Buýt đường sông tại bến Bình An, Q.2 - Ảnh: Đỗ Loan |
Lý do không chỉ vì đây là tuyến buýt đường sông đầu tiên được chờ đợi suốt 7 năm qua, mà còn là một loại hình vận tải công cộng hoàn toàn mới và được kỳ vọng sẽ giảm tải đáng kể cho buýt đường bộ vốn đang quá tải.
Phải thừa nhận, phát triển vận tải hành khách bằng đường sông không phải chuyện mới trên thế giới. Nhiều thành phố như: Venice, London, Bangkok… đã tận dụng hệ thống đường thủy rất hiệu quả để phát triển vận tải hành khách, tạo điểm nhấn về du lịch. TP.HCM là nơi có lợi thế về hệ thống sông ngòi, kênh rạch nên việc đầu tư phát triển hệ thống vận tải đường thủy là điều nên làm từ lâu.
Lãnh đạo và người dân TP.HCM cũng biết được tiềm năng, lợi thế to lớn này và chủ trương kêu gọi đầu tư từ nhiều năm nay. Thực tế, tuyến tàu cao tốc TP.HCM - Vũng Tàu hoạt động trong những năm qua đã minh chứng cho hiệu quả vận tải hành khách bằng đường thủy. Trung bình mỗi ngày có khoảng 1.000 hành khách đi lại giữa TP.HCM - Vũng Tàu bằng tàu cao tốc, điều này góp phần quan trọng “chia lửa” cho đường bộ đang quá tải.
Hành khách đi buýt đường sông hay tàu cao tốc trên sông, ngoài đáp ứng nhu cầu vận chuyển từ điểm này tới điểm khác còn có thêm trải nghiệm, chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên sông nước. Đây cũng là cách thư giãn trên hành trình về nhà sau một ngày làm việc. Đặc biệt, khác với đường bộ, trong khi mỗi năm ngân sách phải dành hàng nghìn tỷ đồng để trợ giá, đầu tư phương tiện xe buýt, bến bãi thì ở lĩnh vực đường thủy các DN tự bỏ kinh phí đầu tư, từ phương tiện đến bến bãi, nhân viên phục vụ trên tàu…
Tuyến buýt đường sông đầu tiên mới chỉ hạ thủy và chạy thử nghiệm, chưa hoạt động chính thức nên chưa thể có cái nhìn toàn diện và đánh giá hết được chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, sự mạnh dạn đầu tư, dám làm, dám chịu của chủ đầu tư khi bỏ ra một nguồn kinh phí không nhỏ để thực hiện dự án là điều rất tích cực và đáng được ghi nhận. Nhưng dẫu sao người dân vẫn luôn đòi hỏi chất lượng phải đi kèm với dịch vụ. Nói như lời của Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường, khi yêu cầu chủ đầu tư phải chú trọng đến chất lượng dịch vụ, phục vụ tốt cho người dân, khách du lịch, “đừng để họ đi buýt đường sông một lần rồi quay lưng là hết sức khó khăn”.
Để buýt sông “sống” được, không chỉ cùng với quyết tâm của chủ đầu tư mà còn cần sự vào hỗ trợ tối đa của cơ quan quản lý nhà nước như tạo sự kết nối với các phương tiện vận tải khác, đảm bảo an ninh trật tự tại các bến tàu… Đây cũng là điều kiện tiên quyết để nhà đầu tư yên tâm, thấy có sự đồng hành, chia sẻ của Nhà nước để mạnh dạn mở thêm nhiều tuyến buýt sông khác.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận