Thế giới

ASEAN trong vòng ảnh hưởng Trung, Nga và Quad ở EAS

13/11/2018, 07:02

Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS), tới đây sẽ có một cuộc họp an ninh cấp cao...

26

Tổng thống Nga Vladimir Putin

Lần đầu tiên Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự, nhưng hội nghị lại vắng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Donal Trump thủ lĩnh tứ giác Quad (gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ).

Làn gió mới tại EAS

Đó chính là sự tham dự của nhà lãnh đạo cao nhất nước Nga kể từ khi Moscow trở thành thành viên của EAS năm 2011, trong bối cảnh vai trò của khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang ngày càng tăng trong chính sách đối ngoại của xứ sở bạch dương.

Nhân sự kiện này, chuyên gia nghiên cứu chiến lược Anton Tsvetov bình luận rằng, những năm trước, ông Putin thường tham dự các cuộc họp của diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), sự kiện thường được tổ chức liên tiếp với EAS. Vì thế, nhà lãnh đạo Nga thường cử Thủ tướng hoặc Bộ trưởng Ngoại giao tham gia các cuộc họp trong khuôn khổ của EAS.

Tuy nhiên, năm nay, Singapore, nơi tổ chức cả EAS và Hội nghị Thượng đỉnh Nga - ASEAN, đang trong dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao với Nga. Vì thế, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev được cử tới Papua New Guinea để tham dự Diễn đàn APEC, còn Tổng thống Putin sẽ đích thân tới Singapore để đồng thời thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước và tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Nga - ASEAN lần thứ tư.

Ông Tsvetov cho rằng, hậu cần là một yếu tố lớn cho việc sắp xếp chuyến đi này nên rất khó để đánh giá liệu lần tham gia đầu tiên của ông Putin tại EAS có gửi bất kỳ tín hiệu cụ thể nào hay không.

Tuy nhiên, một điểm đặc biệt nữa của EAS năm nay, đó là cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều không góp mặt, vì thế ông Putin có thể trở thành khách hàng đầu tại hội nghị thượng đỉnh, sẽ gặp gỡ các ông Narendra Modi (Thủ tướng Ấn Độ) và Shinzo Abe (Thủ tướng Nhật Bản).

Mối quan hệ tốt đẹp giữa các nhà lãnh đạo Ấn Độ, Nhật Bản với ông Putin sẽ càng giúp Tổng thống Nga được chú ý và cho phép ông chứng minh rằng, trục xoay chiến lược hướng về châu Á của Moscow (thể hiện ở việc xây dựng các mối quan hệ tốt hơn với Nhật Bản và Ấn Độ, cũng như ủng hộ các cơ chế đa phương) cũng quan trọng như việc thiết lập liên minh chiến lược với Trung Quốc.

Các chuyên gia kỳ vọng rằng, sau sự kiện này, Tổng thống Nga Putin sẽ thực hiện nhiều chuyến thăm cấp Nhà nước tới các quốc gia Đông Nam Á.

Asean trong vòng xoáy Trung Quốc và Quad

Từ xưa đến nay, EAS luôn là được coi là nơi giao thoa hai luồng tư tưởng riêng biệt. Một là chủ nghĩa hợp tác đa phương châu Á và một là những tư tưởng hướng theo trục xoay địa chính trị, trong đó Trung Quốc đóng vai trò trung tâm, chi phối. Vì thế, hội nghị Thượng đỉnh tổ chức tại Singapore sẽ không kém phần thú vị để xem xét và đánh giá lại vấn đề này.

Bởi sự vắng mặt của Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Shinzo Abe sẽ là những người phụ trách thuyết phục các nhà lãnh đạo ASEAN rằng, đối thoại tứ giác Mỹ - Nhật - Australia - Ấn Độ (Quad) không chỉ vẫn duy trì nguyên tắc “ASEAN centrality” (lấy ASEAN là trung tâm), mà còn có thể được mở rộng đến từng quốc gia thành viên của khu vực Đông Nam Á thông qua các quan hệ đối tác.

Kể từ khi các cuộc đối thoại với nhóm Quad được khởi động nhằm củng cố các thỏa thuận hợp tác và tối đa hóa cơ hội hợp tác với các nước ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó luật pháp quốc tế và trật tự dựa trên luật lệ chung phải được tôn trọng; thì ý tưởng này đã trở thành một vấn đề rất nhạy cảm với Trung Quốc.

Thực tế cho thấy, nhắc đến trật tự dựa trên luật pháp quốc tế có ý ám chỉ việc Trung Quốc thường xuyên phải đối mặt với chỉ trích về những hành động chiếm đóng và xây dựng trái phép các đảo, đảo nhân tạo ở biển Đông và sử dụng chúng như những căn cứ để thiết lập quyền kiểm soát trên biển, điều vốn không được luật pháp quốc tế công nhận.

Do vậy, các quan chức của quốc gia thành viên Quad đã dành rất nhiều nỗ lực để thuyết phục các quốc gia đối tác cùng tư tưởng và toàn bộ khối EAS thống nhất có những tuyên bố, hành động chung vì mục tiêu thượng tôn pháp luật và quy định quốc tế đối với các hoạt động tuyên bố và đòi hỏi chủ quyền, lãnh thổ ở khu vực.

Nhóm tứ giác Quad lập luận rằng, các quốc gia Đông Nam Á từ lâu đã chờ đợi một chiến lược mạnh mẽ hơn để chống lại sự lấn át của Trung Quốc đối với các vấn đề trong khu vực cũng như thể hiện sẵn sàng tham gia của các nước này nếu có đủ sự tham gia của các cường quốc lớn.

Tuy nhiên, thách thức hiện nay vẫn còn bởi tâm lý e ngại những tuyên bố và hành động mạnh của Quad có thể kích động sự đáp trả của Bắc Kinh, khiến đổ vỡ mục tiêu cuối cùng: “Giúp châu Á ổn định và hòa bình hơn”.

Vì thế, thay vì cố gắng thiết lập bằng được một nhóm quốc gia có tư tưởng chống Trung Quốc do Mỹ dẫn đầu, thế giới có thể chờ đợi ở việc xây dựng và tăng cường các mối quan hệ quốc phòng và an ninh đơn lẻ của từng nước trong tứ giác Quad với mỗi quốc gia thành viên ASEAN, nhằm tránh “đổ thêm dầu vào lửa” khi Bắc Kinh ở trong tình huống quan ngại bởi tâm lý bị nước ngoài đang hợp sức “bao vây”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.