ĐB Hồ Trọng Ngũ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội |
Đó là quan điểm của ĐB Hồ Trọng Ngũ – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội khi trao đổi với báo chí bên lề hành lang Quốc hội về quy định bỏ án tử hình đối với những người đã khắc phục được hậu quả, quy định trong Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi).
Tạo sự bất bình đẳng giữa người có tiền và người không có tiền
Trong Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) lần này, có quy định những người phạm tội đến mức tử hình nhưng đóng tiền khắc phục hậu quả thì được giảm án tử hình. Theo ĐB Hồ Trọng Ngũ, nếu khi đã tuyên án mà mới khắc phục hậu quả để được xét giảm án thì không đúng với tinh thần của pháp luật.
“Khi tòa đã quyết định tử hình thì xét về nhân thân và tất cả các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đã được tính hết mới đi đến phát quyết. Bản án khi có hiệu lực pháp luật thì không có chuyện tính thêm yếu tố gì bên ngoài. Nếu dùng tiền khắc phục hậu quả để được giảm tử hình, thì vô hình chung dùng tiền để mua hình phạt là không được” – Phó Chủ nhiệm Hồ Trọng Ngũ giải thích và cho biết ông không ủng hộ quy định này, vì như vậy sẽ bất bình đẳng giữa người có tiền và không có tiền.
“Nếu anh khắc phục hậu quả trước đấy thì lại khác, đấy được coi là tính chất nguy hiểm của hành vi đã được giảm nhẹ thì tòa mới quyết định. Khi đã quyết định tử hình rồi thì không thể mua bằng tiền được” – ông Ngũ nhấn mạnh.
Trước ý kiến cho rằng, nếu quy định có thể dùng tiền để thoát án tử như quy định tại dự thảo sẽ tạo kẽ hở, dung túng cho tội phạm, đặc biệt là tội phạm về tham nhũng. ĐB Hồ Trọng Ngũ cho rằng, ở Việt Nam hiện nay, tình hình tội phạm đang diễn biến hết sức phức tạp, chính sách hình sự trong Bộ luật Hình sự là cực kỳ quan trọng đối với việc bảo vệ chế độ. Muốn thế phải đứng trên lập trường của một giai cấp nào đó, để nhìn lợi ích của xã hội.
“Nếu quy định một cách mơ hồ, cái nào cũng tha, cái nào cũng bỏ thì không còn lập trường giai cấp, tư tưởng bảo vệ chế độ nữa. Khi ấy chúng ta không biết đứng ở góc độ nào mà nhìn. Ở góc độ luật hình sự, phải hết sức có nhãn quan chính trị đúng và nhìn vấn đề lợi ích phải chính xác chứ không phải cứ nói nhân đạo một cách mơ hồ. Hình phạt là quả cân để ta cân hành vi phạm tội. Khi lập pháp xác định mỗi tội phạm có một quả cân tương ứng, và hệ thống hình phạt là những quả cân để lượng hình hành vi ấy. Người xét xử phải dùng quả cân nào hợp lý, để cân hành vi ấy cho cán cân công lý công bằng. Đó là trách nhiệm xác lập công lý và người cầm cán cân công lý phải biết dùng quả cân nào đối với mỗi hành vi xảy ra” – ông Ngũ phân tích.
Nhân đạo với tội phạm là vô nhân đạo với xã hội
Đồng quan điểm, ĐB Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) trong phiên thảo luận tại hội trường về dự án luật này cũng cho biết, ông tán thành hạn chế hình phạt tử hình nhưng không đồng tình với bỏ các tội danh phá hoại hòa bình, tội phạm chiến tranh, chống loài người.
ĐB Đỗ Ngọc Niễn - Bình Thuận |
Về quy định tội phạm về kinh tế nếu khắc phục được hậu quả, hợp tác tích cực với cơ quan điều tra thì có thể thoát án tử hình, ĐB Niễn cho rằng như thế không bằng với các án tử hình khác, tạo kẽ hỡ cho tội tham nhũng, lợi dụng dùng tiền để đổi mạng.
“Làm như thế chẳng nào nào dung túng cho cho tham nhũng. Tham nhũng là quốc nạn, làm lũng đoạn đất, đe dọa sự tồn vong của chế độ. Chúng ta đã quyết tâm chống tham nhũng nhưng không đạt kết quả như mong muốn. Mà tham nhũng ngày càng tinh vi phức tạp hơn. Dư luận hết sức bất bình, đòi hỏi cần có hình thức xử phạt nghiêm minh hơn nữa để ngăn chặn” – ĐB đề nghị.
Theo ĐB này, chúng ta có thể thu hồi đầy đủ tài sản tham nhũng nhưng không vì thế mà đánh đổi lòng tin của nhân dân, làm thay đổi cán cân công lý, dung túng cho tham nhũng với việc giảm hình phạt tù thay bằng phạt tiền để khắc phục hậu quả.
“Áp dụng điều luật này khác gì bỏ hình phạt tử hình với tội tham nhũng, làm như vậy xã hội tất sẽ loạn, nhân dân sẽ không tha thứ cho chúng ta. Đề nghị bỏ quy định này” – ĐB nhấn mạnh.
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) trong phần thảo luận của mình cũng nhấn mạnh: “Chúng ta nhất trí với chủ trương nhân đạo của Đảng và Nhà nước, nhưng phải xem xét cụ thể, cẩn trọng, không phải trường hợp nào cũng thể áp dụng tính nhân đạo này. Trong vài trường hợp, nếu chúng ta nhân đạo với tội phạm, thì tức là chúng ta đang “vô nhân đạo” với cả xã hội, bởi hành vi mà tội phạm ấy gây ra cho xã hội là hết sức nghiêm trọng và đáng phải chịu sự trừng phạt của pháp luật”.
“Quan điểm tôi ủng hộ minh bạch hóa trong xây dựng pháp luật hình sự. Quy phạm pháp luật hình sự phải rất rõ ràng, không thể muốn áp dụng cách nào cũng được. Bởi vì nó liên quan trực tiếp đến sinh mệnh của con người cho nên các quy phạm pháp luật hình sự phải làm rất kỹ, khó hơn nhiều lĩnh vực, đòi hỏi cao khi xây dựng phải chính xác, không cho phép tòa có thể áp dụng thế này cũng được mà thế kia cũng được. Chỉ nên có duy nhất một phương án lựa chọn. Nếu còn những quy phạm có thể áp dụng thế này thế kia để gom lại, thì vô hình chung chúng ta lại thừa nhận nguyên tắc tương tự - điều mà chúng ta loại khỏi trong hệ thống pháp luật hình sự từ lâu” – Phó Chủ nhiệm ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội Hồ Trọng Ngũ. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận