Lực lượng cứu hộ cứu nạn TX. Ayun Pa (Gia Lai) triển khai ca nô cứu hơn 10 công nhân bị cô lập ở một lò gạch. Ảnh: Tạ Vĩnh Yên |
Trưa 3/11, trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Lộc, chủ tịch TX. Ayun Pa (Gia Lai) bức xúc vì nhà máy thuỷ điện An Khê - Ka Nak xả lũ lại nhắn tin qua điện thoại vào giờ khuya khiến chính quyền bị động. Hơn nữa việc nhắn tin này lại không thông báo cho Chủ tịch tỉnh Gia Lai để xin lệnh xả hồ chứa thuỷ điện theo quy định về xả lũ liên hồ chứa.
Trước đó, trưa cùng ngày tại buôn Jứ Ma Uôk (xã Ia Broái, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) hơn 20 người dân đã ở lại chòi rẫy để giữ phân bón đã bị cô lập khi nước lũ đổ về ngày 2/11. Đến sáng 3/11, một số người đã di chuyển ra ngoài. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng đã khẩn trương vào vận động, đưa những người đang mắc kẹt tới nơi an toàn.
Ông Rơ Ô Aluyn, Phó chủ tịch UBND xã Ia Broái (H. Ia Pa) trực tiếp ở hiện trường cho biết, lực lượng chức năng vẫn đang di dời số người còn lại. “Tới trưa nay, vẫn còn 17 người đang ở lại chòi rẫy. Mục tiêu quan trọng nhất là đưa người ra khỏi vùng nguy hiểm phòng nước lũ tiếp tục dâng cao” – ông Rơ Ô Aluyn gấp gáp nói. 7 buôn tại xã Ia Rsai, huyện Ia Pa cũng đang bị cô lập gồm: buôn Pan, Puh, Chik, Kting, Chư Tê, Sai, Ơ Kia.
Chủ tịch TX. Ayun Pa bức xúc vì thuỷ điện xả lũ làm "khó" địa phương
Còn tại khu vực Bến Mộng (TX. Ayun Pa) trưa cùng ngày, PV chứng kiến lực lượng CSGT, Quân đội địa phương triển khai ca nô để tiếp cận, di dời người dân bị mắc kẹt tại khu vực ngập lụt ở P. Sông Bờ. Tại đây, 10 hộ dân và hơn 10 công nhân tại một lò gạch bị nước lũ cô lập được giải cứu.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch TX. Ayun Pa cho biết, hiện địa phương đang tích cực yêu cầu lực lượng chức năng triển khai các phương án (4 tại chỗ) đễ giúp người dân vượt qua cơn lũ do thuỷ điện An Khê – Ka Nak xả về. “Nhà máy thuỷ điện nhắn tin cho tôi lúc 21h tối ngày 1/11 đến 1h rạng sáng ngày 2/11 thì xả lũ. Mức xả lũ ban đầu là 200m3/s tăng dần lên 600m3/s và tiếp tục xin xả lũ ở mức 1000m3/s. Từ thời điểm địa phương nhận thông báo tin nhắn, đến khi nhà máy xả lũ quá nhanh và mức xả lớn đã khiến địa phương ban đầu lúng túng trong công tác xử lý”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận