Bạn cần biết

Ăn gì "diệt sâu bọ" Tết Đoan Ngọ?

29/05/2017, 13:27

Dưới đây là những món ăn "giết sâu bọ" không thể không có trong ngày Tết Đoan Ngọ (5/5 Âm lịch)

tet-doan-ngo-1013

Dưới đây là những món ăn đặc sắc, không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ các miền Bắc, Trung và Nam.

Tết Đoan Ngọ dân gian còn gọi là Tết giết sâu bọ là một ngày Tết truyền thống của người Việt Nam diễn ra vào ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch.

Người xưa quan niệm rằng: Trong cơ thể con người, nhất là bộ phận tiêu hoá thường có sâu bọ ẩn sống, nếu không diệt trừ thì sâu bọ ngày càng sinh sôi nảy nở gây nguy hại cho con người. Lũ sâu bọ chỉ lộ diện vào ngày 5/5 Âm lịch nên phải làm lễ trừ sâu bọ vào ngày này.

Dưới đây là những món ăn "giết sâu bọ" không thể không có trong ngày Tết Đoan Ngọ.

Cơm rượu nếp

Trong ngày Tết Đoan Ngọ, người dân trên cả nước thường ăn món cơm rượu nếp. Món ăn này được cho là có tác dụng khiến cho sâu bọ say, loại bỏ ký sinh gây hại trong cơ thể con người.

Cơm rượu của miền Bắc hạt rời, cơm rượu miền Trung ép thành từng khối và cơm rượu miền Nam được vo thành viên tròn. Món này sẽ cho vị men rượu đượm hương, cay nhẹ và vị ngọt trên đầu lưỡi. Chỉ cần ăn 1, 2 thìa, không nên ăn nhiều bởi cơm rượu nếp có tính nóng và nếu ăn lúc đói, người ăn rất dễ bị say.

Hoa quả đúng mùa

Hoa quả đúng mùa cũng được xem là một phương thuốc diệt sâu bọ. Theo quan niệm của ông bà xưa, sau khi các loài sâu bọ trong cơ thể bị cơm rượu nếp “chuốc say”, chúng ta tiếp tục ăn các loại trái cây có vị chua sẽ khiến chúng chết nhanh hơn.

Các loại trái cây mùa hè như mận, đào, vải, chôm chôm, xoài, dưa hấu cũng là các thứ quả không thể thiếu trên ban thờ ngày Tết Đoan Ngọ.

Bánh tro

banh-tro-1495789966919

Bánh tro là món ăn truyền thống trong dịp Tết Đoan Ngọ

Bánh tro là món ăn truyền thống trong dịp Tết Đoan Ngọ ở nhiều vùng miền của Việt Nam. Bánh tro được xem như là món ăn hội tụ tinh hoa của đất trời bởi khâu lựa chọn nguyên liệu và quy trình chế biến rất tỉ mỉ.

Nếp làm bánh phải lựa loại đều hạt, thơm và nhất định không được lẫn với gạo tẻ. Nước tro nấu bánh được gạn từ nước tro đốt từ những cây rơm nếp vàng óng.

Vì vậy bánh tro theo ông bà xưa là có sự hấp thụ các đặc tính của cây cỏ có tác dụng tiêu tan hết bệnh tật trong người đồng thời giải nhiệt trong tiết trời oi bức tháng 5.

Thịt vịt

Với người dân ở một số vùng miền như miền Trung, miền Nam, thịt vịt là món ăn không thể thiếu trong Tết Đoan Ngọ. Kể cả khi người dân có quan niệm kiêng ăn thịt vịt vào đầu tháng vì sợ đen đủi thì vào ngày 5/5 âm lịch, vẫn có nhiều người ăn thịt vịt.

Theo quan niệm, vào ngày Tết Đoan Ngọ, dương khí mạnh nên ăn thịt vịt có tính hàn, giải nóng, làm mát cơ thể. Thực tế, từ tháng 5 trở đi, vịt bắt đầu vào mùa. Những con vịt béo hơn, thịt ngon và không có mùi hôi nữa. Vì thế, trong Tết Đoan Ngọ, ở hầu hết các gia đình, họ đều mua vịt và chế biến thành nhiều món ăn khác nhau.

Chè trôi nước

Người miền Bắc ăn bánh trôi vào ngày 3/3 Âm lịch nhưng người miền Nam lại ăn món chè trôi nước có cách làm tương tự vào ngày 5/5. Bánh trôi được làm từ bột nếp, nhân đậu xanh ăn kèm với nước cốt dừa.

Nhiều người cho rằng Chè trôi nước phải ăn vào dịp 5/5 là bởi món này được làm từ gạo nếp – nguyên liệu được nhân dân ta quan niệm có khả sâu bọ rất tốt.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.