Hình minh họa |
Tôi chắc chắn 90% số người được hỏi sẽ trả lời họ căm phẫn sự bưng bít, thậm chí bao che của thày cô ở Trường Dân tộc nội trú Thanh Sơn (Phú Thọ) hơn nhiều lần hành động dâm ô bẩn thỉu của thầy hiệu trưởng vừa bị phát giác.
Ông Đinh Bằng My - người đã lạm dụng tình dục học sinh nam trong nhiều năm giờ đây không còn là hiệu trưởng và sẽ phải trả giá.
Nhưng còn những cấp dưới của ông, những thày cô biết nhưng ngó lơ, thậm chí đồng lõa, họ sẽ phải đối diện hình phạt nào?
Điều gì đã khiến môi trường giáo dục, nơi chân - thiện - mỹ, sự trung thực phải được đặt lên hàng đầu lại trở thành nơi người lớn không dám đấu tranh với cái xấu để bảo vệ chính những học trò của mình? Nơi không phải lần đầu tiên trong năm nay, chúng ta chứng kiến sự gian dối của những người thày khi cố gắng bảo vệ quyền lợi của họ bằng mọi giá. Chuyện xe chở nữ hiệu trưởng đâm gãy chân học trò, chuyện cô tát trò… và những dối trá bao biện khi giải quyết sự việc khiến dư luận nổi sóng.
Phải chăng, những người quản lý ngành, những người đứng đầu địa phương không có trách nhiệm gì với những câu chuyện tưởng chừng chỉ do sai phạm của một cá nhân hay một ban giám hiệu nhà trường nào đó? Dù những câu chuyện tồi tệ được lặp lại dưới nhiều hình thức?.
Đã đến lúc, phải thay đổi nhận thức về quản lý giáo dục, về triết lý giáo dục. Phải giải tỏa được áp lực cho cả thày cô lẫn học trò.
Đa số giáo viên đang phải tải một lớp học đông gấp rưỡi quy định. Chương trình nặng, áp lực thi cử lớn, áp lực từ yêu cầu thành tích của trường lớp và kì vọng của cha mẹ học sinh còn lớn hơn.
Giáo viên lương thấp nhưng buồn thay vẫn luôn nơm nớp nỗi lo mất việc. Họ phải lo cả những việc hành chính không cần thiết, rồi tham gia rất nhiều phong trào hội đoàn khó chuyên tâm cho việc dạy. Trong khi đó, học sinh giờ đã thay đổi rất nhiều.
Các em nhanh nhạy hơn, cá tính hơn, đòi hỏi một thế hệ thày cô được trang bị kiến thức và phương pháp giảng dạy văn minh, hiện đại hơn. Một mặt chịu áp lực từ cha mẹ, thày cô nhưng các em đồng thời cũng trở thành áp lực ngược lại khiến các thày cô có hành vi sai lầm.
Có những trường hợp, chính giáo viên cũng cần được trợ giúp. Không thể đòi hỏi giáo viên và học sinh là những cá nhân hoàn hảo. Quan trọng nhất là những sai lầm phải được giải quyết và điều chỉnh trên một nguyên tắc và hệ giá trị nhất quán. Đó là quyền công dân, quyền cá nhân, sự tôn trọng, an toàn và trên hết là giá trị của tình yêu thương và thấu hiểu.
Áp lực trong trường học hiện nay là rất lớn và nó phải được giải quyết từ thượng tầng, từ sự chung tay của xã hội, gia đình, nhà trường. Đừng để học sinh hay giáo viên đơn độc chịu áp lực này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận