Cựu Thị trưởng London Boris Johnson (phải) ủng hộ ra khỏi EU |
Hôm qua (23/5), Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne cảnh báo nước này có thể rơi vào một cuộc suy thoái lâu dài nếu các cử tri nước này nói “có” với kịch bản “Brexit” trong cuộc trưng cầu ý dân về đi hay ở lại Liên minh châu Âu (EU) dự kiến diễn ra vào ngày 23/6 tới.
Cuộc bỏ phiếu suy thoái
Ông Osborne nhấn mạnh: “Người dân Anh phải tự vấn: Liệu chúng ta có chủ ý bỏ phiếu cho một cuộc suy thoái và liệu có thực sự muốn cuộc suy thoái như thế này”.
Trong hội nghị Bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 tại Nhật Bản vừa qua, ông Georges Osborne cũng cảnh báo trong trường hợp rời khỏi EU, Anh sẽ hết sức khó khăn trong việc thương lượng lại một Hiệp định Thương mại mới với châu Âu, cũng như với hàng chục quốc gia bên ngoài có ràng buộc với EU thông qua một thỏa thuận. “Các biện pháp can thiệp vài tuần qua từ Quỹ Tiền tệ quốc tế đối với Ngân hàng Trung ương Anh cho thấy, không còn nghi ngờ gì nữa về những hậu quả kinh tế của việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu. Các gia đình tại Anh là những người phải gánh chịu khi mỗi hộ gia đình sẽ bị thiệt hại 4.300 bảng Anh. Rời liên minh châu Âu sẽ khiến nước Anh nghèo đi”, ông Osborne nói.
Trước đó, Thủ tướng Anh David Cameron cũng nhấn mạnh rằng, nguy cơ “Brexit” gây nhiều tổn thất cho nền kinh tế Anh, điều kiện sống sẽ kém hơn, giá nhà và bất động sản giảm... Cùng với những cảnh báo này, giới phân tích cũng cho rằng, việc Anh rời khỏi EU sẽ gây ra cú sốc kinh tế lớn và ngay tức thì, đồng thời hủy hoại tốc độ tăng trưởng vốn được coi là bền vững của Anh.
Đào tẩu không được hoan nghênh
Trong khi đó, những người ủng hộ Brexit cho rằng, kinh tế Anh sẽ phát triển thịnh vượng bên ngoài EU do không phải tuân thủ những quy định cũng như những thỏa thuận thương mại riêng vốn bị EU áp đặt. Trong một bức thư chung được đăng tải trên tờ Daily Telegraph, hơn 300 lãnh đạo doanh nghiệp cùng kêu gọi cử tri nước này bỏ phiếu ủng hộ rời khỏi EU, trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6 tới; vì “bộ máy cồng kềnh” của EU kìm hãm khả năng phát triển doanh nghiệp Anh.
Theo họ, tính cạnh tranh của nền kinh tế Anh bị suy yếu nếu nước này tiếp tục là thành viên của “một EU lỗi thời”. Việc Anh đứng ngoài EU sẽ giúp doanh nghiệp phát triển nhanh hơn, vươn ra các thị trường mới và tạo thêm nhiều việc làm. Và rời khỏi EU để “Xứ sở sương mù” giành lại quyền kiểm soát tài chính.
Nguy cơ Anh rời khỏi EU cũng đã bao trùm Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của nhóm G7 tại Nhật Bản, kết thúc hôm 21/5. Thông cáo của hội nghị nhấn mạnh, việc Anh rời châu Âu sẽ là một “cú sốc” đối với kinh tế toàn cầu. Theo đó, trong bối cảnh bất ổn toàn cầu gia tăng, với các xung đột địa chính trị, nạn khủng bố và các làn sóng di dân quy mô lớn, viễn cảnh Anh rời khỏi EU làm tình hình kinh tế thế giới thêm phức tạp”.
Còn Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), ông Jean-Claude Juncker cảnh báo rằng, nước nào ra khỏi EU sẽ phải chấp nhận việc bị coi là đứng ngoài cuộc. Đây được coi là lời cảnh báo mạnh mẽ nhất từ quan chức cấp cao EU về việc ở lại hay rời khỏi EU. Trả lời phỏng vấn tờ Le Monde của Pháp, Chủ tịch Juncker nhấn mạnh: “Những kẻ đào tẩu sẽ không được hoan nghênh với những vòng tay rộng mở. Anh sẽ phải chấp nhận việc bị coi là bên thứ ba, những người mà chúng tôi sẽ không còn ưu tiên như trước. Đây không phải là lời đe dọa, song mối quan hệ của chúng tôi sẽ không còn được như ngày hôm nay”.
Chỉ còn 1 tháng nữa, các cử tri Anh sẽ phải đưa ra quyết định cuối cùng cho việc “ra đi” hay “ở lại”; và kết quả trung bình 6 cuộc thăm dò mới nhất của dự án nghiên cứu “Người Anh nghĩ gì”, cho thấy tỷ lệ chênh lệch giữa những người ủng hộ và phản đối không quá chênh lệch: 54% muốn ở lại, 46% muốn rời đi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận