Hồ sơ tài liệu

Ba Lan khiêu khích Nga, quân đội Ukraine từ chối rút lui

05/05/2015, 05:16

Ba Lan khiêu khích Nga, Thụy Điển cáo buộc tàu chiến Nga "quấy nhiễu"... là những tin tức quốc tế đáng chú ý.

20150318_duyetbinh
Binh sỹ Nga duyệt binh trong lễ kỷ niệm 69 năm Ngày Chiến thắng phát xít 9/5 (Nguồn: AFP)

Tổng thống Ba Lan: Lễ kỷ niệm 9/5 ở Nga là "biểu tượng của sự bất ổn"

Theo tin tức trên Infonet, hôm 3/5, Tổng thống Ba Lan đã miêu tả buổi lễ kỷ niệm lần thứ 70 ngày Hồng quân Liên Xô chiến thắng phát xít Đức được tổ chức ở Moscow vào ngày 9/5 tới "một biểu tượng của sự bất ổn".

"Vào ngày 9/5 tới, Quảng trường Đỏ tại Moscow sẽ biến thành nơi diễu hành của các đoàn xe bọc thép bao gồm các đơn vị gần đây đã tấn công sang quốc gia láng giềng Ukraine và trên toàn thế giới. Đây cũng là cách để Nga phô trương sức mạnh. Suốt một thời gian dài, khu vực biên giới Ba Lan đã lặng tiếng súng. Mọi người cần nhớ rằng buổi lễ sắp tới là một cuộc diễu binh quân sự, biểu dương sức mạnh, chứ không hề nhắc tới lịch sử mà đang nói về hiện tại và tương lai. Đây là hình ảnh về một thế giới hiện tại đầy bất ổn. Trong hoàn cảnh hiện nay, chúng ta cần tăng cường an ninh cho Ba Lan", hãng tin TASS dẫn lời Tổng thống Ba Lan Bronislaw Komorowski.

Cũng theo ông Komorowski, vị trí địa chính trị của Ba Lan hiện đang rất khó khăn bởi quốc gia này nằm ở khu vực giữa phương Tây và phương Đông. Ngoài ra, Ba Lan cần nhớ tới những bài học xương máu trong lịch sử và không nên nghĩ rằng Ba Lan hiện không đối mặt với bất cứ mối đe dọa nào.

baogiaothong-tong-thong-ba-lan
Tổng thống Ba Lan Bronislaw Komorowski

Triều Tiên chọn người thay ông Kim Jong-un tới Nga

Liên quan tới buổi lễ kỷ niệm lần thứ 70 ngày Hồng quân Liên Xô chiến thắng phát xít Đức, ngày 4/5, hãng thông tấn chính thức KCNA của Triều Tiên đưa tin Chủ tịch Đoàn chủ tịch Hội nghị Nhân dân Tối cao Triều Tiên Kim Yong-nam sẽ thay nhà lãnh đạo nước này Kim Jong-un tới thủ đô Moskva của Nga tham dự buổi lễ.

Hôm 30/4, Điện Kremlin thông báo ông Kim Jong-un sẽ không tham gia sự kiện trên tại Moskva, dập tắt những đồn đoán về chuyến công du nước ngoài đầu tiên của nhà lãnh đạo Triều Tiên kể từ khi ông lên nắm quyền năm 2011 sau khi cha ông là Kim Jong-il qua đời.

Thụy Điển cáo buộc tàu chiến Nga "quấy nhiễu"

ban_dao_stockhom_gqza
Nga bị cáo buộc can thiệp hoạt động thả cáp hải dương của Thụy Điển và Lithuania (Reuters)

Trong khi đó, báo Pháp luật TP HCM dẫn thông tin từ hãng Russia Today (Nga) cho hay chính phủ Thụy Điển ngày 3/5 lại cáo buộc các tàu chiến Nga đã can thiệp vào hoạt động thả cáp điện hải dương giữa hai nước Thụy Điển – Lithuania.

Phía Thụy Điện khẳng định rằng các tàu chiến của Nga đã có bốn lần can thiệp, làm gián đoạn hoạt động thả cáp điện hải dương của nước này trong vài tháng qua.

Theo phát ngôn viên Pezhman Firrvin, đại diện cho Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Margot Wallström, “Thụy Điển đã bàn luận về vấn đề này với các cơ quan chính quyền của Nga”. Theo tờ Aftobladet, chính quyền Stockhom sẽ bàn luận lại vấn đề này một lần nữa vào ngày 4/5.

Bộ Ngoại giao Lithuania cũng đã đưa ra một bản tuyên bố cáo buộc chính quyền Nga “cố ý can thiệp” dự án đường dây điện Nordbalt dài 400km, nối liền thành phố Klaipeda của Lithuania với bờ biển phía Đông Thụy Điển.

Latvia đưa tin tàu chiến Nga đến gần lãnh hải

Ngày 4/5 Sputnik dẫn lời lực lượng vũ trang Latvia nói rằng họ phát hiện gần biên giới nước họ hai tàu chiến và tàu ngầm “của Nga”

Theo bộ phận báo chí của Lực lượng vũ trang Baltic, hai tàu và tàu ngầm của Nga đã được phát hiện trong vùng đặc quyền kinh tế của Latvia cách biên giới quốc gia 5 dặm, RIA Novosti đưa tin. Lực lượng vũ trang Baltic cũng cáo buộc đã nhìn thấy máy bay vận tải quân sự An-22 thực hiện chuyến bay gần biên giới Latvia.

Đây không phải là lần đầu tiên Latvia hoảng loạn vì tàu Nga. Chẳng hạn, trước đó quân đội nước này không ngủ yên vì tàu ngầm "Warszawianka" được cho là đến gần lãnh hải Latvia. Và trước đó tuần tra Latvia cũng đã phát hiện tàu hộ tống được cho là của Nga. Sự chú ý cao độ như vậy đối tàu Nga thậm chí được Bộ Quốc phòng Nga "cảm ơn" các đồng nghiệp vì đã PR tích cực cho Hải quân Nga.

Lực lượng vũ trang Ukraine từ chối rút khỏi làng Shirokino

ttxvn_ukraine
Thành viên phái bộ OSCE điều tra mảnh đạn pháo gần làng Shirokino, Ukraine. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo TTXVN, phát biểu trên kênh truyền hình 112, Phó Chỉ huy chiến dịch chống khủng bố (ATO) của Ukraine tại Donetsk và Lugansk, ông Sergey Galushko tuyên bố lãnh đạo các lực lượng vũ trang nước này sẽ không rút binh sỹ khỏi làng Shirokino - nơi giao tranh quyết liệt giữa dân quân ly khai với lực lượng an ninh Kiev theo hướng Mariupol.

Theo ông Galushko, trong bối cảnh binh sỹ Ukraine ở đó hàng ngày ghi nhận 40-60 quả đạn pháo được bắn từ phía dân quân ly khai, việc giảm quân số là không thể.

Trong khi đó, sáng 3/5, có tin cho hay lữ đoàn đặc nhiệm Donbass đã bổ sung thêm các đơn vị tại Shirokino. Chỉ huy lữ đoàn này, ông Semen Semenchenko trên trang Facebook cá nhân cho biết ngôi làng hiện thuộc quyền kiểm soát của quân đội Ukraine.

Mỹ điều 100 lính thủy đánh bộ, 6 máy bay tới hỗ trợ Nepal

BBC cho hay ngày 4/5, 100 lính thủy đánh bộ cùng 6 máy bay cứu trợ khẩn cấp của Mỹ đã có mặt tại Nepal để giúp vận chuyển hàng cứu trợ tới các vùng xa xôi đang chịu hậu quả sau trận động đất 7,8 độ richter.

Tướng Paul Kennedy thuộc lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ phát biểu trước báo giới rằng: “Chúng tôi có đội tìm kiếm và cứu hộ đang đợi để di chuyển tới các vùng xa xôi để cứu trợ các nạn nhân động đất. Chúng tôi mang theo các đồ tiếp tế và các lều trú ẩn”.

Giới chức Nepal trước đó cho hay hiện công tác cứu hộ tại vùng gần tâm chấn đang gặp nhiều khó khăn do thiếu các máy bay vận chuyển.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.