Lộ trình tuyến số 1 dài gần 11 km từ bến Bạch Đằng (quận 1) đến điểm cuối bến Linh Đông (quận Thủ Đức, TP.HCM) - Ảnh: Đỗ Loan |
Sáng 21/8, tại bến Bạch Đằng, quận 1, TP.HCM, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT và rất nhiều hành khách trực tiếp chứng kiến lễ hạ thủy và “mở hàng” cho tuyến buýt đường sông đầu tiên. Đây là tuyến buýt số 1 đưa vào chạy thử nghiệm từ bến Bạch Đằng (quận 1) đến bến Bình An (quận 2).
7 năm chuẩn bị cho 1 ngày
Có mặt tại bến Bạch Đằng sáng 21/8, từ xa, màu sơn vàng của chiếc tàu buýt đường sông nổi bật với kiểu dáng thiết kế theo mẫu của châu Âu kết hợp cùng nét văn hóa của người Việt. Bên trong tàu được chủ đầu tư trang bị đầy đủ, tiện nghi hiện đại. Từ bồn rửa ngay lối lên - xuống, cho tới chiếc ghế băng dài đặt cuối tàu để hành khách thích sông nước có thể ngồi ngắm. Giữa hai hàng ghế lối đi được đặt một chiếc tivi lớn chừng nửa khoang lái của thuyền trưởng và có cả quầy bar mini phục vụ hành khách. Lúc này, có hơn 50 “thượng đế” đang đứng chờ trên bờ và ai cũng háo hức được bước lên trên tàu buýt để bắt đầu chuyến trải nghiệm, thưởng ngoạn trên sông Sài Gòn…
Thời gian di chuyển từ bến đầu đến bến cuối của buýt đường sông khoảng 30 phút, trong đó thời gian tàu cập mỗi bến để đón và trả khách là 3 phút, giá vé 15.000 đồng/khách/lượt. Dự án trong giai đoạn đầu sẽ có 2 tuyến gồm: Tuyến số 1 Bạch Đằng - Linh Đông, dài 10,8km đi qua các bến: Bạch Đằng, Sài Gòn Pearl (Q.Bình Thạnh), Bình An, Thảo Điền (Q.2), Tầm Vu, Thanh Đa (Q.Bình Thạnh), Bình Triệu, Hiệp Bình Chánh, Linh Đông (Q.Thủ Đức). Ngoài ra, trong tuyến số 1 theo chỉ đạo của UBND TP, chủ đầu tư sẽ bổ sung thêm 3 bến gồm: Thủ Thiêm (Q.2), Tân Cảng (Q.Bình Thạnh), Trường Thọ (Q.Thủ Đức). Tuyến số 2 (Bạch Đằng - Lò Gốm) dài 10,3 km, từ bến Bạch Đằng đi theo sông Sài Gòn qua rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hũ đi qua các quận: 1, 4, 5, 6, 8 và ngược lại. Tuyến này đang tạm hoãn do ảnh hưởng của đập ngăn triều Bến Nghé đang xây dựng. Dự kiến, tuyến buýt đường sông số 2 sẽ khai trương vào đầu năm 2018. |
Sau thủ tục hạ thủy, đúng 8h30, thuyền trưởng nhấn nút còi hụ báo hiệu cho du khách bước lên tàu buýt để chuẩn bị rời bến. Ngồi trong tàu buýt nhìn Sài Gòn thơ mộng qua khung cửa kính, nhiều hành khách cùng chung cảm giác thích thú. Ai cũng ngỡ ngàng khi được tận hưởng một góc nhìn khác về Sài Gòn văn minh, hiện đại.
Điều ấn tượng của buýt sông mà các tuyến buýt đường bộ không có là các điểm tàu dừng đồng thời cũng là những điểm du lịch của TP như: Bến Sài Gòn Pearl, bến Bình An, Thảo Điền, bến Tầm Vu, Thanh Đa… tạo thêm cơ hội cho khách tham quan, vui chơi, giải trí. Tuyến số 1 đi qua 9 trạm, mỗi trạm dừng 3 phút để đón khách và những trạm này gắn liền với điểm du lịch của TP.HCM.
Chị Phạm Thu Hòa (quận 1), người cùng đi thử nghiệm trên chiếc buýt đường sông tỏ ra thích thú: “Đi buýt sông vừa mát mẻ, thoải mái, không có cảm giác ồn ào, bụi như buýt đường bộ, lại được ngắm sông nước thế này tốt quá. Mong TP đầu tư thêm nhiều tuyến buýt sông hơn nữa để người dân tiện đi lại. Chỉ có góp ý là nhà đầu tư nên làm mái che trên mấy trạm chờ cho khách khỏi nắng, mưa”.
Sau khi chạy thử nghiệm hôm 21/8, dự kiến buýt sông chính thức khai trương đón khách vào tháng 10 tới. Như vậy, tính từ thời điểm UBND TP.HCM đồng ý về chủ trương (năm 2010) để các đơn vị liên quan khảo sát, lập dự án xây dựng, dự án bị trì hoãn kéo dài gần 7 năm. Thời điểm đó, vì nhiều lý do như chưa có cơ chế đầu tư thích hợp, quy hoạch tổng thể bố cục không gian thành phố chưa phù hợp để phát triển buýt đường sông, dẫn đến vốn đầu tư ban đầu dự kiến khoảng 58 tỷ đồng đã đội lên 128 tỷ đồng.
Buýt đường sông tại bến Bình An, Q.2 - Ảnh: Đỗ Loan |
Buýt đường sông phải phục vụ tốt nhất cho dân, khách du lịch
Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật (chủ đầu tư) cho biết, với chiến lược phát triển giao thông và du lịch đường thủy, dự án đầu tư hai tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy trên địa bàn TP.HCM đã được triển khai trong nhiều gian khó. Vượt qua tất cả đến nay đã thành công và tuyến buýt này nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân TP, góp phần giải tỏa tình trạng ùn tắc giao thông đường bộ.
Theo ông Toản, dự án tuyến buýt đường sông là mô hình vận chuyển hành khách công cộng chưa từng có tiền lệ trước đây trên địa bàn TP.HCM. Chi phí cho buýt đường sông và phí quản lý vận hành rất cao; yêu cầu về kỹ thuật và an toàn trong quá trình vận hành đòi hỏi phải có sự đầu tư phương tiện và đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ cho những người phục vụ trên tàu buýt...
Có mặt tại buổi lễ, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM nhìn nhận, TP.HCM với lợi thế có hơn 1.000km giao thông đường thủy nội địa, trong những năm qua đã góp phần rất lớn phát triển kinh tế, xã hội. Hiện, tình hình ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường tại TP.HCM ngày càng gia tăng, trong khi vận tải hành khách đường bộ dựa vào xe buýt, taxi mới chiếm 10%. Mục tiêu đến năm 2020 đạt được 20%. Trong đó, xe buýt và taxi chiếm từ 10 - 17%. Số còn lại được kỳ vọng vào tuyến đường sắt đô thị số 1 và đường thủy nội đô. Việc triển khai đưa vào hoạt động tuyến vận tải hành khách công cộng đường thủy sẽ góp phần giải bài toán ùn tắc đường bộ, góp phần kết nối, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch đường thủy nội địa của TP.HCM.
“Chủ đầu tư sau khi triển khai hoạt động phải tập trung, bảo đảm phục vụ tốt nhất cho người dân, khách du lịch. Đừng để họ đến một lần rồi quay lưng với loại hình này, sẽ hết sức khó khăn”, ông Cường nói.
>>> Xem thêm: Bên trong buýt đường sông đầu tiên ở TP.HCM thế nào?
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận