Các nước ASEAN thống nhất mục tiêu giảm ít nhất 50% số người chết và bị thương do GTĐB vào năm 2030 so với năm 2020. Ảnh: minh họa
Mục tiêu năm 2030 giảm ít nhất 50% số người tử vong và bị thương do GTĐB
Tháng 11/2020 vừa qua, Hội nghị Bộ trưởng GTVT ASEAN lần thứ 26 (ATM 26) đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Một trong những nội dung quan trọng được các Bộ trưởng bàn thảo và thống nhất tại Hội nghị là làm thế nào nâng cao an toàn đường bộ, giảm số người tử vong và bị thương do giao thông đường bộ trong thời gian tới.
Thông tin với Báo Giao thông, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ GTVT) cho biết, vấn đề đảm bảo ATGT nói chung, đặc biệt là ATGT đường bộ luôn được các nước trong khối ASEAN quan tâm và đưa ra thảo luận, bàn biện pháp tại các kỳ họp quan chức cấp cao GTVT cũng như tại hội nghị cấp Bộ trưởng GTVT hàng năm để đạt được bước tiến mới trong công tác này.
Điển hình, các nước ASEAN đã ra Tuyên bố Phnôm Pênh về An toàn đường bộ ASEAN tại Hội nghị ATM lần thứ 10 được tổ chức vào tháng 11/2004; Tuyên bố ASEAN về Chiến lược An toàn đường bộ và Chiến lược An toàn đường bộ khu vực ASEAN (ARRSS) được ATM 21 thông qua vào tháng 11/2015, cung cấp khuôn khổ cho các chiến lược an toàn đường bộ ở cấp khu vực phù hợp với Thập kỷ Liên hợp quốc Hành động vì An toàn đường bộ 2011-2020.
Năm 2019, với vai trò chủ trì, điều hành hợp tác lĩnh vực GTVT khối ASEAN, Bộ GTVT Việt Nam đã điều hành, cùng các Bộ GTVT các nước trong khối đưa ra nhiều sáng kiến nhằm thực hiện mục tiêu đảm bảo ATGT trong tất cả các lĩnh vực và tiếp tục bàn thảo, triển khai trong năm 2020.
Trong đó, hợp tác tăng cường ATGT đường bộ đã đạt được dấu ấn tại ATM 26. Đó là các nước thống nhất ban hành Tuyên bố Brunei về An toàn giao thông đường bộ 2020, trong đó kêu gọi tiếp tục hợp tác, hỗ trợ và cam kết của các quốc gia thành viên ASEAN để góp phần giảm thiểu tử vong do TNGT đường bộ xuống ít nhất 50% từ năm 2020 đến năm 2030.
Tại Tuyên bố chung ATM 26, các Bộ trưởng đã thống nhất mục tiêu: Một thập kỷ mới vận tải đường bộ an toàn hơn ở ASEAN giai đoạn 2021-2030. Cùng đó, phát hành Video An toàn đường bộ ASEAN giới thiệu những nỗ lực của ASEAN trong việc cải thiện an toàn đường bộ và giảm thiểu tử vong do GTĐB trong khu vực trong thập kỷ qua.
Các Bộ trưởng cũng thông qua Hướng dẫn Cải thiện quy trình tiêu chuẩn báo cáo tai nạn đường bộ dựa trên các tiêu chuẩn của Liên hợp quốc (Hướng dẫn) nhằm cải thiện cơ chế báo cáo tai nạn đường bộ và giảm thiểu tai nạn GTĐB.
Các Bộ trưởng chia sẻ quan điểm rằng, việc ban hành Tuyên bố Brunei, ra mắt Video An toàn đường bộ ASEAN và thông qua Hướng dẫn là kịp thời và phù hợp, đánh dấu những nỗ lực không ngừng của ASEAN nhằm tạo ra GTĐB an toàn hơn trong khu vực trong một thập kỷ mới của 2021-2030, sau khi hoàn thành Thập kỷ hành động của Liên hiệp quốc về an toàn đường bộ 2011-2020.
Việt Nam nỗ lực triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn GTĐB, trong đó có siết chặt các giải pháp kiểm tra, kiểm soát phương tiện, việc thực thi pháp luật về ATGT
Cam kết triển khai các giải pháp giảm thiểu tai nạn GTĐB
Tuyên bố Brunei về An toàn giao thông đường bộ 2020 nêu rõ, theo Báo cáo hiện trạng toàn cầu về an toàn đường bộ năm 2018 của Tổ chức Y tế thế giới, số ca tử vong do GTĐB hàng năm đã lên tới 1,35 triệu người và nguyên nhân tử vong do chấn thương từ tai nạn GTĐB là nguyên nhân hàng đầu đối với những người từ 5-29 tuổi, bao gồm cả người đi bộ, đi xe đạp và xe mô tô.
Còn Tuyên bố Stockholm 2020 được đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng Toàn cầu lần thứ 3 của Liên hợp quốc về An toàn đường bộ vào tháng 2/2020, đã kêu gọi các nước thành viên Liên hợp quốc góp phần giảm thiểu tử vong do GTĐB xuống ít nhất 50% từ năm 2020 đến năm 2030. Trọng tâm của Tuyên bố hướng tới Người sử dụng đường dễ bị tổn thương (VRUs), vấn đề quản lý tốc độ, đầu tư vào an toàn đường bộ và tiêu chuẩn phương tiện.
Các nước cũng nhận thức rằng, các nỗ lực tập thể, hợp tác và hỗ trợ phải được thực hiện một cách dứt khoát để hướng dẫn, bảo vệ và giải quyết hiệu quả nhu cầu vận tải của các VRUs, trong bối cảnh tốc độ phát triển nhanh chóng và công nghệ tiên tiến của cơ giới trong khu vực, nhằm giảm nguy cơ va chạm đường bộ.
Cùng đó, cần rà soát, xác nhận hoặc đánh giá ATGT đường bộ, các số liệu thống kê, chính sách và chương trình có liên quan khác, từ đó xác định các lỗ hổng, các vấn đề, mối quan tâm cần giải quyết và xác định nhu cầu đào tạo để nâng cao hơn nữa an toàn giao thông vận tải ở cấp khu vực và quốc gia.
Các nước cũng thống nhất cần nhận thức được tầm quan trọng của việc hỗ trợ và duy trì việc thực hiện các sáng kiến an toàn đường bộ theo 5 trụ cột chiến lược trong Thập kỷ của Liên hợp quốc Hành động vì an toàn đường bộ 2011-2020, nhằm đạt được các mục tiêu an toàn đường bộ theo Tuyên bố Stockholm năm 2020 gồm: Quản lý an toàn đường bộ, Đường an toàn hơn và cơ động, Phương tiện an toàn hơn, Người sử dụng đường an toàn hơn và Ứng phó sau tai nạn.
Bên cạnh đó, nhận thức được sự cần thiết phải xác định và xây dựng các hướng dẫn và định hướng chính sách chiến lược quan trọng cho các quốc gia thành viên ASEAN nhằm hướng tới việc giảm thiểu tử vong do đường bộ trong ASEAN vào năm 2030.
Các nước ASEAN cam kết nỗ lực thực hiện các giải pháp để thực hiện mục tiêu giảm tai nạn do GTĐB. Ảnh: Tình hình tai nạn GTĐB, số vụ, số người chết và bị thương tại Thái Lan (theo The ASEAN Post)
Để thực hiện được các mục tiêu đề ra, các nước thống nhất tìm kiếm tăng cường đầu tư vào an toàn đường bộ trong toàn khu vực ASEAN, ghi nhận tỷ lệ hoàn vốn cao của các dự án và chương trình trong việc ngăn ngừa hoặc giảm thiểu tử vong trên đường bộ, thương tích và thiệt hại về tài sản.
Đồng thời, hoạch định, thực thi các chính sách, giải pháp có hiệu quả trong việc đảm bảo tất cả các phương tiện được sản xuất và bán cho thị trường ASEAN vào năm 2030 đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thích hợp.
Các nước thành viên cũng cam kết tập trung vào việc đáp ứng mục tiêu của từng sáng kiến cụ thể, bao gồm kỹ thuật, giáo dục và thực thi, nhằm giảm tử vong và thương tích do GTĐB cho các VRUs, chẳng hạn như người đi bộ, đi xe đạp, xe mô tô và người khuyết tật hoặc giảm khả năng vận động. Tăng cường các yếu tố của phương pháp tiếp cận hệ thống an toàn và an toàn đường bộ trong thiết kế cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông và quản trị.
Các nước thống nhất tăng cường hợp tác, nâng cao năng lực và trao đổi giữa các cơ quan an toàn đường bộ quốc gia của các quốc gia thành viên ASEAN và với các đối tác quốc tế, bao gồm Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản, cũng như các tổ chức quốc tế khác.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận