Một số ý kiến cho rằng, việc áp sàn giá vé máy bay của Cục Hàng không VN là triệt tiêu cạnh tranh, ảnh hưởng đến người dân.
Vậy, thực chất của việc áp giá sàn thế nào và giá vé tăng ra sao nếu áp giá sàn mới?
Nếu áp mức giá sàn mới, giá vé dịch vụ hành khách của 3/6 nhóm đường bay vẫn thấp hơn giá sàn Ảnh: P.V
Chính sách mang tính chất khẩn cấp, tạm thời
Cục Hàng không VN vừa trình Bộ GTVT dự thảo Thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.
Theo đó, Cục Hàng không VN đề nghị áp dụng mức giá tối thiểu bằng 20% mức giá tối đa quy định, thay vì không quy định giá sàn như hiện tại.
Cụ thể, với các đường bay dưới 500km, mức giá tối thiểu đề nghị áp dụng với nhóm đường bay phát triển kinh tế - xã hội là 320 nghìn đồng/vé/chiều, tối đa là 1,6 triệu đồng vé/chiều; nhóm đường bay khác dưới 500km, mức giá tối thiểu là 340 nghìn đồng, tối đa là 1,7 triệu đồng.
Với các đường bay từ 500 - 850km trở lên, mức giá tối thiểu là 440 nghìn đồng và tối đa 2,2 triệu đồng; Đường bay từ 850 - dưới 1.000km, mức giá tương ứng là 560 nghìn đồng và 2,79 triệu đồng.
Cuối cùng, với đường bay từ 1.280km trở lên, mức giá tối thiểu là 750 nghìn đồng, tối đa là 3,75 triệu đồng.
Lý giải về đề xuất này, Cục Hàng không cho biết: Giai đoạn từ đầu năm 2020 đến nay, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến sản lượng vận chuyển hàng không sụt giảm mạnh (không khai thác toàn bộ các chuyến bay quốc tế; các chuyến nội địa cũng bị cắt giảm hoặc lượng khách giảm đáng kể).
Trong khi đó, các hãng hàng không vẫn phải duy trì đội tàu bay với số lượng tương đương, thậm chí lớn hơn số lượng tàu bay năm 2019.
Doanh thu sụt giảm mạnh trong khi chi phí giảm không đồng tốc với doanh thu dẫn đến các hãng hàng không bị đứt gãy dòng tiền thanh toán.
Đây là những nguyên nhân chính, trực tiếp tác động xấu đến hiệu quả sản xuất kinh doanh vận chuyển hàng không, gây nguy cơ đe dọa đến sự tồn tại của các hãng hàng không. Các hãng liên tục hạ giá bán để tối đa hóa hiệu suất sử dụng ghế trên tàu bay tạo dòng tiền duy trì hoạt động kinh doanh.
Đề xuất áp giá sàn vé máy bay được Cục Hàng không VN khẳng định là “chính sách áp dụng mang tính khẩn cấp, tạm thời nhằm giải quyết khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19”.
Chỉ có 3 nhóm đường bay thực sự tăng giá
Theo một chuyên gia về vận tải hàng không, cấu thành của giá vé máy bay nội địa hành khách phải trả gồm giá vé, các loại phí do hãng hàng không thu (phí hệ thống, phí xuất vé và các khoản phí hãng hàng không thu hộ (giá phục vụ hành khách, giá đảm bảo an ninh hành khách, hàng hóa) + thuế VAT).
Khảo sát trên thị trường, phí hệ thống cho một chặng bay hiện tại của các hãng hàng không đang áp dụng lần lượt là 409 nghìn đồng (Vietnam Airlines), 400 nghìn đồng (Vietjet) và 410 nghìn đồng (Bamboo Airways).
Các mức này chưa gồm thuế VAT. Còn phí xuất vé các hãng áp dụng giống nhau ở mức 50 nghìn đồng cho một chặng bay (chưa gồm thuế VAT).
Như vậy, giá dịch vụ vận chuyển thấp nhất (giá sàn) hiện tại do Vietnam Airlines thu của hành khách là 0 đồng + 409 nghìn phí hệ thống + 50 nghìn phí xuất vé, tổng cộng 459 nghìn đồng chưa gồm thuế VAT. Tương tự, Vietjet là 450 nghìn, Bamboo Airways là 460 nghìn đồng.
Như vậy, sau khi áp mức giá sàn, giá vé dịch vụ hành khách của 3/6 nhóm đường bay vẫn thấp hơn giá sàn (450 nghìn đồng so với giá sàn các nhóm đường bay 320 nghìn, 340 nghìn, 440 nghìn).
Chỉ có 3 nhóm đường bay còn lại có mức giá sàn đề xuất cao hơn mức giá hiện tại. Cụ thể, nhóm đường bay từ 850 - 1.000km tăng 110 nghìn đồng/chặng, nhóm đường bay từ 1.000 - 1.280km (có đường bay Hà Nội - TP.HCM) tăng 190 nghìn đồng và nhóm đường bay 1.280km (đường bay Hà Nội - Phú Quốc) tăng 300 nghìn đồng, chưa gồm thuế VAT.
“Với mức tăng không quá cao như trên, tôi cho rằng, việc áp giá sàn theo đề xuất trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay là hoàn toàn phù hợp”, chuyên gia khẳng định.
“Dịch phức tạp, giá vé cao khách vẫn đi nếu cần”
Giai đoạn từ đầu năm 2020 đến nay ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến sản lượng vận chuyển hàng không sụt giảm mạnh
Trao đổi với Báo Giao thông, PGS.TS. Nguyễn Hồng Thái, Phó trưởng Khoa Kinh tế vận tải, trường Đại học GTVT thẳng thắn nêu quan điểm: “Đây không phải lần đầu tiên câu chuyện áp sàn giá vé máy bay được đưa ra.
Năm 2017, Vietnam Airlines từng đề xuất vấn đề này và tôi là người phản đối đầu tiên. Tuy nhiên, lần này, tôi lại ủng hộ đề xuất của Cục Hàng không VN”.
Theo ông Thái, để đánh giá đầy đủ vấn đề, phải đặt trong bối cảnh và hoàn cảnh cụ thể, ở đây là tình hình dịch bệnh và áp dụng trong thời gian giãn cách xã hội.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, nhu cầu đi máy bay không còn cao, không ai đi mua sắm hay du lịch thời điểm này, trừ những người có nhu cầu cấp thiết.
“Thậm chí, nếu thực sự cấp thiết, giá trần cao gấp 3, thậm chí hơn thế nữa thì họ vẫn đi. Tôi cho rằng, tác động của đề xuất này không ảnh hưởng tới toàn dân và tác động số ít những người có nhu cầu đi lại cấp thiết”, TS. Thái nói
Cũng theo ông Thái, nếu giá quá thấp sẽ không thể bù đắp được chi phí đối với một số doanh nghiệp hàng không. Việc đặt ra giá sàn trong giai đoạn hiện nay là căn cứ để đảm bảo yêu cầu quản lý.
“Đề xuất đưa ra là áp dụng trong vòng một năm, khi hết giãn cách xã hội, dịch bệnh được khống chế thì văn bản này tự động phải hết hiệu lực. Còn nếu trong bối cảnh bình thường, việc áp giá sàn sẽ triệt tiêu sự cạnh tranh.
Đó là lý do tại sao tôi nhấn mạnh phải xác định rõ thời điểm và hoàn cảnh áp dụng một chính sách. Một chính sách ra đời bao giờ cũng có 2 mặt tích cực và không tích cực, nhưng phải cân đối được cái tích cực hay hạn chế nhiều hơn”, ông Thái nói.
Đồng quan điểm, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng không VN Bùi Doãn Nề cho biết, về cơ bản, giá cả là do quan hệ cung cầu, thị trường quyết định. Giá cả là một công cụ cạnh tranh của doanh nghiệp khi có nhiều nhà cung ứng, người hưởng lợi là khách hàng.
“Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn do đại dịch Covid-19, hàng không và du lịch là những ngành chịu tổn thất nặng nề. Các hãng đều lỗ lớn từ vận chuyển, kinh doanh hàng không, nay lại đua nhau giảm giá càng làm giảm nguồn lực, giảm sức mạnh tài chính”, ông Nề nói và cho rằng, việc cạnh tranh phải bằng chất lượng dịch vụ, nên cần tính toán kỹ, tránh giảm giá sâu gây thiệt hại trước mắt cũng như lâu dài cho doanh nghiệp.
Theo Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng, khung giá trên sát với thực tế về mặt bằng chi phí bình quân của các hãng hàng không Việt Nam; xấp xỉ mức giá cơ bản của dịch vụ đường sắt (ghế ngồi mềm điều hòa) và ngang bằng với dịch vụ vận chuyển đường bộ.
Về dài hạn, trong bối cảnh thị trường vận chuyển hàng không phát triển bình thường, Cục Hàng không VN đề xuất quản lý giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa theo cơ chế do thị trường tự điều tiết và Nhà nước thực hiện kiểm soát giá bán của các hãng hàng không theo quy định của Luật Cạnh tranh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận