Việc thiếu hụt trầm trọng nguồn đất đắp khiến tiến độ hoàn thành dự án cao tốc Bắc - Nam bị ảnh hưởng (Trong ảnh: Thi công trên công trường gói thầu XL-04 cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây)
Các mỏ đang khai thác được nâng công suất không quá 50%
Hôm nay (16/6), Chính phủ ban hành Nghị quyết 60 về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Cụ thể, sau khi nghe tờ trình của bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ý kiến của các thành viên Chính phủ, Chính phủ đã trao đổi, thảo luận và thống nhất quyết nghị: UBND tỉnh, thành phố nơi dự án đường cao tốc Bắc - Nam đi qua được thực hiện một số "cơ chế đặc thù" gồm: Được phê duyệt các khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã có trong quy hoạch khoáng sản, đủ tiêu chuẩn và chỉ phục vụ thi công dự án đường cao tốc là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Đối với khu vực khoáng sản mới (chưa cấp phép thăm dò, khai thác), chỉ cấp cho nhà đầu tư, nhà thầu thi công dự án đường cao tốc Bắc - Nam khi có đề nghị và đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về khoáng sản. Nội dung giấy phép khai thác phải quy định trách nhiệm huy động toàn bộ công suất khai thác ghi trong giấy phép để cấp vật liệu cho dự án đường cao tốc.
Đối với các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (trừ cát, sỏi lòng sông, cửa biển) đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác, được phép quyết định nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác (không tăng trữ lượng đã cấp phép) mà không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường nhưng phải đáp ứng yêu cầu về an toàn, bảo vệ môi trường trong khai thác.
Khi thực hiện "cơ chế đặc thù" nêu trên, UBND tỉnh, thành phố nơi dự án đường cao tốc đi qua có trách nhiệm chỉ cho phép nâng công suất các mỏ đang khai thác sau khi tổ chức, cá nhân khai thác đã ký văn bản cam kết cung cấp vật liệu cho nhà đầu tư, nhà thầu của dự án đường cao tốc Bắc - Nam; nghiêm cấm việc nâng giá, ép giá, nếu vi phạm phải xử lý theo quy định của pháp luật.
Đối với khu vực khai thác mới, yêu cầu tổ chức, cá nhân sau khi đã khai thác đủ khối lượng cung cấp cho dự án đường cao tốc phải thực hiện cải tạo phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ, trả lại mỏ và đất đai cho địa phương quản lý theo quy định.
Cấp phép khai thác phải đảm bảo không ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, phòng chống sạt lở và tai biến địa chất, đảm bảo đa dạng sinh học và bảo vệ rừng; bảo đảm quốc phòng - an ninh; an toàn giao thông cũng như cho các công trình thuộc dự án đường cao tốc; Kiểm soát chặt chẽ khối lượng khoáng sản khai thác thực tế để yêu cầu tổ chức, cá nhân thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định; thực hiện việc công bố đầy đủ giá vật liệu xây dựng trên địa bàn theo quy định, không để xảy ra thất thoát tài sản Nhà nước,…
Điều tra, xử nghiêm hành vi thông đồng, găm hàng, tăng giá
Đối với Bộ TN&MT, Chính phủ yêu cầu hướng dẫn, giải quyết theo thẩm quyền những vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết này; Trước ngày 31/7/2021, chủ trì, phối hợp với các Bộ: GTVT, Xây dựng, Công an, Công thương, Tài chính, NN&PTNT, LĐTB&XH thành lập 5 đoàn kiểm tra công tác quản lý, cấp phép thăm dò, khai thác khoảng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án đường cao tốc của các địa phương có dự án đi qua.
Bộ TN&MT kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản, pháp luật có liên quan của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật và Nghị quyết này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/8/2021.
Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương nghiên cứu, điều tra theo pháp luật cạnh tranh để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh liên quan đến vật liệu xây dựng như hành vi thông đồng, thảo thuận để găm hàng, tăng giá, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường để trục lợi, định kỳ 3 tháng báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đối với các Bộ: Xây dựng, Công thương, GTVT, Chính phủ yêu cầu tăng cường nghiên cứu giải pháp công nghệ để sử dụng vật liệu sẵn có, đặc biệt là tro, xỉ từ các nhà máy nhiệt điện đáp ứng yêu cầu làm vật liệu san lấp để cung cấp cho dự án cao tốc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 08 ngày 26/3/2021.
Trước đó, trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT cho biết, theo báo cáo từ các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổng nhu cầu về vật liệu đất đắp nền đường khoảng 72 triệu m3 gồm: Khối lượng vật liệu đất được tận dụng từ nền đào khoảng 18,5 triệu m3 và khối lượng vật liệu đắp nền đường có nhu cầu lấy từ các mỏ đất khoảng 53,5 triệu m3.
Trong khi đó, khả năng cung cấp của các mỏ đất tại địa phương có dự án đi qua theo khảo sát khoảng 164,6 triệu m3 (184 mỏ), đáp ứng nhu cầu về vật liệu đất đắp cho dự án, gồm: 85 mỏ đất đủ điều kiện khai thác và 99 mỏ đất chưa đủ điều kiện khai thác.
Theo Bộ GTVT, qua các buổi làm việc với địa phương cho thấy, để hoàn thành các thủ tục cấp phép khai thác với các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo quy định của Luật Khoáng sản và Nghị định 58/2016, thời gian từ khi cấp phép thăm dò đến khi hoàn thiện thủ tục cấp phép khai thác khoảng 9 - 15 tháng.
Nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND các địa phương căn cứ quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 81 Luật Khoáng sản, quyết định không đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án. Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế đặc thù về cấp phép khai thác đối với khoáng sản…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận