Phát ngôn viên Dmitry Peskov không tin rằng lệnh cấm vận của Ukraine đối với Nga là có thật. |
Nga "xem nhẹ" lệnh trừng phạt của Ukraine
Theo Infonet, trả lời báo chí về việc Ukraine áp đặt lệnh cấm đối với quan chức Nga, phát ngôn viên Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết đây là một đòn hỏa mù mà không có cơ sở pháp lý.
“Cho đến giờ tôi vẫn không hiểu quyết định này được dựa trên nguyên tắc pháp lý nào, do đó tôi không thể nói gì nhiều. Chúng tôi không biết lệnh cấm vận này có nội dung như thế nào. Đây có thể chỉ là một lời đe dọa suông”, ông Peskov trả lời trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh Nga. Ông nói thêm: “Chúng tôi không biết lệnh này có thật hay không”.
Lời của ông Peskov được đưa ra sau khi một số báo đưa tin quốc hội Ukraine đã yêu cầu Hội đồng An ninh Quốc gia nước này áp dụng cấm vận đối với 30 quan chức cấp cao của Nga, trong đó có Tổng thống Vladimir Putin, Chủ tịch Quốc hội Nga Sergey Naryshkin, Giám đốc cơ quan tình báo Nga FSB Aleksandr Bortnikov và nhiều người khác.
Tổng thống Ukraine cảnh báo nguy cơ chiến tranh tái diễn
Theo VOV, phát biểu tại cuộc họp báo ngày 28/4, Tổng thống Ukraine Poroshenko đã cảnh báo cuộc chiến giữa lực lượng chính phủ và lực lượng đối lập có thể tái diễn.
Tổng thống Poroshenko cho biết, Kiev không thấy có một giải pháp nào khác cho cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, ngoài giải pháp ngoại giao và các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, ông cảnh báo, Ukraine vẫn có nguy cơ trở lại chiến tranh.
Tuyên bố được Tổng thống Poroshenko đưa ra chỉ vài ngày sau khi lãnh đạo phe đối lập ở miền Đông Ukraine Aleksandr Zakharchenko lên tiếng cảnh báo về sự thất bại của thỏa thuận ngừng bắn Minsk tại khu vực này, trừ khi chính quyền Kiev công nhận sự độc lập của các vùng lãnh thổ phía Đông.
Ukraine sẵn sàng gia nhập khối Liên minh Châu Âu 5 năm tới
Từ trái: Chủ tịch Hội đồng Âu châu Donald Tusk, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và Chủ tịch Uỷ ban Âu Châu Jean-Claude Juncker trong cuộc hội đàm ở Kiev, Ukraine, 27/4/15. |
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho biết Kiev có thể đáp ứng được những điều kiện để nộp đơn xin làm thành viên Liên minh châu Âu (EU) trong vòng năm năm tới.
"Chúng tôi có nhiều tham vọng trong kế hoạch và niềm tin của chúng tôi, và đó là lý do vì sao chúng tôi tuyên bố rằng trong vòng năm năm, chúng tôi sẽ thực thi hữu hiệu thỏa thuận liên kết (EU) và đáp ứng những điều kiện cần thiết để nộp đơn xin làm thành viên trong Liên minh châu Âu," ông Poroshenko nói tại Hội nghị thượng đỉnh với các quan chức Liên minh châu Âu vừa khai mạc ở Kiev.
Ukraine bất ngờ loan tin lãnh đạo ly khai "bị bắt và từ chức"
Theo Đại lộ, Hãng thông tấn TASS của Nga cho hay, hôm thứ Ba (28/4), truyền thông Ukraine đã khẳng định rằng lãnh đạo phe ly khai Luhasnk "đã bị bắt và từ chức tại Moscow".
Tuy nhiên, người đứng đầu nước Cộng hòa nhân dân Luhansk tự xưng (LPR) Igor Plotnitsky đã gọi việc truyền thông Ukraine đưa tin ông này bị giam và buộc từ chức ở Nga là "hoang tưởng".
"Báo chí Ukraine chẳng cần đến sự thật. Bọn họ có vẻ thỏa mãn với sự hoang tưởng mà chính họ đang cố biến thành sự thực" - ông Plotnitsky nói.
Trung Quốc phản ứng tuyên bố của ASEAN về biển Đông
Những hình ảnh vệ tinh mới nhất tố cáo thêm những hành động xây dựng trái phép của Trung Quốc trên Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa (Ảnh: CSIS) |
Theo tin tức trên Người lao động, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 28/4 bày tỏ phản ứng sau khi lãnh đạo các nước Đông Nam Á tuyên bố quan ngại sâu sắc về hoạt động cải tạo đất trái phép của Bắc Kinh trên biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói rằng Bắc Kinh “cực kỳ quan ngại” đối với tuyên bố của ASEAN về vấn đề biển Đông. Ông Hồng cũng lặp lại luận điệu trước đó của Bắc Kinh cho rằng đó không phải vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN. Trung Quốc cũng nhiều lần ngoan cố cho rằng vấn đề biển Đông cần được giải quyết với từng nước riêng lẻ.
Trước đó, Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 26 diễn ra tại Kuala Lumpur hôm 27/4, các lãnh đạo của tổ chức gồm 10 thành viên này tuyên bố hoạt động cải tạo phi pháp của Trung Quốc “đã làm xói mòn sự tin tưởng và có thể gây nguy hại tới hòa bình, an ninh và ổn định tại biển Đông”.
Mỹ điều 5.000 vệ binh tới Baltimore
5.000 binh sĩ thuộc lực lượng Vệ binh Quốc gia Mỹ đã được điều đến Baltimore, thành phố lớn nhất bang Maryland. Lệnh giới nghiêm được áp dụng từ ngày 28/4 và kéo dài 1 tuần, từ 22 giờ tới 5 giờ sáng hôm sau, để đối phó tình trạng bạo loạn và cướp bóc liên quan đến cuộc khủng hoảng chủng tộc mới ở Mỹ.
Hàng trăm người biểu tình ở Mỹ đã xuống đường, đốt xe cảnh sát, cướp phá, đốt các cửa hàng và loạn đả với cảnh sát. Đài truyền hình phát hình ảnh người biểu tình ném gạch đá và chai lọ vào cảnh sát. Cảnh sát Baltimore cho biết khoảng 200 người bị bắt trong khi 15 cảnh sát bị thương, gồm một số bị gãy xương. Thống đốc bang Maryland Larry Hogan đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp hôm 27/4 khi bạo lực bùng nổ trên đường phố Baltimore vài giờ sau tang lễ của Freddie Gray - người thanh niên da màu 25 tuổi bị bắt hôm 12/4 và tử vong ngày 19/4 sau 1 tuần hôn mê do bị cảnh sát đánh trọng thương
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận