Hạ tầng

Ăn sáng Phan Thiết, trưa tắm biển Ninh Chữ, tối về TP.HCM

13/06/2023, 10:18

Việc khởi hành từ TP.HCM, ăn sáng tại Phan Thiết, ăn trưa tại Phan Rang, chiều tắm biển, tối về lại TP.HCM không còn là điều viển vông...

Đột phá hạ tầng giao thông phía Nam:

Kỳ 1: Từ vùng trũng cao tốc...

Kỳ2: Thần tốc làm cao tốc

Vẽ lại bản đồ du lịch

Ông Dương Văn Tú, Giám đốc nhà xe Tuấn Tú, chuyên chạy tuyến Ninh Thuận - TP.HCM cho biết, đang cân đối để điều chuyển xe qua hướng đi cao tốc sau khi hai tuyến Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Vĩnh Hảo thông xe, thay vì đi QL1. Lý do là đi QL1 mất 8 tiếng, còn đi cao tốc thời gian chỉ còn 4 tiếng.

“Cao tốc đi nhanh hơn, địa phương có nhiều điểm du lịch mới, hành khách đến Ninh Thuận sẽ đông hơn”, ông Tú nhận định.

img

Từ 19/5/2023, cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 100,8km nằm trọn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã chính thức đưa vào khai thác, vận hành

Trước lễ 30/4, dù chỉ mới khánh thành đoạn Dầu Giây - Phan Thiết, nhưng theo ông Phan Tấn Cảnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, lượng khách đến tỉnh này tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2022 với trên 90.000 lượt khách, chủ yếu là từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

Trong khi đó, Bình Thuận đón khoảng 160.000 lượt khách, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022, công suất phòng bình quân đạt khoảng gần 90%.

Là một trong những tài xế thường xuyên lưu thông trên cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết sau khi thông xe, ông Nguyễn An Nhiên, 35 tuổi, ở quận Tân Bình, TP.HCM, nhận xét cao tốc hoàn thành giải quyết rất nhiều vấn đề về kinh tế - xã hội.

“Với người dân TP.HCM, lúc này đi biển không chỉ có riêng Vũng Tàu mà còn nhiều lựa chọn khác như Phan Thiết, Phan Rang, thậm chí là đi Nha Trang cũng nhanh”, ông Nhiên nói và cho biết, việc khởi hành từ TP.HCM, ăn sáng tại Phan Thiết, ăn trưa tại Phan Rang, chiều tắm biển, tối về lại TP.HCM là trong tầm tay. Điều này trước đây rất viển vông.

Trong khi đó, đại diện nhiều doanh nghiệp lữ hành nhận định, việc có 3 cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Phan Thiết - Vĩnh Hảo, Nha Trang - Cam Lâm sẽ giúp thị trường du lịch có thêm nhiều điểm đến mới.

Các doanh nghiệp đã bắt đầu vẽ lại bản đồ du lịch dựa trên lộ trình của các tuyến cao tốc. Phía địa phương cũng gấp rút tăng cường quảng bá, đầu tư hạ tầng để thu hút khách.

Đại diện một công ty lữ hành tại TP.HCM cho biết, ngoài việc thu hút khách từ TP.HCM và khu vực phía Nam, việc có thêm 3 tuyến cao tốc giúp tam giác du lịch TP.HCM - Phan Thiết - Đà Lạt xích lại rất gần nhau hơn. Các tour tuyến “lên rừng, xuống biển” đều hấp dẫn du khách hơn.

Xây tổ đón đại bàng

Ông Phan Tấn Cảnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, ngay khi các tuyến cao tốc bắt đầu triển khai, địa phương đã xúc tiến mời gọi đầu tư.

Trong thời gian ngắn, Bộ GTVT đã vào cuộc quyết liệt, chỉ đạo đẩy nhanh các thủ tục để đầu tư hàng loạt các dự án giao thông lớn.
Đón đầu cơ hội, TP Cần Thơ đã quy hoạch nhiều khu vực để phát triển kinh tế. Khi cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ hoàn thành, thời gian di chuyển lên TP.HCM sẽ rút ngắn còn hơn 2 giờ, giao thương sẽ thuận lợi, góp phần cho việc phát triển cụm cảng Cái Cui của Cần Thơ.
Cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cũng sẽ là động lực để địa phương phát triển khu công nghiệp Vĩnh Thạnh đang hình thành với quy mô khoảng 900ha”.

Ông Dương Tấn Hiển, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ


Trong 2 năm qua, Ninh Thuận đã cấp chủ trương đầu tư cho 57 dự án du lịch.

Đã có 25 dự án đưa vào hoạt động khi cao tốc hoàn thành. Tỉnh đang đốc thúc 35 dự án du lịch lớn khác như: Bình Tiên, Vĩnh Hy, khu du lịch Núi Chúa…

“Mục tiêu của Ninh Thuận là thu hút 2,7 triệu lượt khách trong năm 2023, đặc biệt là dịp hè đang tới”, ông Cảnh nói.

Ở hướng miền Tây, những ngày qua các công nhân, kỹ sư vẫn đang tất bật thi công dự án cầu Rạch Miễu 2.

Đây cũng là một trong những dự án quan trọng trên tuyến QL60 để nối thông 6 tỉnh phía Đông vùng ĐBSCL.

Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho rằng, trong điều kiện ngân sách khó khăn, Chính phủ đã quyết định dành 5.175 tỷ đồng xây cầu Rạch Miễu 2, cho thấy tầm quan trọng của dự án trong việc liên kết vùng.

Cầu Rạch Miễu 2 là mắt xích quan trọng trên tuyến QL60, kết nối các vùng kinh tế của 6 địa phương phía Đông vùng ĐBSCL gồm: Tiền Giang đến Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Nếu từ Trà Vinh lên TP.HCM theo QL60 sẽ rút ngắn 40km so với đi QL1. Đây cũng là điều kiện để nông sản, hàng hóa của các địa phương thuận tiện hơn trong quá trình vận chuyển đi tiêu thụ, xuất khẩu.

Phải hai năm nữa cầu Rạch Miễu 2 mới xong, nhưng ngay từ lúc này, Bến Tre đã quy hoạch dọc hai bên tuyến đường vào cây cầu này với khoảng 5.300ha làm khu đô thị, công nghiệp, nông nghiệp sạch, du lịch.

Trước đó, dọc QL60, Bến Tre đã xây dựng nhiều khu công nghiệp như: Giao Long với trên 100ha, An Hiệp 72ha; sắp tới có thêm Khu công nghiệp Phú Thuận, trên 231ha với tổng mức đầu tư trên 2.126 tỷ đồng.

Các chuyên gia cho rằng, việc cải thiện hệ thống giao thông sẽ giúp lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh, thành trong vùng, giúp doanh nghiệp có thêm nhiều cơ hội, tiết kiệm nhiều chi phí.

Bà Lê Thị Song An, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Long An đánh giá, chỉ trong hơn 2 năm qua, bộ mặt hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL chuyển biến mạnh mẽ, trong đó vai trò của Bộ GTVT là rất lớn.

Những dự án lớn như cầu Cao Lãnh, Vàm Cống, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được đưa vào khai thác đã góp phần cải thiện giao thông liên vùng.

“Bộ GTVT đã làm việc cật lực ngày đêm, hoàn thành các thủ tục để khởi công nhiều công trình lớn. Ngành GTVT đã luôn chủ động và giám sát chặt chẽ các dự án đã và đang thi công. Lãnh đạo Bộ liên tục có mặt trên các công trình để kiểm tra, thúc tiến độ các dự án sớm hoàn thành đúng kế hoạch để người dân đi lại thuận tiện, phát triển kinh tế liên vùng”, bà Song An nhìn nhận.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.