Mục tiêu thực hiện mô hình sản xuất 3 tại chỗ (ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ và sản xuất tại chỗ) trong các nhà máy là để tạo lập các khu sản xuất an toàn, cách ly với nguy cơ dịch bệnh nhằm bảo vệ chuỗi sản xuất, cung ứng và duy trì công ăn việc làm cho người lao động.
Sau giờ làm việc, công nhân Công ty Cơ khí thương mại Đại Dũng (Khu công nghiệp An Hạ, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) ăn ngủ tại nhà máy
Trước đó, mô hình này đã được vận hành tương đối hiệu quả tại Bắc Giang, Bắc Ninh bằng sự tuân thủ nghiêm của doanh nghiệp với các hướng dẫn về phòng chống dịch; sự hỗ trợ sát sao của các cấp chính quyền trong việc thiết lập hệ thống thông tin liên lạc, duy trì đường dây nóng từ cấp lãnh đạo cao nhất tới các tổ, đội nhóm ở từng địa bàn; thường xuyên rà soát, đánh giá thực tiễn, nắm bắt các khó khăn vướng mắc của các nhà máy để kịp thời tháo gỡ.
Tuy nhiên, không thể áp dụng mô hình thành công của Bắc Ninh, Bắc Giang vào các tỉnh phía Nam trong bối cảnh đông lao động, dịch bệnh phức tạp với biến thể nguy hiểm, khó lường.
Nghiên cứu thực tế cho thấy mô hình 3 tại chỗ đã phát huy rất tốt đối với doanh nghiệp chỉ vận hành với khoảng 500 lao động.
Nếu vượt quá con số này, lên mức cả nghìn lao động trở lên thì việc bố trí ăn nghỉ đã trở thành câu chuyện không còn đơn giản.
Đội ngũ cán bộ trước đây chỉ quản lý sản xuất, giờ phải gánh thêm hàng loạt việc không tên, trong khi sức người thì có hạn.
Nhiều nhà máy do công năng thiết kế trước đó hạn chế, không sẵn sàng cho hoạt động ăn, ở, ngủ nghỉ thời gian dài của hàng nghìn con người.
Đó là chưa kể chi phí cực lớn cho việc xét nghiệm Covid-19 cho người lao động theo định kỳ.
Khác với dịch xảy ra tại Bắc Giang, Bắc Ninh, hiện nay biến thể Delta xuất hiện tại TP HCM và các tỉnh phía Nam, với mức độ lây lan nhanh trong thời gian dài, mầm bệnh ủ ở nhiều khu vực và trên nhiều người lao động thì các nhà máy 3 tại chỗ dù tổ chức xét nghiệm nghiêm túc trước khi hoạt động vẫn khiến doanh nghiệp gặp rủi ro.
Thông tin nhanh tại các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng các tỉnh phía Nam cho thấy, trong những ngày qua, hàng loạt nhà máy 3 tại chỗ phải đóng cửa do liên tiếp xuất hiện các ca F0 và lây lan nhanh chóng.
Trong khi đó, không chỉ hệ thống y tế cục bộ mà cả khu vực phía Nam đang bị quá tải khi ca nhiễm ngoài cộng đồng tăng cao, 19 tỉnh, thành đồng loạt phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.
Đáng lưu ý mô hình 3 tại chỗ chỉ là giải pháp ngắn hạn duy trì sản xuất trong lúc triển khai quyết liệt các biện pháp khác để dập dịch, không phải phương án sản xuất lâu dài.
Do đó, các doanh nghiệp cần rà soát, cân nhắc điều kiện của mình để có phương án tối ưu chứ không thể đòi hỏi phương án hoàn hảo 100%.
Thiết nghĩ, thay vì áp dụng mô hình một cách cứng nhắc cho mỗi vùng, mỗi địa phương, cần đảm bảo thực hiện linh hoạt trên nguyên tắc sản xuất phải giãn cách từ bên trong, giảm mật độ công nhân, phân ca, phân kíp để nếu có ca nhiễm thì chỉ một bộ phận nhỏ bị ảnh hưởng và có thể cách ly ngay.
Hồ Thị Kim Ngân
Phó ban Quan hệ lao động, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận