Bùn đất, đá cuốn băng giường tủ
Trận lũ quét ập đến bất ngờ tối 5/8/2023 trên địa bàn các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang, huyện Mù Cang Chải làm 3 người chết, 248 ngôi nhà bị thiệt hại.
Mưa lớn cũng khiến hơn 100 vị trí taluy dương và taluy âm trên quốc lộ 32 đoạn qua huyện Mù Cang Chải đi huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu) sạt lở.
2,5 km hộ lan hư hỏng nặng. Nhiều ngôi trường, công trình thủy lợi bị cuốn trôi, tàn phá.
Trước mắt chúng tôi, cả triệu m3 bùn đất, đá, cuốn theo rất nhiều bàn ghế, giường tủ, xe cộ, cây cối đổ xuống các khu dân cư, kéo dài hàng cây số.
Các lực lượng chức năng và ứng cứu tại chỗ không thể tiếp cận hiện trường. Trong khi đó, nhiều người dân bị mắc kẹt đang cầu cứu sự giúp đỡ.
Thông tin này được các phóng viên chuyển về toà soạn rất nhanh, nhiều tin bài liên tiếp được đăng tải, giúp ngành chức năng và chính quyền địa phương nắm bắt rõ hơn tình hình.
Ngay sau đó, lực lượng tham gia hỗ trợ, thiết bị máy móc, nhu yếu phẩm được tức tốc tăng cường.
Tổng số lực lượng tham gia hỗ trợ đến từ nhiều đơn vị lên tới 3.000 người. Đồng bào cả nước cũng gửi về ủng hộ 2,4 tỷ đồng, 12 tấn gạo và rất nhiều nhu yếu phẩm.
Anh Văn Đức, phóng viên báo Tiền Phong chia sẻ: "Ngoài việc xác định đưa thông tin nhanh, chính xác về tình hình thiệt hại, công tác khắc phục hậu quả và tìm kiếm người bị nạn, tôi cũng lặn lội đến những gia đình thiệt hại nặng để tìm hiểu.
Quá trình tác nghiệp, tôi được sự trợ giúp của lực lượng chức năng nên đảm bảo an toàn. Tác nghiệp ở vùng nguy hiểm, không ai nói trước được điều gì".
Ăn lương khô cầm hơi
Những phóng viên tác nghiệp thời điểm đó, ai cũng ám ảnh với những câu hỏi: "Không biết những người mất tích giờ ra sao, liệu có phép màu nào giúp họ vượt qua không? Rồi mai đây, cuộc sống của những người vợ mất chồng, những đứa con mất mẹ, những cụ già mất nhà cửa, tài sản sẽ ra sao?".
Trong những ngày lũ bão ấy, ông Đỗ Nhân Nghĩa, Phó giám đốc Sở GTVT Yên Bái cùng 100 cán bộ, công nhân, kỹ sư Công ty đường bộ I - Yên Bái liên tục trèo núi, băng rừng, dầm mình dưới cơn mưa tầm tã để ngày đêm khắc phục sạt lở.
"Bằng mọi giá chúng tôi phải sớm thông đường để các lực lượng tiếp tế vào cứu trợ bà con. Sau 4 ngày, mọi nỗ lực đã có kết quả", ông Nghĩa nói.
Chứng kiến những công nhân cầu đường dầm mình dưới mưa để thông đường, cánh phóng viên có thêm động lực rất lớn để vượt qua gian khó.
Khi đường được thông, chúng tôi đều không thể cầm lòng trước những ánh mắt thất thần, cầu cứu của người dân đang trong cơn hoạn nạn.
Số tài sản tích cóp cả đời của họ chỉ trong chốc lát đã bị cuốn theo nước lũ. Nhiều người phải sống cảnh "màn trời, chiếu đất", từng ngày, từng giờ mong ngóng sự hỗ trợ.
Chỉ ít lâu sau khi những bài báo, video clip về cuộc sống của người dân nơi tâm lũ được đăng tải, các đoàn thiện nguyện đổ về nườm nượp, giúp người dân phần nào vượt qua khó khăn, thiếu thốn và sớm ổn định cuộc sống.
Những ngày tác nghiệp trong mưa lũ, hầu hết phóng viên không có cơm để ăn, may mắn thì được ăn mì gói, còn hầu hết chỉ ăn lương khô. Guồng quay công việc, sự cần kíp lúc nước sôi lửa bỏng khiến chuyện ăn uống với chúng tôi không còn quá quan trọng.
Kỷ niệm nhớ nhất với tôi là khi chuyển tin bài về toà soạn, do điện lưới và mọi thông tin liên lạc ở khu vực lũ quét đều không có, nên các phóng viên phải mặc áo mưa đi xe máy vượt 40km từ xã Hồ Bốn ra trung tâm huyện Mù Cang Chải.
Vất vả là vậy, nhưng khi những tin, bài ảnh khu vực lũ được đăng tải và chia sẻ khiến chúng tôi quên hết mệt mỏi.
Cuộc sống hồi sinh sau lũ
Những con đường ngổn ngang đất đá, nhà cửa nghiêng đổ sau trận mưa lũ hôm nào, giờ không còn nữa. Giờ đây, những ngôi nhà mới khang trang được dựng lên nhờ sự đầu tư, hỗ trợ của chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm trên khắp các vùng miền và sự nỗ lực của mỗi người dân.
Ngay sau khi cơn lũ dữ đi qua, bà con đã tranh thủ thu hoạch mùa vụ, cải tạo lại ruộng nương, duy trì sản xuất, không làm đứt quãng vụ gieo trồng.
Với đặc thù là một huyện vùng cao, trên 90% là đồng bào dân tộc Mông, Mù Cang Chải cũng thường xuyên hứng chịu thiên tai. Riêng trận lũ quét đầu tháng 8/2023 đã gây thiệt hại trên 400 tỷ đồng, hàng trăm ngôi nhà bị sập, hư hỏng.
Ông Nông Việt Yên, Bí thư Huyện huyện Mù Cang Chải chia sẻ, năm 2017, tại đây cũng xảy ra trận lũ quét kinh hoàng, thiệt hại rất lớn.
"Lần này, cũng nhờ những thông tin kịp thời của báo chí, hậu quả trận lũ và tình cảnh của người dân nơi được lan tỏa rất nhanh. Sau đó nhận được sự chia sẻ, ủng hộ rất nhiều của người dân cả nước.
Đến nay, huyện đã hoàn thành việc khắc phục 729 nhà với tổng kinh phí 5,97 tỷ đồng cho các hộ dân bị ảnh hưởng do lũ".
Không còn bùn đất chất đống, ngổn ngang cây cối, sân Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Hồ Bốn giờ đây khang trang, bình yên.
"Đến bây giờ, các điều kiện sinh hoạt, học tập cho học sinh bán trú đã cơ bản đầy đủ. Thầy cô giáo, gia đình đã yên tâm khi học sinh được đến trường đến lớp đi học", lãnh đạo nhà trường cho biết.
Chia tay Mù Cang Chải, lẫn trong tiếng nước chảy róc rách của dòng suối Kim yên ả là tiếng cười nói vui tươi của lũ trẻ chăn trâu, nô đùa bên suối.
Ký ức đau thương về trận lũ kinh hoàng hôm nào như đã dần xa… Đất lũ hồi sinh, bức tranh bừng lên với nhiều gam màu sáng, đầy sức sống.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận