Hồ sơ tài liệu

Ấn Độ đổi chiến lược đối phó Trung Quốc ở biên giới

07/07/2021, 07:12

Ấn Độ vừa công khai xây dựng một loạt dự án hạ tầng gồm cầu, đường tại khu vực biên giới đang tranh chấp với Trung Quốc.

img

Đoàn xe quân sự hướng về phía thị trấn Leh thuộc Ladakh của Ấn Độ

Dưới con mắt của nhiều cựu sĩ quan, nhà phân tích, những diễn biến vừa qua thể hiện một sự thay đổi về mặt chiến lược của New Delhi trong căng thẳng với Bắc Kinh.

Công khai một cách cẩn trọng

Riêng trong tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đã thực hiện 2 chuyến thăm tới khu vực biên giới giáp Trung Quốc và những sự kiện này được truyền thông địa phương tập trung tuyên truyền. Nổi bật trong 2 chuyến thăm, ông Singh đã dự khánh thành 63 cây cầu, 12 con đường trên khắp 7 bang dọc khu vực biên giới Trung Quốc.

Tại sự kiện thông cầu nằm trên con đường kết nối thị trấn Leh lớn nhất khu vực Ladakh của Ấn Độ với các khu vực khác dọc biên giới tranh chấp với Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ miêu tả đây là “siêu cấu trúc” bằng thép, cho phép vận chuyển nhanh các phương tiện, hệ thống vũ khí hạng nặng như súng, xe tăng và các trang thiết bị đặc biệt khác.

Hai chuyến thăm của ông Singh diễn ra trùng khớp với thời điểm hãng Bloomberg đăng tải thông tin, Ấn Độ đã điều động ít nhất 50.000 lính tới Đường Kiểm soát Thực tế (LAC), phần lớn quân tập trung ở khu vực Ladakh ở phía Tây dãy Himalaya nơi từng xảy ra nhiều cuộc đụng độ giữa binh lính Trung - Ấn trong năm ngoái. Thông tin này hiện chưa được New Delhi xác nhận.

Cùng thời điểm, trên trang tin The Wire, ông Ajai Shukla, nhà báo, một đại tá về hưu hé lộ, quân đội Ấn Độ đã đưa 16 sư đoàn tới LAC, tăng so với 12 sư đoàn trong năm ngoái.

Kết hợp những diễn biến trên và tuyên bố cách đây vài tuần từ tướng Bipin Rawat, Tổng tham mưu trưởng Ấn Độ rằng chính Trung Quốc, chứ không phải Pakistan, đang là “mối đe dọa hàng đầu” của Ấn Độ, nhiều nhà phân tích và các cựu sĩ quan quân đội đánh giá, New Delhi đang thay đổi cách tiếp cận vấn đề tranh chấp biên giới với Trung Quốc, theo tờ Bưu điện Hoa Nam (SCMP).

Hiện tại, hai nước đông dân nhất thế giới đang tranh giành chủ quyền ở vùng đất trải dài từ phía Tây vùng Ladakh tới phía Đông bang Arunachal Pradesh. Do đó, đối với Bắc Kinh, hoạt động xây dựng hạ tầng của Ấn Độ chính là “cái gai trong mắt” và là một dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm.

Sau khi hai nước đã có ít nhất 11 vòng đàm phán ở cấp Tư lệnh quân đội để giải quyết tranh chấp biên giới nhưng đến nay chưa đạt được tiến triển, Ấn Độ có thể đã thay đổi chiến lược, tiến tới công khai hành động và ý định của mình nhằm tăng cường vị thế quân sự cũng như hạ tầng ở biên giới, bất chấp phản đối từ Bắc Kinh.

Theo nhận định của ông Deepak Sinha, vị Thiếu tướng đã về hưu từng đứng đầu lực lượng triển khai nhanh của Ấn Độ, cách New Delhi công khai việc xây dựng hạ tầng cho thấy, họ không còn quá e dè lo ngại nhạy cảm trong vấn đề biên giới với Trung Quốc.

Song, tờ SCMP cho rằng, vẫn còn một điểm vô cùng nhạy cảm trong tranh chấp biên giới mà giới chức Ấn Độ phải hạn chế đụng chạm, đó là hoạt động xây dựng tại bang Arunachal Pradesh. Thực tế, trong số các dự án mà Bộ trưởng Singh tham dự tháng qua, có tới 10 con đường và 29 cây cầu nằm ở bang Arunachal Pradesh.

Chạy đua hạ tầng dọc biên giới

Một yếu tố khiến Ấn Độ phải ra sức củng cố hạ tầng tại khu vực biên giới là nhằm đuổi kịp hạ tầng mà Bắc Kinh đã xây dựng và nâng cấp đáng kể dọc LAC trong 2 thập kỷ qua.

Theo Tư lệnh Không quân Ấn Độ RKS Bhaduria, kể từ khi xảy ra đụng độ biên giới vào năm ngoái, Trung Quốc lập tức cải tiến mức độ hiệu quả hoạt động trên không, tăng cường hạ tầng tại các phi trường.

Trong khi đó, hạ tầng tại Ấn Độ lại rất xuống cấp. Nhiều cây cầu đã cũ, quá tải. “Hầu hết những cây cầu này đều không thể chịu tải trọng lớn nên khó có thể vận chuyển xe tăng, pháo hạng nặng”, nguyên Thiếu tướng Sinha nói thêm.

Ở Arunachal Pradesh, một trong những điểm nóng nhất trong tranh chấp chủ quyền Ấn - Trung mà Bắc Kinh đang tuyên bố chủ quyền với 90.000km2 và gọi là Nam Tây Tạng, hạ tầng của Ấn Độ còn quá yếu kém.

Tháng trước, ngay sau khi Trung Quốc khai trương tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên kết nối Lhasa và Nyingchi, chỉ cách biên giới Ấn Độ 40km, Nghị sĩ đại diện khu vực Arunachal Pradesh, ông Ninong Ering đã gửi thư lên Bộ trưởng Đường sắt Ấn Độ Piyush Goyal kêu gọi Bộ này chú ý tới việc xây dựng kết nối hạ tầng.

Nghị sĩ Ering lo ngại: “Nếu không cải thiện, một khi xung đột Trung - Ấn nổ ra, Ấn Độ sẽ gánh chịu hậu quả tồi tệ hơn cả năm 1962 vì không thể chuyển quân kịp thời”.

Bản thân Tổng tham mưu trưởng Ấn Độ Rawat thừa nhận, Ấn Độ sẽ phải mất ít nhất 3-4 năm nữa mới có thể đuổi kịp năng lực hạ tầng của Trung Quốc dọc LAC. Do đó, khi đối thủ Trung Quốc đang ngày càng củng cố sức mạnh hạ tầng, New Delhi không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải tiếp tục tăng cường sức mạnh tương ứng, ông Sinha nhấn mạnh.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đã tới khu vực Kimin, chính thức là thuộc bang Arunachal Pradesh. Nhưng khi đề cập đến chuyến thăm, Bộ trưởng Singh và cả Bộ Quốc phòng Ấn Độ đều tránh đề cập đích danh Arunachal Pradesh (một trong những điểm nóng tranh chấp mà Bắc Kinh đang tuyên bố chủ quyền với 90.000km2) mà khẳng định, Kimin thuộc bang Assam lân cận. Theo SCMP, sự né tránh này đã hé lộ những yếu tố nhạy cảm về địa chính trị.

Trong quá khứ, Trung Quốc nhiều lần phản đối tất cả các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo Ấn Độ tới bang Arunachal Pradesh bao gồm cả một chuyến thăm của ông Singh vào năm 2019.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.