Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi |
Cùng với việc Lầu Năm Góc đưa ra cảnh báo đối với sự bành trướng quân sự của Trung Quốc ở biển Đông tại Đối thoại An ninh Quốc phòng Shangri-La 2018, Ấn Độ đã có những động thái mạnh mẽ hơn để củng cố quan hệ ngoại giao và an ninh đối với các quốc gia Đông Nam Á, một động thái cạnh tranh rõ ràng đối với Bắc Kinh.
Chính sách đối ngoại và an ninh mới
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã thực hiện một số chính sách đối ngoại và an ninh cụ thể ở Đông Nam Á trong những ngày gần đây. Nổi bật như, New Delhi đã ký một thỏa thuận với Indonesia để phát triển cảng biển ở TP Sabang, nhằm giảm bớt tầm quan trọng của cửa ngõ phía Tây thông với eo biển Malacca, một trong những tuyến đường hàng hải đông đúc nhất thế giới.
Ấn Độ cũng đạt được hiệp ước với Singapore về hỗ trợ hậu cần cho tàu hải quân, tàu ngầm và máy bay quân sự trong khu vực. Thủ tướng Modi cũng đã bay tới Kuala Lumpur theo lịch trình muộn để gặp người đồng cấp Malaysia Mahathir Mohamad, người vừa giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tháng trước, nhằm củng cố hiệu quả mối quan hệ với một trong ba quốc gia Đông Nam Á có ảnh hưởng nhất.
Còn tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, diễn đàn quốc phòng hàng đầu của châu Á - Thái Bình Dương, ông Modi cho rằng Ấn Độ sẽ hợp tác với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để thúc đẩy một trật tự dựa trên các quy tắc trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
“Chúng tôi sẽ phối hợp với họ kể cả riêng biệt hay phối hợp giữa hai hoặc ba bên vì hòa bình và ổn định khu vực”, Reuters trích bài phát biểu của ông Modi được một số quan chức quốc phòng các nước ủng hộ, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis.
Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cho biết: “Tôi chắc chắn nhiều quốc gia rất vui mừng khi Ấn Độ đã thể hiện cam kết vững chắc của mình trong khu vực”.
Thực tế, thuật ngữ “Ấn Độ - Thái Bình Dương” đã phát triển trong việc sử dụng các hợp tác ngoại giao và an ninh ở Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản trong những năm gần đây. Cụm từ viết tắt cho một khu vực rộng lớn và dân chủ thay cho thuật ngữ “Châu Á - Thái Bình Dương” - nơi Trung Quốc quá vững chắc ở vị trí trung tâm. Điều này cho thấy một cách tiếp cận mới để đối phó, kiềm chế sự trỗi dậy quá mạnh mẽ của Trung Quốc.
Cùng với đó, Mỹ đã chính thức đổi tên Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của quân đội Mỹ ở Hawaii thành Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương từ cuối tháng 5 vừa qua.
Tầm nhìn xa hơn
Theo Reuters, các quan chức Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết có một yếu tố mạnh mẽ thúc đẩy các nỗ lực của New Delhi nhằm đảm bảo việc tiếp cận mở eo biển Malacca, vì tuyến đường này chiếm khoảng 60% giao thương kinh tế với các nước mà New Delhi xây dựng quan hệ.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, tham vọng của Ấn Độ còn xa hơn nữa. Cuối tháng trước, 3 tàu chiến Ấn Độ đã tổ chức diễn tập chung với Hải quân Việt Nam lần đầu tiên ở biển Đông. Các thủy thủ tàu ngầm Việt Nam cũng được đào tạo ở Ấn Độ, trong khi hai bên đã tăng đáng kể việc chia sẻ thông tin tình báo và đang tìm kiếm các hợp đồng bán vũ khí tiên tiến.
Còn về hướng Tây, Ấn Độ đã ký thỏa thuận tiếp cận cảng Duqm trên bờ biển phía Nam của Oman, trong chuyến thăm của ông Modi hồi đầu năm nay. Theo thỏa thuận, hải quân Ấn Độ có thể sử dụng cảng này cho các công tác hậu cần và hỗ trợ, cho phép hải quân Ấn Độ duy trì hoạt động lâu dài ở phía Tây Ấn Độ Dương.
Ấn Độ cũng đã đạt được một thỏa thuận trao đổi hậu cần với Pháp hồi tháng 1/2018. Theo đó, New Delhi có thể sử dụng các cơ sở quân sự của Pháp ở Ấn Độ Dương.
Theo Tiến sĩ Raja Mohan, một chuyên gia hàng đầu về Ấn Độ - Thái Bình Dương, điểm cốt lõi của chiến lược ngoại giao Ấn Độ Dương của Ấn Độ là xây dựng sức mạnh hải quân và mở rộng quan hệ đối tác biển giữa Ấn Độ với các nước khác thông qua các cơ chế song phương, ba bên và đa phương.
Ông Mohan cho rằng, một Ấn Độ quyết đoán hơn sẽ trả lời các mối quan tâm ở Đông Nam Á đối với việc mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Tuy nhiên, chuyên gia của Singapore này cũng hoài nghi việc ông Modi sẽ duy trì chiến lược này tốt như thế nào bởi tính toán của New Delhi cần một nền tảng mạnh trong nước, được xây dựng trên cơ sở hiện đại hóa hải quân nhanh hơn, mở rộng cơ sở hạ tầng biển dân sự và khả năng tiến hành các dự án tại các nước khác ven Ấn Độ Dương và giúp đỡ mạnh hơn về hải quân cho các nước khác.
Trung Quốc tỏ ra lãnh đạm
Trái ngược với mối quan hệ tình hữu nghị thường hay thể hiện ra bên ngoài giữa Trung Quốc và Ấn Độ, dường như Trung Quốc tỏ ra khá lãnh đạm với chiến lược này của New Delhi.
Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc đã cảnh báo trong một bài xã luận cuối tuần trước: “Nếu Ấn Độ thực sự tìm cách tiếp cận quân sự chiến lược, nước này có thể tự đưa mình vào một cuộc cạnh tranh quy mô với Trung Quốc và cuối cùng là “làm bỏng những ngón tay của mình”.
Đại tá Triệu Hiểu Trác thuộc Viện Nghiên cứu Chiến tranh của Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc nói với các phóng viên bên lề Đối thoại Shangri-La rằng ông Modi chỉ đưa ra một số ý kiến về những gì nhà lãnh đạo này nghĩ đối với khái niệm Ấn Độ - Thái Bình Dương”.
Thời báo Hoàn cầu ngày 4/6 nói rằng: “Chiến lược Ấn Độ -Thái Bình Dương và liên minh giữa Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia sẽ không kéo dài lâu”.
Còn theo giới quan sát, hiện vẫn chưa rõ Ấn Độ sẽ nắm bắt những mối quan hệ với các nước Đông Nam Á thế nào khi đã hứa hẹn nhiều năm về việc hợp tác chiếc lược và liệu cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra trong 11 tháng tới có gây xao nhãng cho Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hay không? Ấn Độ có thể sẵn sàng đối trọng với Trung Quốc nhưng không muốn châm ngòi đối đầu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận