Hàng loạt tàu du lịch, khách tuyến đang tạm dừng
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, thời gian này, dù tỉnh Hòa Bình không áp dụng giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 nhưng đội tàu vận tải thủy du lịch lòng hồ Hòa Bình gồm hơn 200 chiếc vẫn tạm dừng hoạt động.
Theo một số chủ tàu, từ đầu tháng 5/2021, khi dịch Covid-19 bùng phát, địa phương yêu cầu tạm dừng hoạt động đối với một số hoạt động vận tải, trong đó có vận tải khách bằng đường thủy.
Tàu du lịch hồ thủy điện Hòa Bình dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5/2021
“Hơn một năm nay, tàu du lịch gần như chỉ được hoạt động đợt nghỉ lễ 30-4 và 1/5, còn lại chỉ neo đậu một chỗ nên thuyền viên không có việc làm, thu nhập, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi mong sớm kiểm soát được dịch để đội tàu được hoạt động trở lại”, chị Bùi Thị Hồng, một chủ tàu du lịch tại cảng Bích Hạ, TP. Hòa Bình chia sẻ.
Ông Nguyễn Hồng Liêm, phụ trách Đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa Hòa Bình thông tin, đến nay hầu hết thuyền viên phương tiện thủy du lịch hoạt động tại cảng Bích Hạ đã được tiêm 2 mũi vắc xin phòng Covid-19, song phải chờ địa phương cho phép, đội tàu du lịch mới được hoạt động trở lại.
Tương tự Quảng Ninh, từ tháng 5/2021, hoạt động tham quan, du lịch vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long bị tạm dừng để phòng chống dịch Covid-19 nên đội tàu du lịch, vận tải khách từ bờ ra đảo cũng dừng hoạt động. Cách đây vài ngày, địa phương mới mở lại hoạt động du lịch nội tỉnh, với điều kiện khách đến từ địa phương đã qua 14 ngày có không ca lây nhiễm thứ phát trong cộng đồng, phải tiêm 2 mũi vắc xin và xét nghiệm PCR trong vòng 48 giờ.
Không chỉ vận tải du lịch, vài tháng qua, các tuyến vận tải khách liên tỉnh giữa các địa phương như Hải Phòng - Quảng Ninh, Hải Phòng - Hải Dương, Thái Bình hay các tuyến vận tải khách từ TP. HCM đi các địa phương khác cũng phải tạm dừng để phòng, chống dịch Covid-19.
Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, theo thống kê của Tổng Cục thống kê, 8 tháng đầu năm 2021, vận tải khách đường thủy đạt 126,3 triệu lượt vận chuyển, giảm 13,8% và 2,3 tỷ lượt khách.km luân chuyển, giảm 12,1% so với năm trước.
Bến thủy hành khách tuyến TP. HCM - Vũng Tàu đang dừng hoạt động - Ảnh: T.N
Giải pháp khôi phục thế nào?
Để khôi phục vận tải khách bằng đường thủy, tìm hiểu của PV, Bộ GTVT đang lấy ý kiến các địa phương về kế hoạch tổ chức vận tải hành khách 5 lĩnh vực trong thời gian các địa phương nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Trong đó, mục tiêu là khôi phục vận tải hành khách bằng đường thủy đảm bảo thông suốt, an toàn, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm an toàn, liên thông, thống nhất giữa các tỉnh, thành phố, địa bàn.
Việc khôi phục vận tải khách bằng đường thủy được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, phương tiện thủy được chở tối đa 50% số khách được chở để thực hiện giãn cách trên phương tiện.
Giai đoạn 2, phương tiện chở 70% số khách. Giai đoạn 3 (trạng thái bình thường mới), phương tiện được hoạt động trở lại bình thường.
"Quá trình thực hiện mỗi giai đoạn được căn cứ vào tình hình dịch Covid-19 tại các địa phương và được sở GTVT hai đầu cảng, bến thủy thống nhất áp dụng giai đoạn”, dự thảo nêu.
Trao đổi với PV, ông Lê Minh Đạo, Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, dự kiến giai đoạn 1 và 2 được thực hiện trong 10 ngày để đánh giá thực tế, nếu phát sinh vướng mắc sẽ điều chỉnh cách thức áp dụng.
Để phòng lây nhiễm dịch trong vận tải, dự thảo kế hoạch đưa ra điều kiện thuyền viên, nhân viên phục vụ trên phương tiện thủy, cảng bến phải thực hiện quy tắc 5K và quy định của Bộ Y tế về phòng, chống dịch.
Phương án khác cũng được đưa ra để lấy ý kiến là các đối tượng trên phải đáp ứng một trong các tiêu chí: có chứng nhận đã tiêm đủ liều vắc xin ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm đi trên phương tiện; có xác nhận khỏi bệnh Covid-19 và không quá 6 tháng tính từ thời điểm đi trên phương tiện; có chứng nhận âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực theo quy định của Bộ Y tế.
Theo ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa VN, yếu tố quan trọng và cần thiết để khôi phục vận tải khách bằng đường thủy là thuyền viên, người làm việc trên phương tiện, cảng bến thủy được tiêm đủ mũi vắc xin, song khó khăn hiện nay là chưa nhiều thuyền viên, người làm việc tại cảng, bến thủy được tiêm.
“Người được tiêm vắc xin đủ 2 mũi cần có thời gian 40 ngày mới đủ khả năng tạo miễn dịch. Vì vậy, thời gian này, các địa phương cần quan tâm ưu tiên tiêm cho thuyền viên, nhân viên làm việc tại bến phà ngang sông, tiếp đó là phương tiện vận tải thủy du lịch nội địa và quốc tế”, ông Liêm nói.
Cũng theo ông Liêm, cần quy định cụ thể điều kiện để sở GTVT hai đầu tuyến thống nhất trong việc cho phép phương tiện vận tải khách hoạt động.
Điều kiện đối hành khách
Dự thảo cũng đưa ra 2 phương án về điều kiện đối với hành khách đi trên phương tiện thủy là người khách đi, đến địa phương hoặc ở địa bàn đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 15, số 19 của Thủ tướng.
Phương án 1: thực hiện theo nguyên tắc 5K và quy định của Bộ Y tế đối với người tham giao thông.
Phương án 2: đáp ứng một trong các tiêu chí: có chứng nhận đã tiêm đủ liều vắc xin ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm đi trên phương tiện; có xác nhận khỏi bệnh Covid-19 và không quá 6 tháng tính từ thời điểm đi trên phương tiện; có chứng nhận âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực theo quy định của Bộ Y tế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận