Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí |
Sáng 18/11, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình đăng đàn trả lời chất vấn của các ĐBQH.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chất vấn Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Tư pháp về tình trạng chuyển tội danh tham nhũng thành tội danh khác, cùng với đó, tỷ lệ án kéo dài, trả hồ sơ bổ sung rất cao, thậm chí có tình trạng đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài ngay tại thời điểm chưa khởi tố.
Trả lời thêm trước Quốc hội, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí nói muốn phát biểu thêm về nguyên nhân và các giải pháp.
Ông thừa nhận so với các án khác thì án tham nhũng là loại án bị kéo dài, trả hồ sơ bổ sung nhiều lần. “Thực trạng này thuộc trách nhiệm của các cơ quan tố tụng, trong đó có ngành kiểm sát. Nhưng nó có nhiều nguyên nhân cả khách quan, chủ quan”, ông Trí nói.
Cán bộ sợ trách nhiệm, cầu toàn
Theo lý giải của Viện trưởng Lê Minh Trí, án này là án truy xét, hành vi thực hiện phạm tội cũng như phát hiện rất lâu, xảy ra trong lĩnh vực quản lý Nhà nước, đối tượng là những người có quan hệ, có chức vụ quyền hạn, có kiến thức… để có thể tác động vào quá trình điều tra vụ án.
Chính vì vậy, nó đặt ra vấn đề khó khăn đầu tiên là kết quả giám định tư pháp, ví dụ riêng với vụ án Phạm Công Danh giám định 5 lần mới có cơ sở xử lý vụ án. “Kiến thức chuyên môn, chuyên ngành các cơ quan tố tụng còn nhiều hạn chế, nếu nắm chắc luật hình thức và các Luật tố tụng thì là chưa đủ để đánh giá phân tích, đặc biệt đánh giá thiệt hại của các vụ án”, Viện trưởng Lê Minh Trí nhận định.
Bên cạnh đó, do Luật giám định tư pháp chưa xác định được thời hạn để trả lời kết quả giám định. Ông Trí cho hay, vừa qua, yêu cầu giám định một số vụ án phải chờ chủ trương của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN, vì quy mô dự án lớn tới mức vài nghìn tỷ, đòi hỏi xác định thiệt hại của các dự án đang đắp chiếu hay chưa đưa vào sử dụng là rất khó khăn nên chủ trương là điều tra rõ đến đâu thì truy tố, xét xử đến đó, phần còn lại sẽ đưa vào khởi tố, điều tra một vụ án khác.
“Nếu thông thường, với quy mô lớn mà không đánh giá thì không thể đưa ra xét xử được, nên không thể cầu toàn”, ông nêu quan điểm.
Nguyên nhân khác ông Trí đưa ra là phụ thuộc vào thời gian cung cấp tài liệu của các cơ quan chuyên môn, vào nội dung kết luận của cơ quan giám định.
“Nguyên nhân chính của việc trả hồ sơ nhiều lần để điều tra bổ sung, thẳng thắn mà nói liên quan đến năng lực, trình độ, trách nhiệm của các cán bộ thuộc cơ quan tố tụng, trong đó có VKS. Đặc biệt là năng lực, kiến thức trong quản lý tài chính, kinh tế nên tiến hành tố tụng còn hạn chế.
Một vấn đề đặt ra nữa là tâm lý sợ oan sai dẫn đến cầu toàn trong quá trình điều tra, đánh giá chứng cứ dẫn đến trả hồ sơ nhiều lần, nhằm an toàn về trách nhiệm của mình”, ông Trí thừa nhận.
Cùng với đó, ông cho rằng trách nhiệm pháp lý và bồi thường Nhà nước cũng tác động đến góc nhìn và các cơ quan “sợ trách nhiệm” khi thực hiện nhiệm vụ của mình.
Biệt phái KSV cấp tối cao tham gia xét xử án ở cấp địa phương
Về giải pháp, ông Trí cho biết, VKS tối cao đang nghiên cứu phương án biệt phái kiểm sát viên ở cấp tối cao tham gia vụ án xét xử ở cấp địa phương, nắm chắc nội dung vụ án để đảm bảo tranh tụng ở phiên toà thuyết phục hơn, đảm bảo chất lượng của các phiên toà xét xử.
VKS Tối cao chủ trì, phối hợp với TAND Tối cao, Bộ Công an, Tư pháp xây dựng thông tư liên tịch quy định, hướng dẫn các trường hợp cần thiết giám định trong giải quyết án tham nhũng, kinh tế để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc này, đặc biệt để ngăn chặn việc lợi ích việc giám định để cản trở, kéo dài giải quyết vụ án, việc giám định không chính xác khiến phải giám định lại nhiều lần. “Thông tư này phấn đấu ban hành trước 1/1/2018”, ông Trí thông tin.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận