nhập viện.
Chỉ trong đêm giao thừa và mùng 1 Tết có hơn 800 ca chấn thương do đánh nhau nhập viện. Những ngày sau đó, số ca cấp cứu chấn thương do đánh nhau tiếp tục tăng cao, như mùng 3 Tết có tới 950 trường hợp phải nhập viện do đánh nhau.
Đọc thông tin trên mà tôi thực sự không dám tin vào mắt mình. Khi những con số thống kê về tai nạn giao thông được đưa ra sau mỗi dịp nghỉ lễ đã đủ khiến ai nấy phải xót xa thì năm nay người Việt lại càng đau lòng hơn bởi có thêm tổng kết về tai nạn do... đánh nhau.
Không đau sao được khi ngay trong những ngày vui đầu năm. Ngày mà lẽ ra người Việt phải cư xử với nhau thân thiện, vui vẻ nhất, người ta lại thượng cẳng chân hạ cẳng tay với nhau.
Vấn đề là tại sao người Việt vốn nổi tiếng hiền lành, thân thiện, yêu chuộng hoà bình lại bất ngờ hung dữ đến vậy? Câu trả lời đã được các nhân viên Khoa Cấp cứu Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) tiết lộ, những người nhập viện do đánh nhau phần lớn là thanh niên, đánh nhau trong lúc có uống rượu.
Trong dịp lễ Tết, lúc nào người ta cũng có lý do để say sưa. Trước Tết, nhậu say để tổng kết năm cũ. Trong tết, nhậu say họp mặt đầu xuân. Ra tết, nhậu say để chúc mừng năm mới.
Và họ cứ liên tục cụng ly, mời chào, ép buộc nhau cạn chén mà không thèm quan tâm đến việc cái thứ họ đang uống chính là tác nhân khiến cho các vụ ẩu đả, các vụ tai nạn giao thông trong dịp Tết tăng vọt.
Cô bạn đại học của tôi vừa trở về Việt Nam ăn Tết sau 5 năm làm việc ở Úc than phiền choáng với việc nhậu thâu đêm suốt sáng, mọi lúc mọi nơi của người Việt. Cô bảo: "Người nước ngoài họ uống bia, rượu rất khác mình. Trên bàn tiệc, mỗi người được tự do lựa chọn thứ đồ uống mình thích. Chẳng vấn đề gì nếu rượu không phải thứ chất lỏng bạn rót vào ly. Không ai cố nài ép người khác uống rượu bằng kỳ được hay mượn cớ khích bác, chuốc say người khác”.
Thiết nghĩ, người Việt chúng ta nên thay đổi thói quen ăn Tết là phải uống rượu. Không uống vô tội vạ, khiêu khích, ép nhau uống để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe và những tai nạn không mong muốn.
Ngày Tết gặp nhau, chúc nhau là để vui vẻ chứ không phải để đẩy nhau vào tình thế hiểm nguy!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận