Hà Nội đang tích cực khắc phục hiện tượng lượng hành khách đi xe buýt sụt giảm - Ảnh: Tạ Tôn |
Từ đó đạt được mục tiêu đến năm 2020, tỉ lệ vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) tại Hà Nội đáp ứng từ 20-25%.
Khách đi xe buýt liên tục giảm
Thông tin trên được Giám đốc Trung tâm Điều hành giao thông đô thị Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải xác nhận. Cụ thể, theo ông Hải, giai đoạn 2001-2015, số lượng tuyến tăng 2,7 lần (31 lên 81 tuyến), đoàn phương tiện tăng gần 4,2 lần (334 lên tới 1.404 phương tiện), sản lượng tăng 29 lần (15 triệu lên 431,7 triệu hành khách). Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, sản lượng hành khách đi xe buýt đang có xu hướng sụt giảm.
“Sau giai đoạn tăng trưởng liên tục về sản lượng (từ 462 triệu lượt khách lên 469 triệu lượt khách năm 2014, bắt đầu đến năm 2015, lượng hành khách có hiện tượng sụt giảm”, ông Hải nói và cho biết thêm: Sản lượng hành khách năm 2015 là 431,9 triệu lượt. 7 tháng đầu năm 2016, sản lượng tiếp tục giảm khoảng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Trong ngắn hạn, cần sự quyết tâm của chính quyền thành phố là ưu tiên kết cấu hạ tầng, làm bằng được vỉa hè cho người đi bộ để tiếp cận xe buýt, tổ chức một số đoạn tuyến dành riêng cho xe buýt, mạnh dạn triển khai BRT, coi đó là bài học kinh nghiệm để thực hiện trên các trục đường khác”. Ông Khuất Việt Hùng |
Ông Hải cũng chỉ ra 4 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó, đầu tiên là việc dịch vụ xe buýt bị xáo trộn, thiếu ổn định, không hấp dẫn và không thuận tiện cho hành khách. “Thời gian qua, trung bình hàng năm có trên 4.000 vị trí điểm dừng phải điều chỉnh thông tin và vị trí, 80 lần điều chỉnh luồng tuyến. Một số hành lang buýt trọng yếu như trục QL32, trục QL6, hạ tầng xe buýt bị xáo trộn, làm mất một lượng khách thường xuyên cực kỳ lớn”, ông Hải phân tích.
Nguyên nhân thứ hai, theo ông Hải là việc lộ trình tuyến chưa thật sự hợp lý, cộng với ùn tắc giao thông đã khiến thời gian chuyến đi của hành khách kéo dài, từ đó giảm tính hấp dẫn của dịch vụ. Kế đó, ông Hải cho rằng, giá vé xe buýt đã và đang giảm sức cạnh tranh so với phương tiện cá nhân và một số loại hình phương tiện mới ra đời như: Grab, Uber, Bike taxi… đặc biệt trên những tuyến cự li ngắn.
Cuối cùng, theo ông Hải, một loạt hạn chế liên quan đến hình ảnh, mức độ thân thiện của hệ thống đã làm giảm sức hấp dẫn với hành khách. “Trong điều kiện mức sống và thu nhập của người dân Thủ đô tăng lên, yêu cầu về mức độ tiện nghi, văn minh và thân thiện cũng tăng theo, trong khi đó hình ảnh của xe buýt vẫn chưa có chuyển biến mạnh mẽ, vẫn còn đâu đó hình ảnh xe buýt cũ, nội thất xuống cấp, lái xe, nhân viên ứng xử chưa chuyên nghiệp”, ông Hải lý giải.
3 kịch bản phát triển
Nỗ lực lấy lại đà tăng trưởng cho xe buýt, phấn đấu đạt mục tiêu VTHKCC đáp ứng từ 20- 25% nhu cầu đi lại trong đô thị, Sở GTVT Hà Nội đang phối hợp với Transerco xây dựng Đề án Nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển hệ thống VTHKCC bằng xe buýt của Thủ đô giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”.
TS. Nguyễn Thanh Chương (Đại học GTVT), đại diện Tư vấn xây dựng Đề án đề xuất 3 kịch bản phát triển cho VTHKCC Thủ đô cho hay: Theo kịch bản thấp, VTHKCC phát triển theo xu hướng tự nhiên, không có sự thay đổi về chính sách và điều chỉnh năng lực, khi đó sản lượng VTHKCC đạt khoảng 2,28 triệu khách/ngày vào năm 2020, đáp ứng khoảng 11,6%. Năm 2025, đáp ứng khoảng 18%, trong đó xe buýt đáp ứng 13,4%, phương tiện khác 5%.
Kịch bản lạc quan mà tư vấn đưa ra là sản lượng VTHKCC đáp ứng khoảng 25% nhu cầu đi lại từ năm 2020 và 30% vào năm 2025 nhờ sự đột phá về phát triển hệ thống buýt khối lớn BRT và đường sắt đô thị.
Kịch bản hợp lý, cũng là kịch bản tư vấn đề xuất lựa chọn là sản lượng VTHKCC sẽ đạt khoảng 3,26 triệu khách/ngày, đáp ứng khoảng 20% nhu cầu đi lại của người dân, trong đó xe buýt thường đạt 2,45 triệu khách/ngày, chiếm 15%. Tương tự đến năm 2025, tỷ lệ này là 25%, trong đó xe buýt đảm nhận 20%.
“Kịch bản phát triển hợp lý được tư vấn xây dựng trên cơ sở VTHKCC bằng xe buýt có thêm các tuyến vận tải khối lớn tham gia, có các chính sách thay đổi đột phá ưu tiên cho phát triển buýt về hạ tầng, trợ giá, chất lượng dịch vụ, công nghệ”, ông Chương nói.
Cũng từ đây, tư vấn đề xuất hàng loạt giải pháp, trong đó có việc hợp lý hóa luồng tuyến, mở rộng ra khu vực ngoại thành, đổi mới đoàn phương tiện, xây dựng hình ảnh tuyến buýt tiêu chuẩn, nâng cao năng lực phục vụ của hệ thống, hình thành các điểm trung chuyển lớn, mở làn riêng cho xe buýt, hiện đại hoá hệ thống điều hành xe.
Đặc biệt, tư vấn cho rằng, cần có cơ chế chính sách trợ giá phù hợp với chất lượng và yêu cầu của từng loại tuyến, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cao chất lượng phương tiện, dịch vụ; Có chính sách khấu hao với phương tiện chất lượng cao bằng cách xác định mức trợ giá phù hợp; Xây dựng chính sách ưu tiên và khuyến khích DN ứng dụng công nghệ cao trong quản lý, điều hành bằng các hình thức đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua trợ giá cho DN; Nhanh chóng xác định quỹ đạt cho hạ tầng của VTHKCC bằng xe buýt.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận