Trong nỗ lực khôi phục bộ đôi tàu đổ bộ Vikram và tàu thám hiểm Pragyan của sứ mệnh Chandrayaan-3 trên Mặt trăng, Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) đang phải đối mặt với một thách thức khó khăn mang tên "thời gian" khi họ cố gắng thiết lập lại liên lạc với 2 con tàu này sau giấc ngủ kéo dài hơn 14 ngày Trái đất trên Mặt trăng.
Bất chấp những nỗ lực hết mình của các kỹ sư mặt đất, không có tín hiệu nào nhận được từ Vikram và Pragyan, khiến ISRO phải chạy đua với thời gian để đánh thức những thành phần quan trọng này của sứ mệnh Chandrayaan-3.
ISRO đang quyết tâm hồi sinh Vikram Lander và Pragyan Rover nhưng đến nay chưa có kết quả. Ảnh: ISRO
Những nỗ lực quyết tâm của ISRO trong việc liên hệ với Vikram Lander và Pragyan Rover để đánh giá tình trạng hoạt động của chúng cho đến nay vẫn không mang lại kết quả.
Trong một tuyên bố gần đây trên mạng xã hội X (trước đây là mạng Twitter), ISRO đã tái khẳng định cam kết của họ trong việc tiếp tục theo đuổi không ngừng việc thiết lập lại liên lạc với "những nhà thám hiểm" cực Nam Mặt trăng này.
"Chúng tôi đã nỗ lực thiết lập liên lạc với tàu đổ bộ Vikram và tàu thám hiểm Pragyan để xác định tình trạng thức dậy của hai tàu. Hiện tại vẫn chưa nhận được tín hiệu nào từ bộ đôi này. Những nỗ lực để thiết lập liên lạc sẽ vẫn tiếp tục" - ISRO khẳng định.
Tại sao Vikram và Pragyan không thể thức giấc?
Theo các nhà khoa học, nhiệt độ đêm Trăng rất khắc nghiệt. Với mức nhiệt có thể xuống tới -140 độ C hoặc thấp hơn. Ở vùng Nam cực, nhiệt độ có thể xuống tới -200 độ C. Ở nhiệt độ này, không có vật liệu nhựa, hoặc vật liệu năng lượng carbon hay thiết bị điện tử nào có thể tồn tại được. Chúng sẽ nứt.
Như Suvendu Patnayak, cựu phó giám đốc Cung thiên văn Pathani Samanta ở thành phố Bhubaneswar, Ấn Độ giải thích, nhiệt độ ban đêm trên Mặt trăng giảm mạnh xuống mức lạnh thấu xương, khiến các linh kiện điện tử dễ bị tổn thương.
Vikram Lander và Pragyan Rover được thiết kế để hoạt động tối ưu chỉ trong 1 ngày Trăng (bằng 14 ngày Trái đất), khi có ánh sáng Mặt trời ấm áp.
"Khi đêm Trăng ập xuống, rất khó để một số linh kiện điện tử có thể hoạt động trong phạm vi nhiệt độ giảm sâu kéo dài như vậy. Vì vậy, người ta dự đoán 2 con tàu này sẽ không hoạt động khi Mặt trời quay trở lại", ông Suvendu Patnayak giải thích.
Ấn Độ là quốc gia đầu tiên đưa tàu đổ bộ cực Nam Mặt trăng. Ảnh: Internet
Tuy nhiên, cộng đồng khoa học vẫn còn một tia hy vọng, khi một số chuyên gia bày tỏ sự lạc quan rằng những "nhà thám hiểm Mặt trăng" này có thể sống lại.
Khi ISRO hồi hộp chờ đợi bất kỳ dấu hiệu sự sống nào từ các "nhà thám hiểm Mặt trăng" của mình, thế giới cũng hồi hộp theo dõi, hy vọng rằng những nỗ lực hồi sinh Vikram Lander và Pragyan Rover này sẽ bất chấp mọi khó khăn và đưa ra những hiểu biết mới mẻ về những bí ẩn của Mặt trăng.
Điều gì xảy ra nếu Vikram và Pragyan không thể thức dậy và sống sót?
Sau khi đặt 2 con tàu vào chế độ ngủ, ISRO đã nói: "Tàu đổ bộ và tàu thám hiểm đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Cả hai đã được đỗ an toàn và chuyển sang chế độ ngủ. Hai dụng cụ khoa học APXS và LIBS đã được tắt. Pin đã được sạc đầy.
Tấm pin Mặt trời cũng đã được định hướng để nhận ánh sáng Mặt trời tối ưu nhất. Bộ thu vẫn tiếp tục bật. Tất cả sẵn sàng cho một cuộc thức giấc ngày 22/9. Nhưng nếu, cả hai con tàu không thể sống sót, chúng sẽ mãi mãi ở đó với tư cách là Đại sứ Mặt trăng của Ấn Độ".
Nếu ISRO có thể hồi sinh tàu đổ bộ và tàu thám hiểm, công việc tiếp theo của cả hai sẽ là xác nhận sự hiện diện của nước trên Mặt trăng.
Cựu nhà khoa học ISRO Tapan Mishra khẳng định thêm rằng nếu Vikram và Pragyan sống sót sau một đêm Trăng thì cả hai sẽ sống sót được nhiều đêm Trăng khắc nghiệt nữa.
"Và nếu điều đó xảy ra, thì chúng tôi sẽ tham gia vào một liên minh có thể vận hành tàu đổ bộ Mặt trăng, tàu thám hiểm, thậm chí trong suốt cả năm. Đó sẽ là một điều tuyệt vời" - ông nói.
Sứ mệnh Chandrayaan-3 đã chứng kiến màn hạ cánh thành công cả Vikram Lander và Pragyan Rover trên bề mặt Mặt trăng vào ngày 23/8/2023. Địa điểm hạ cánh của chúng, được gọi là 'Điểm Shiv Shakti', hứa hẹn sẽ là một trung tâm khám phá khoa học trong tương lai.
Nguồn: Hindustantimes/Tech, Livemint
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận