Thị trường

Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo: Việt Nam bị tác động ra sao?

02/10/2022, 08:01

An ninh lương thực Việt Nam không ảnh hưởng khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, song xuất nhập khẩu gạo sẽ bị "vạ lây".

Việt Nam luôn bảo đảm an ninh lương thực

Mới đây, Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu đối với mặt hàng gạo tấm (có hiệu lực từ 15/9/2022).Đồng thời, Ấn Độ cũng áp thuế xuất khẩu 20% đối với các mặt hàng gạo trắng và gạo lứt (chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Ấn Độ).

Nguyên nhân chính là do Chính phủ Ấn Độ đang ngày càng lo ngại về nguồn cung suy giảm và lạm phát giá lương thực...

Trước thực tế đó, vấn đề đặt ra với chúng ta là việc đảm bảo an ninh lương thực, điều hành giá ổn định, cũng như những chính sách xuất nhập khẩu hợp lý.

img

Ấn độ cấm xuất khẩu gạo tấm, áp thuế xuất khẩu 20% đối với các mặt hàng gạo trắng và gạo lứt. Ảnh: Đình Huệ/TTXVN

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có ý kiến chỉ đạo các Bộ, trong đó có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ động theo dõi, bám sát tình hình để thực hiện các biện pháp, giải pháp phù hợp, kịp thời theo thẩm quyền và quy định pháp luật, bảo đảm an ninh lương thực, hiệu quả công tác điều hành xuất khẩu gạo, ổn định thị trường giá cả lúa gạo và lợi ích người nông dân; Kịp thời báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ nội dung vượt thẩm quyền của các bộ.

Về an ninh lương thực, theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), Việt Nam có diện tích xấp xỉ 7,3 triệu ha trồng lúa, 1 triệu ha trồng rau… nên về cơ bản Việt Nam không có nguy cơ mất an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng trên bình diện quốc gia trước mắt cũng như lâu dài.

Lũy kế đến trung tuần tháng 8, cả nước gieo cấy được 6,7 triệu ha lúa, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2021, đã thu hoạch khoảng 4,4 triệu ha, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái; Năng suất bình quân đạt 63,3 tạ/ha; Sản lượng thu hoạch đạt gần 28 triệu tấn, tương đương so với cùng kỳ năm ngoái.

“Với khả năng sản xuất như hiện nay và không có tác động bất ngờ nào như thiên tai… thì Việt Nam luôn bảo đảm an ninh lương thực” ông Cường nhấn mạnh.

Giá gạo Việt Nam sẽ còn tăng cao

Ngay sau khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo, thị trường thế giới đã có những động thái tăng giá.

Theo thông tin từ Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Bộ NN&PTNT), hiện giá gạo 5% tấm tại Thái Lan, Ấn Độ và Việt Nam đều tăng.

Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Thái Lan đạt 430 USD/tấn, tăng 12 USD/tấn so với tuần trước. Giá gạo tăng do mưa lớn gây lũ lụt khiến phí vận chuyển nội địa tăng cao. Dự báo giá gạo Thái Lan còn tiếp tục tăng trong thời gian tới do ảnh hưởng từ chính sách của Ấn Độ.

img

Giá gạo trong nước cũng đang tăng thêm 200-300 đồng/kg so với tuần trước

Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Ấn Độ đạt mức trung bình 389 USD/tấn, tăng 6 USD/tấn so với tuần trước. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam ước tính đạt 405 USD/tấn, tăng 14 USD/tấn...

Nhận định về tác động của việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo đến thị trường lúa gạo Việt Nam, Viện này cho hay, Ấn Độ chủ yếu xuất khẩu gạo khô cơm (cấp thấp, tương tự giống IR50404 của Việt Nam), trong khi Việt Nam xuất khẩu nhiều gạo dẻo, gạo thơm.

Tuy không cùng phân khúc chất lượng, nhưng việc Ấn Độ áp thuế xuất khẩu gạo 20% đã phần nào tạo lực đẩy khiến giá gạo Việt Nam tăng lên. Các doanh nghiệp có thể thiếu hụt nguồn cung từ Ấn Độ, trong khi doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn có nhu cầu lớn, nên dự báo giá gạo tấm và phụ phẩm của ngành lúa gạo Việt Nam sẽ tăng trong thời gian tới.

Hiện gạo bán lẻ trong nước đang tăng thêm 200-300 đồng/kg so với tuần trước đó. Và còn tăng cao hơn vào những tháng cuối năm.

Xuất nhập khẩu gạo Việt Nam bị tác động ra sao?

Đánh giá tác động về xuất nhập khẩu, đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, Ấn Độ đang xuất khẩu gạo tới hơn 150 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Do đó, việc hạn chế xuất khẩu gạo, nhất là gạo trắng từ quốc gia này sẽ tạo cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam tăng xuất khẩu gạo ra thị trường thế giới và tăng giá gạo xuất khẩu trong thời gian tới.

Theo đơn vụ này, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới (sau Ấn Độ và Thái Lan) và là nước xuất khẩu lớn nhất sang Trung Quốc với 25% thị phần.

Giá gạo trắng Ấn Độ từ lợi thế giá rẻ giờ đây mất vị thế cạnh tranh do chịu mức thuế cao hơn, từ đó thúc đẩy người mua chuyển hướng sang gạo của Thái Lan và Việt Nam.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Công ty TNHH Gạo Việt cho biết, hai loại gạo tác động mạnh nhất khi Ấn Độ có chính sách trên là gạo trắng và gạo tấm.

Thực tế, hiện giá gạo trắng Việt Nam xuất khẩu đã tăng khoảng 15-20 USD/tấn, lên mức 415-425 USD/tấn. Trong khi gạo Thái Lan cũng hưởng lợi tăng lên mức 410 USD/tấn.

Còn gạo tấm là loại gạo tăng mạnh nhất, giá gạo tấm xuất khẩu của Việt Nam cũng như các nước tăng thêm 20-25 USD/tấn, lên mức 380-390 USD/tấn.

Tuy nhiên, số lượng tấm xuất khẩu của Việt Nam không lớn. Các nước xuất khẩu tấm nhiều như Myanmar, Pakistan lại hưởng lợi lớn.

Ông Long cho biết, hiện nhiều khách hàng từ châu Phi, Nga và một số nước châu Á đã bắt đầu hỏi dò giá gạo trắng, tăng lượng đặt hàng với phía doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam vì lo ngại giá gạo có thể tăng thêm trong thời gian tới...

Ngược lại, những doanh nghiệp nhập khẩu gạo tấm, gạo trắng từ Ấn Độ với giá rẻ trước đây thì giờ gặp khó khăn.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, việc cấm xuất khẩu gạo tấm (nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi) sẽ đẩy giá thức ăn chăn nuôi tăng lên, đặc biệt tại các thị trường nhập khẩu chính loại sản phẩm này là Trung Quốc và Việt Nam.

Các chuyên gia và doanh nghiệp đều dự báo, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng lên vì nguồn cung thế giới đang giảm, nhiều nước hạn chế xuất khẩu, nhu cầu lương thực tăng cao, đẩy giá tăng.

Trước thực tế này, đại diện Bộ NN&PTNT cho Báo Giao thông biết, tuần này, Bộ cũng đã có báo cáo đánh giá trình lên Thủ tướng Chính phủ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.