Chất lượng sống

Ba người chết vì cúm A/H1N1, lo ngại lây lan dịch bệnh

02/07/2018, 10:32

3 người ở TP.HCM tử vong vì cúm A/H1N1 từ hai ổ dịch bệnh viện (BV) Từ Dũ và BV Chợ Rẫy...

18

Bảng hạn chế người nhà bệnh nhân vào thăm tránh lây lan trong bệnh viện và ra ngoài cộng đồng

Bệnh nhân cúm tăng nặng khi mắc bệnh mạn tính hoặc béo phì

Mới đây, bệnh nhân N.T.V. (46 tuổi, quận Bình Tân) mắc cúm A/H1N1 đã tử vong tại nhà sau khi gia đình xin cho bệnh nhân về. Đây cũng là bệnh nhân thứ 3 trên địa bàn TP HCM tử vong do dịch cúm A/H1N1. Theo TS. Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới BV Chợ Rẫy, bệnh nhân tử vong đều có chung đặc điểm là những đối tượng có nguy cơ biến chứng cao khi nhiễm cúm như lớn tuổi, mắc bệnh mạn tính (suy thận mãn, đái tháo đường…) hay cơ địa béo phì và không được chích ngừa trước đó.

Người dân đổ xô tiêm phòng cúm A/H1N1

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, những ngày gần đây, lượng người đến các trung tâm y tế tiêm chủng cho trẻ em và người lớn ngừa cúm A/H1N1 tăng đột biến, gấp 5-10 lần ngày bình thường. Trước đây, trung bình một ngày, có từ 100-200 người, những ngày gần đây đã tăng lên khoảng 1.000 người/ngày.

“Khoa đang điều trị cho 7 ca nhiễm cúm A/H1N1, trong đó 3 ca phải thở máy. Đây là những người bị lây nhiễm H1N1 tại BV Chợ Rẫy từ ngày 11/6. Ổ dịch này được xác định 12 người dương tính virus cúm A/H1N1, hàng chục người khác nghi ngờ bệnh nhưng nhẹ và dễ dàng qua khỏi”, bác sĩ Hùng cho biết.

Cũng trong tháng 6, khoa Nội Thận BV Chợ Rẫy phát hiện 17 bệnh nhân đang điều trị có biểu hiện lâm sàng tương tự nhiễm cúm. Ngay lập tức, những trường hợp này được cách ly tại Khoa Bệnh Nhiệt đới, điều trị với thuốc kháng virus và tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm PCR (xét nghiệm xác định chủng loại cúm). Trong số này, có 5 bệnh nhân xác định nhiễm cúm A/H1N1. Toàn bộ bệnh nhân nhiễm cúm đều được xác định chủng virus A/H1N1pdm2009 và chưa phát hiện biến chứng.

Còn tại BV Từ Dũ, đầu tháng 6/2018 đã phát hiện hàng chục trường hợp dương tính với cúm A/H1N1. Nguồn bệnh ban đầu từ một nữ bệnh nhân ở Khoa Nội soi. Sau phát hiện dịch cúm, lãnh đạo BV Từ Dũ đã cách ly 83 bệnh nhân khám và điều trị tại khu nội soi, cùng nhân viên y tế nghi ngờ có tiếp xúc với các bệnh nhân. Bệnh viện phải tạm đóng cửa khoa nội soi 3 ngày, tiến hành khử khuẩn toàn viện.

Nỗi lo lây lan

Đại diện Sở Y tế TP HCM khẳng định: Ngoài 2 ổ dịch cúm tại 2 BV nói trên, chưa phát hiện thêm trường hợp mới và ổ dịch mới bị nhiễm cúm A/H1N1. Hiện tại, các ổ dịch đã được khống chế. Tuy nhiên, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) vẫn khuyến cáo TP HCM cẩn trọng nguy cơ cúm H1N1 lây lan ở BV và đặc biệt nguy cơ virus lây chéo ở nơi đông người.

TS. Trần Đức Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, cúm A/H1N1 là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm A/H1N1 gây nên. Bệnh có khả năng lây nhiễm chéo trong BV và lây lan nhanh trong cộng đồng. Do đó, cục đã yêu cầu Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM phối hợp với Viện Pasteur TP điều tra dịch tễ và triển khai các biện pháp giám sát lây nhiễm tại BV và cộng đồng. Tuy nhiên, lượng bệnh nhân đông và cúm là bệnh hô hấp nên công tác phòng chống lây lan rất khó. Vì thế, bệnh viện cần phát hiện sớm bệnh, cách ly ngay để tránh lây lan. Ngoài việc khống chế lây lan ổ dịch đối với các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện, việc phòng và khống chế bệnh dịch lây lan ra cộng đồng cũng gặp nhiều khó khăn… Đơn cử như BV Chợ Rẫy với lưu lượng lớn người ra vào bệnh viên mỗi ngày từ 15.000 - 20.000 người gồm bệnh nhân, thân nhân, học viên, đối tác… việc phòng chống dịch bệnh là rất khó khăn.

Trước tình trạng này, PGS. Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc BV Chợ Rẫy cho biết, BV đã làm việc với Viện Pasteur TP HCM để theo dõi và giám sát dịch. Các bệnh nhân nghi ngờ nhiễm cúm A/H1N1, tăng cường chống nhiễm khuẩn tại các khoa có bệnh nhân đang theo dõi cúm. Nhân viên y tế tại các khoa có nguy cơ lây nhiễm cao được tiêm ngừa cúm, khuyến cáo người nhà bệnh nhân chích ngừa. Không phải tất cả bệnh nhân cúm đều cần đến bệnh viện, thay vào đó nên điều trị cách ly tại nhà, hạn chế tụ tập để tránh bệnh lây lan ra cộng đồng. Những trường hợp diễn biến nặng, có bệnh nền sẵn nên đi khám để điều trị kịp thời, ngăn diễn biến nặng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.