Phát biểu khai mạc, TS Nguyễn Văn Thành, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ GTVT cho biết, theo các tiêu chuẩn hiện hành, đối với đường ô tô cao tốc, đường ô tô có tốc độ khai thác cao, cần phải có lớp tạo nhám để đảm bảo an toàn, êm thuận trong quá trình khai thác. Viện là đơn vị chủ trì đã nghiên cứu thử nghiệm, theo dõi đánh giá và xây dựng các tiêu chuẩn Việt Nam về lớp phủ mỏng tạo nhám VTO, lớp phủ siêu mỏng tạo nhóm Novachip, bê tông nhựa rỗng thoát nước.
"Hội thảo là dịp để các bên báo cáo, cung cấp các thông tin bổ ích về tình hình nghiên cứu, áp dụng bê tông nhựa rỗng thoát nước trên thế giới và tại Việt Nam; các kinh nghiệm, bài học rút ra trong quá trình nghiên cứu, thi công, quản lý, bảo trì tại Việt Nam trong thời gian qua. Qua đây, các chuyên gia, nhà khoa học cùng trao đổi, thảo luận với các cơ quan quản lý, các sở GTVT, các chủ đầu tư, các nhà thầu, các đơn vị tư vấn... những thông tin khoa học liên quan đến bê tông nhựa rỗng thoát nước, từ đó Viện sẽ có những đề xuất để hoàn thiện công nghệ này", ông Thành nói.
Đánh giá cao hiệu quả áp dụng công nghệ bê tông nhựa rỗng thoát nước, TS Hoàng Thanh Nam, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường Bộ GTVT cho biết, hệ thống giao thông đường bộ của Việt Nam đã được đầu tư phát triển nhanh chóng, với tổng chiều dài mạng lưới hơn 610.000km, trong đó gần 1.800km đường cao tốc và hơn 25.200km đường quốc lộ.
Việc triển khai nghiên cứu, từng bước hoàn thiện một số giải pháp kỹ thuật mới, tiên tiến vào các dự án đường bộ xây dựng mới, cũng như sửa chữa, bảo trì mặt đường đã đạt được hiệu quả cao về mặt kinh tế, kỹ thuật và môi trường.
Đối với công nghệ bê tông nhựa rỗng thoát nước, Bộ GTVT đã giao Viện Khoa học và Công nghệ GTVT tổ chức triển khai nghiên cứu, thử nghiệm, theo dõi đánh giá trong điều kiện cụ thể của Việt Nam trên cơ sở kinh nghiệm áp dụng của Nhật Bản. Đến nay, sau hơn 10 năm nghiên cứu, Viện đã phối hợp với các chuyên gia, doanh nghiệp triển khai nhiều hoạt động và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Cụ thể, từ năm 2012 đến 2014: thử nghiệm trong phòng và ngoài hiện trường; Năm 2016: trình Bộ GTVT ban hành Quy định về thiết kế, thi công và nghiệm thu mặt đường bê tông nhựa rỗng thoát nước có sử dụng phụ gia; Năm 2018 thi công diện rộng với chiều dài gần 30km trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ; Năm 2020, Viện xây dựng tiêu chuẩn TCVN 13048:2020 "Lớp mặt đường bê tông nhựa rỗng thoát nước - Thi công và nghiệm thu"; Năm 2022, tiếp tục theo dõi một số đoạn sử dụng bê tông nhựa rỗng thoát nước trên đèo Thung Khe - Hòa Bình và QL6 - Sơn La.
Tại hội thảo, các đại biểu, các nhà khoa học, doanh nghiệp đã nghe các chuyên gia của Viện Khoa học và Công nghệ GTVT, chuyên gia Công ty Taiyu (Nhật Bản), Công ty CP Đầu tư xây dựng Phương Thành chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn, công tác triển khai ứng dụng công nghệ bê tông nhựa rỗng thoát nước ở Việt Nam cũng như ở Nhật Bản.
Các đại biểu cũng thảo luận, làm rõ những nội dung để từng bước ứng dụng rộng rãi hơn nữa trong lĩnh vực đường bộ trên nguyên tắc đảm bảo hiệu quả kinh tế - kỹ thuật, tuổi thọ công trình và bảo vệ môi trường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận