Liên tiếp các vụ tấn công giữa Israel và Hamas khiến nguy cơ xung đột Trung Đông lan rộng. Vậy diễn biến giá dầu sẽ ra sao và tác động thế nào đến Việt Nam nếu chiến sự leo thang? Báo Giao thông trao đổi với ông Dương Đức Quang, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) xung quanh vấn đề này.
Giá dầu thế giới có thể lên 150 USD/thùng
Theo ông, xung đột Trung Đông tác động ra sao đến thị trường năng lượng, khi Trung Đông là trung tâm xuất khẩu dầu của thế giới?
Yếu tố địa chính trị từ cuộc xung đột giữa Israel và phiến quân Hamas đang là một trong những rủi ro lớn tác động lên diễn biến nóng của giá dầu thế giới trong bối cảnh hiện nay.
Israel và Palestine không phải là những nước sản xuất hay tiêu thụ dầu lớn trên thế giới nhưng cuộc xung đột đang xảy ra tại Trung Đông - khu vực huyết mạch xuất khẩu dầu cho toàn thế giới.
Khu vực này vốn là trung tâm sản xuất và xuất khẩu dầu lớn với kênh Suez, vận chuyển khoảng 5,5 triệu thùng dầu/ngày. Đặc biệt, eo biển Hormuz kết nối các nước sản xuất dầu ở vịnh Ba Tư với các nhà máy lọc dầu toàn cầu, dưới sự kiểm soát của Iran, là khu vực đặc biệt quan trọng.
Eo biển này cũng chiếm tới hơn 1/3 tổng lượng dầu thô xuất khẩu, tương đương khoảng hơn 20 triệu thùng/ngày, khoảng 20% nhu cầu dầu thô của toàn thế giới, đặc biệt là châu Á.
Ngoài ra, hiện nay Saudi Arabia - nhà sản xuất dầu thô lớn thứ hai thế giới và lớn nhất OPEC - đang tạm ngừng các kế hoạch sản xuất theo thỏa thuận do Mỹ làm trung gian để bình thường hóa quan hệ với Israel. Tất cả những tác động trên có thể làm gia tăng áp lực thâm hụt trên thị trường dầu vốn đã trong trạng thái thắt chặt.
Như ông nói, nếu xung đột Trung Đông lan rộng có thể gây nên cuộc khủng hoảng năng lượng? Theo ông, kịch bản xấu nhất là gì?
Các cuộc đụng độ lẻ tẻ giữa Israel và quân đội Hezbollah ở biên giới Liban đang dấy lên lo ngại xung đột giữa Israel và phiến quân Hamas có thể lan rộng ra nhiều mặt trận.
Hezbollah là một nhóm phiến quân Hồi giáo có sức mạnh quân sự lớn, được Iran hậu thuẫn và có ảnh hưởng đáng kể đối với nhà nước Liban. Trong khi đó, Iran giữ vai trò là quốc gia sản xuất dầu lớn thứ 5 trên thế giới và kiểm soát eo biển Hormuz, nơi 1/5 lượng dầu thế giới được vận chuyển hàng ngày.
Khủng hoảng từng xảy ra vào năm 1973 - 1974 vì giá dầu chịu ảnh hưởng lớn bởi yếu tố địa chính trị, nhất là khu vực Trung Đông. Chúng tôi đưa ra 3 kịch bản giá dầu sẽ chịu ảnh hưởng tùy theo diễn biến.
Kịch bản thứ nhất, nếu xung đột chỉ giới hạn ở dải Gaza, giá dầu có thể sẽ không chịu ảnh hưởng nhiều. Mỹ có thể sẽ gây áp lực trừng phạt khiến lượng xuất khẩu dầu của Iran giảm mạnh, ước tính khi đó giá dầu có thể tăng 3 - 4 USD/thùng.
Kịch bản thứ hai, nếu cuộc xung đột lan sang Lebanon và Syria, nhiều khả năng chiến tranh ủy nhiệm giữa Iran và Israel sẽ xảy ra, làm gia tăng tổn thất kinh tế.
Chiến sự leo thang có thể làm tăng khả năng xảy ra xung đột trực tiếp giữa Israel và Iran, đẩy giá dầu tăng cao. Trước đó, năm 2006, cuộc chiến Israel - Hezbollah ngắn ngủi nhưng đẫm máu đã đẩy giá dầu tăng 5 USD/thùng. Kịch bản tương tự nếu xảy ra ở hiện tại có thể khiến giá dầu tăng 10%, lên sát mốc 100 USD/thùng.
Kịch bản thứ ba là cực đoan nhất, có xác suất xảy ra thấp nhưng khá nguy hiểm. Đó là xung đột trực tiếp giữa Iran và Israel, có thể là tác nhân gây ra lạm phát và suy thoái toàn cầu. Tehran có thể sẽ kích hoạt toàn bộ mạng lưới các lực lượng ủy nhiệm và đối tác ở Syria, Iraq, Yemen và Bahrain.
Lúc đó, căng thẳng giữa các siêu cường leo thang, làm gia tăng tình trạng bất ổn khu vực. Mỹ là đồng minh thân cận của Israel, trong khi Trung Quốc và Nga đang tăng cường quan hệ với Iran.
Nếu theo kịch bản này, theo tôi, giá dầu có thể tăng nóng với biên độ tương ứng như thời điểm xảy ra xung đột Iraq - Kuwait năm 1990, vào khoảng 150 USD/thùng.
Làm gì để ổn định giá xăng trong nước?
Giá nhiên liệu liên hệ mật thiết tới tình hình lạm phát. Ông dự đoán thế nào về phản ứng của các ngân hàng Trung ương lớn trước bối cảnh giá nhiên liệu leo thang?
Theo nguyên tắc chung, cứ giá dầu tăng thêm 10 USD/thùng sẽ làm lạm phát toàn cầu tăng thêm khoảng 0,3 điểm %. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, việc giá dầu đạt mức 100 USD/thùng trong quý IV sẽ khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng tới 0,9 điểm %, trong khi con số này tại EU và Anh là 0,4 điểm %.
Tôi cho rằng giá dầu tăng cao sẽ khiến các ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới buộc phải giữ lãi suất cao trong thời gian dài hơn.
Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng ra sao trong diễn biến này, thưa ông?
Cho tới nay, Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn xăng, dầu nhập khẩu. Trong đó, khoảng 70% lượng dầu thô nhập khẩu của Việt Nam đến từ Kuwait, quốc gia thuộc OPEC nằm ở khu vực Trung Đông.
Bên cạnh đó, Việt Nam nhập xăng, dầu nhiều nhất từ Hàn Quốc với 36 - 37% tổng sản lượng nhập khẩu, Singapore với khoảng 16%.
Nếu nguồn cung thắt chặt, giá dầu thế giới tăng cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới giá xăng, dầu nhập khẩu vào thị trường Việt Nam và giá xăng, dầu nội địa.
Điều này cũng tác động tới lạm phát trong nước do xăng dầu là đầu vào cho rất nhiều các hoạt động kinh tế.
Chi phí xăng dầu hiện chiếm khoảng 3,5% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế nước ta. Giá xăng, dầu tăng 10% có thể làm cho chỉ số CPI tăng 0,36 điểm %.
Bộ Tài chính cũng đã ước tính tác động trực tiếp, gián tiếp từ bảng I/O 2007, nếu giá xăng, dầu tăng 30% sẽ làm GDP giảm 0,4%. Điều này sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng 6,5% đặt ra trong năm nay.
Rõ ràng, áp lực lạm phát và tăng trưởng cuối năm là rất lớn. Theo ông, việc điều hành giá xăng, dầu thời gian tới cần làm gì để ổn định thị trường?
Từ những đúc kết trong những thời điểm căng thẳng trên thị trường dầu thô trong năm 2022, theo tôi, trong các kỳ điều chỉnh giá xăng, dầu tới đây, liên Bộ Công thương - Tài chính vẫn nên cân nhắc sử dụng linh hoạt Quỹ bình ổn xăng, dầu để ngăn đà tăng của giá xăng.
Đặc biệt, cơ quan quản lý cũng cần thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm cung cầu cho ổn định thị trường xăng dầu trong nước.
Cảm ơn ông!
Từ khi xung đột Israel – Hamas diễn ra, giá dầu thô đã tăng 2 tuần liên tiếp. Kết thúc tuần giao dịch ngày 15/10, giá dầu WTI tăng gần 6% lên mức 87,69 USD/thùng. Còn dầu Brent lên mức giá 90,89 USD/thùng, cao hơn 7,46% so với tuần trước đó.
Khép lại tuần giao dịch ngày 22/10, cả 2 loại dầu tiêu chuẩn trên đều tăng thêm hơn 1% so với tuần trước, đưa Brent lên mức 92,16 USD/thùng, WTI lên mức 88,75 USD/thùng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận