Thế giới giao thông

Áp lực bủa vây đường sắt Ấn Độ sau liên tiếp sự cố

14/08/2024, 06:20

Bộ trưởng Đường sắt Ấn Độ Ashwini Vaishnaw đối mặt với làn sóng chỉ trích dữ dội do chỉ từ tháng 7 đến nay, nước này đã xảy ra 10 sự cố tàu hỏa.

Người dân ám ảnh

Theo thống kê, từ đầu tháng 7/2024 đến nay, tại Ấn Độ đã xảy ra 10 sự cố tàu hỏa nghiêm trọng khiến ít nhất 3 người thiệt mạng, 30 người bị thương, gây thiệt hại đáng kể cho cơ sở hạ tầng đường sắt.

Áp lực bủa vây đường sắt Ấn Độ sau liên tiếp sự cố- Ảnh 1.

3 tàu hỏa đâm nhau ở bang miền đông Odisha khiến khoảng 300 người thiệt mạng hồi tháng 6/2023.

Phát biểu trước Quốc hội Ấn Độ, lãnh đạo phe đối lập Gaurav Gogoi kêu gọi lãnh đạo ngành đường sắt Ashwini Vaishnaw phải chịu trách nhiệm về những sự cố liên tiếp đó.

Ông Gogoi nhắc lại vụ 3 tàu hỏa đâm liên tiếp ở bang miền đông Odisha xảy ra hồi tháng 6/2023 khiến khoảng 300 người thiệt mạng và hơn 1.200 người bị thương, đánh dấu một trong những thảm kịch tai nạn đường sắt nhiều chết người nhất trong lịch sử Ấn Độ.

"Quá nhiều tai nạn xảy ra, mọi người không dám đi tàu nếu tình hình không cải thiện", ông Sanatan Pandey, một nghị sĩ đảng đối lập khác chỉ trích.

Đồng tình, chuyên gia đường sắt G Raghuram cho biết, số vụ tai nạn tàu hỏa gia tăng ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhận thức của người dân về mức độ an toàn của loại hình vận tải này.

Trước làn sóng chỉ trích, Bộ trưởng Đường sắt Ashwini Vaishnaw phản bác, số vụ trật bánh tàu hỏa không hề tăng trong những năm qua. Dù vậy, ông không đưa ra lời giải thích tại sao hàng loạt sự cố xảy ra liên tiếp gần đây.

Thiếu kinh phí bảo trì

Các chuyên gia Ấn Độ nhận định, chính phủ khó có thể đạt mục tiêu vận hành tàu cao tốc và các hệ thống đường sắt kỹ thuật cao khác vì không chú ý củng cố hạ tầng cơ bản như đường ray.

Áp lực bủa vây đường sắt Ấn Độ sau liên tiếp sự cố- Ảnh 2.

Tàu Howrah-Mumbai Express bị trật đường ray gần Jamshedpur, bang Jharkhand hôm 30/7.

Trong đó, ông Raghuram, cựu giám đốc Viện Quản lý Ấn Độ Bangalore khẳng định, phải phân tích đánh giá toàn diện hệ thống đường sắt. "Đối với hệ thống đường sắt khổng lồ, phải liên tục đánh giá và giám sát, chú ý đến thông số thiết kế và công tác bảo trì", ông nói.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam, ngân sách dành cho ngành đường sắt ở Ấn Độ tăng đều đặn qua các năm, nhưng các khoản tiền chủ yếu phục vụ mua sắm đoàn tàu mới, chạy tốc độ cao.

Trong khi đó, chỉ 15% tổng doanh thu trong năm 2022-2023 là dành chi tiêu cho công tác sửa chữa, bảo trì hệ thống đường ray. Dự kiến ngân sách cho các hạng mục này sẽ giảm xuống 10% trong năm nay.

Tháng 12/2022, Cơ quan Kiểm toán Ấn Độ (CAG) công bố nghiên cứu chi tiết cho thấy, giảm chi phí bảo trì là một trong những nguyên nhân chính khiến tình trạng trật bánh tàu hỏa gia tăng.

Cụ thể, trong số 1.129 vụ trật bánh tàu hỏa từ năm 2017 - 2021, có tới 289 vụ (tương đương hơn 26%) liên quan đến vấn đề chậm bảo trì đường ray.

CAG nhận xét thêm, quỹ phân bổ cho công tác duy tu, đổi mới đường ray không những bị cắt giảm mà còn không được giải ngân hết, tác động tiêu cực đến hoạt động đường sắt.

Quản lý yếu kém

Theo SCMP, việc để tàu hàng và tàu khách chạy cùng một đường ray đã dẫn đến quá tải cơ sở hạ tầng, trong khi quy định an toàn không được tuân thủ nghiêm ngặt.

"Những hành lang đường sắt có lưu lượng đông đúc cần được chú ý nhiều hơn, nhất là khi mật độ tàu hỏa ngày càng tăng cao, phải đối mặt với các hình thái thời tiết thay đổi nhanh chóng", ông Raghuram nhận định.

Srinand Jha, một chuyên gia về cơ sở hạ tầng trong ngành đường sắt Ấn Độ cũng chỉ ra một số yếu tố như quản lý, tổ chức yếu kém, không dành ưu tiên đúng trọng tâm đã gây ra những thiếu sót.

Ông Jha cũng chỉ ra thống kê thực tế cho thấy, hầu hết các vụ tai nạn tàu hỏa xảy ra do trật bánh và các nguyên nhân khác như lỗi báo hiệu hoặc cháy tàu.

Hệ thống đường sắt Ấn Độ có tổng chiều dài hơn 126.000km với 7.335 ga tàu, là mạng lưới lớn thứ 4 thế giới, do nhà nước quản lý. Đây cũng là ngành tuyển dụng lực lượng lao động đông đảo nhất cả nước, lên tới 1,3 triệu người.

Đường sắt Ấn Độ vận hành khoảng 13.500 chuyến tàu khách và 9.100 chuyến tàu hàng mỗi ngày. Trong năm 2023, mạng lưới đường sắt Ấn Độ đã chở hơn 6,8 tỷ hành khách, thấp hơn so với 8,4 tỷ hành khách vào năm 2019, trước đại dịch Covid-19 bùng phát.

Mạng lưới tàu khách Ấn Độ được nhà nước trợ cấp rất lớn nhưng con số lỗ vẫn lên tới hàng trăm tỷ rupee.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.