Bộ GTVT đã có hướng dẫn mới tổ chức giao thông, kiểm soát dịch Covid-19 trên đường thủy để tạo sự thống nhất, thuận lợi cho luồng xanh đường thủy.
Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn chưa thực hiện nghiêm, thậm chí còn yêu cầu thêm giấy thông hành (giấy đi đường) mới được qua chốt.
Các địa phương cần áp dụng thống nhất hướng dẫn của Bộ GTVT để tạo thuận lợi cho vận tải thủy trong mùa dịch
Cục trưởng gọi điện mới qua được chốt
Hơn một tháng qua, sà lan của gia đình anh Đăng (TP Long Xuyên, An Giang) và nhiều hộ cùng nghề vận tải thủy hàng khô, cát đá phải nghỉ để tránh dịch Covid-19.
Lý do là các tỉnh phía Nam đang giãn cách xã hội, mỗi chuyến đi phải xét nghiệm y tế, chưa kể có nơi không cho lưu thông ban đêm, thậm chí không cho phương tiện từ tỉnh, huyện khác đi vào.
Sau khi có hướng dẫn của Bộ GTVT, anh Đăng khởi động lại chuyến đi đầu tiên sang tỉnh Kiên Giang. Tuy nhiên, phương tiện khi đến chốt kiểm dịch phải quay đầu vì thiếu giấy thông hành (giấy đi đường).
“Theo hướng dẫn của Bộ GTVT chỉ cần giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19, nhưng đến chốt kiểm dịch, địa phương yêu cầu cả giấy thông hành. Phương tiện nào không có hai giấy trên đều phải quay đầu”, anh Đăng kể.
Một số thuyền viên khác cũng cho biết, hầu hết chốt kiểm dịch của huyện, xã khu vực phía Nam cũng yêu cầu phải có loại giấy này.
“Chỗ nào trên bờ giờ cũng đang giãn cách xã hội, đi lên xã để xin giấy thông hành rất khó khăn vì qua chốt kiểm dịch trên bờ cũng bị hỏi”, thuyền viên Đinh Tuyến nói.
Thời gian qua, rất nhiều phương tiện cũng không qua được chốt do giấy xét nghiệm Covid-19 quá hạn. “Giấy xét nghiệm y tế chỉ có thời hạn 3 ngày, trong khi hành trình của tàu chúng tôi liên tục hơn 4 ngày nên khi đến kênh Xà No, Hậu Giang thì giấy hết hạn.
Chốt kiểm soát nhất định không cho qua, trong khi phương tiện không có chỗ để quay trở lại, tại chốt cũng không tổ chức xét nghiệm tại chỗ. Chúng tôi phải gọi đến đường dây nóng của Cục Đường thủy nội địa VN nhờ hỗ trợ mới được đi qua”, một thuyền viên kể.
Xác nhận thông tin trên, ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó phòng Vận tải - ATGT, Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, ngày nào cũng có các cuộc gọi của thuyền viên phía Nam phản ánh về việc không qua được chốt kiểm dịch của các địa phương do giấy xét nghiệm Covid-19 hết hạn hoặc không có giấy thông hành.
“Có trường hợp, Phòng Vận tải gọi điện cho chốt kiểm dịch cũng không xong, phải đến khi Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN gọi cho Giám đốc Sở GTVT địa phương mới giải quyết được”, ông Hưng nói.
Vận tải thủy tại khu vực phía Nam vẫn khá ảm đạm, chưa đáp ứng được kỳ vọng. Trung bình mỗi ngày chỉ có hơn 300 phương tiện vào, rời các cảng, bến.
“Toàn bộ các cảng, bến bốc dỡ hàng nội địa (hàng vật liệu xây dựng như cát, đá, xi măng, sắt thép, lương thực…) gần như ngưng hoạt động. Hiện, chỉ còn những cảng bến bốc dỡ hàng xuất khẩu (hàng container, gạo xuất khẩu, cọc bê tông, phân bón xuất khẩu) hoạt động”, ông Bùi Công Phước, Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực III (TP.HCM) thông tin.
Cần thực hiện nghiêm hướng dẫn của Bộ GTVT
Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, để duy trì hệ thống luồng xanh vận tải hàng hóa bằng đường thủy trong thời gian phòng chống dịch Covid-19, từ 27/8/2021, Bộ GTVT ban hành hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông, kiểm soát dịch đối với vận tải thủy để các địa phương áp dụng thống nhất.
Trong đó, Bộ GTVT hướng dẫn, phương tiện đang trên hành trình mà giấy xét nghiệm Covid-19 hết hạn, tại chốt kiểm dịch không tổ chức xét nghiệm nhanh thì tiếp tục được lưu thông đến cảng, bến gần nhất.
Bộ GTVT cũng đề nghị các địa phương bố trí xét nghiệm y tế tại các chốt kiểm dịch, tại cảng bến thủy đầu mối để tạo thuận lợi cho vận tải thủy.
Tuy vậy, sau hơn 2 tuần triển khai, nhiều chốt kiểm dịch chưa bố trí xét nghiệm nhanh, trong khi vẫn yêu cầu phương tiện quá hạn giấy xét nghiệm phải quay đầu, gây khó khăn cho doanh nghiệp vận tải, thuyền viên.
“Hầu hết các chốt kiểm dịch tại phía Nam yêu cầu phương tiện thủy phải có giấy thông hành, xét nghiệm y tế còn hiệu lực và phương án vận chuyển hàng hóa. Doanh nghiệp vận tải lớn có thể cấp giấy đi đường cho thuyền viên, còn phương tiện nhỏ phải xin giấy ở xã, huyện. Yêu cầu giấy thông hành gây khó khăn, bất cập cho vận tải thủy, nhất là phương tiện của hộ gia đình, cá nhân vì các xã, huyện cũng đang thực hiện giãn cách”, ông Nguyễn Quốc Hưng nói.
Theo ông Lê Minh Đạo, Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN, thực tế cho thấy, một số địa phương hiện không áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 cũng kiểm soát “gắt” đối với phương tiện thủy như: Yêu cầu phải có giấy nghiệm PCR thay vì test nhanh, không chấp nhận giấy xét nghiệm quá hạn…
“Để tạo thuận lợi cho vận tải thủy, các địa phương cần chỉ đạo các lực lượng thực hiện nghiêm theo hướng dẫn tạm thời của Bộ GTVT. Bên cạnh đó, cần bố trí linh hoạt xét nghiệm lưu động tại các chốt kiểm dịch đường thủy, cảng bến thủy và có giải pháp linh hoạt hơn để thay thế giấy đi đường đối với phương tiện thủy”, ông Đạo nói.
Nên gộp mẫu xét nghiệm Covid-19
Theo Cục Đường thủy nội địa VN, đặc thù của thuyền viên phương tiện thủy là làm việc, sinh hoạt cùng nhau trên suốt hành trình vận tải. Việc lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại các chốt kiểm dịch nên gộp tất cả các thuyền viên, thay vì xét nghiệm riêng để tiết kiệm nguồn lực, cho kết quả nhanh và giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận