GS. Phan Văn Tân |
Trận mưa lũ mới đây tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã khiến 33 người chết và mất tích, thiệt hại hơn 500 tỷ đồng. Theo GS. Phan Văn Tân, Khoa Khí tượng Thủy văn và Hải dương học, ĐH Quốc gia Hà Nội, thiệt hại trên không hoàn toàn do dự báo cũng như do biến đổi khí hậu.
Nhận định về nguyên nhân gây thiệt hại nặng nề từ trận mưa lũ vừa xảy ra tại các tỉnh miền núi Tây Bắc, Tổng cục Phòng chống thiên tai cho rằng, ngoài lý do khách quan về địa hình, biến đổi khí hậu (BĐKH) gây mưa lớn trái mùa còn do hệ thống dự báo, cảnh báo thiên tai chưa đáp ứng được so với yêu cầu. Vậy, ông nhận định thế nào về chất lượng dự báo thiên tai, đặc biệt là cảnh báo sớm của ngành dự báo khí tượng?
Vấn đề này đã được nói nhiều lần và nếu tình hình không cải thiện thì báo chí vẫn còn tốn nhiều giấy mực nữa. Ở đây có mấy điểm cần lưu ý. Thứ nhất, ảnh hưởng của BĐKH chỉ có thể được hiểu là có thể làm gia tăng tính bất thường của thời tiết, làm cho công tác dự báo khó khăn hơn, phức tạp hơn. Thông tin dự báo về đợt mưa gây lũ lụt vừa qua mặc dù còn nghèo nàn, mang định tính nhiều hơn là định lượng, nhưng không quá sai lệch so với thực tế. Mưa lớn xảy ra ở Tây Bắc vào tháng 6 gây lũ lụt cũng không phải bất thường. Vậy, thiệt hại ở đây không hoàn toàn do dự báo cũng như do BĐKH.
Thứ hai, “hệ thống dự báo, cảnh báo thiên tai” có thể được hiểu là “dự báo, cảnh báo” các loại thiên tai có thể xảy ra, bao gồm cả động đất, sóng thần... Thiên tai do thời tiết cũng có nhiều loại từ: Bão, mưa lớn gây lũ lụt, lốc xoáy, mưa đá, rét đậm, rét hại, nắng nóng... Mỗi loại như vậy sẽ để lại các hậu quả khác nhau. Thông tin dự báo khí tượng nói chung là đầu vào của hệ thống này. Vậy, hệ thống dự báo, cảnh báo thiên tai phải làm nhiệm vụ dự báo, cảnh báo được các hệ quả đó. Trên thực tế chúng ta chưa có hệ thống này một cách đúng nghĩa, cho nên không thể nói: “... do hệ thống dự báo, cảnh báo thiên tai chưa đáp ứng được so với yêu cầu”, cũng như đưa ra “nhận định về chất lượng dự báo, thiên tai”.
Thứ ba, đối với các bản tin dự báo thời tiết, có nhiều hiện tượng thời tiết do bản chất của nó, chẳng hạn quy mô không gian quá nhỏ, quy mô thời gian quá ngắn mà cho đến nay con người chưa thể dự báo được, hay nói chính xác hơn là có thể “cảnh báo” nếu có thiết bị quan trắc đáp ứng được yêu cầu. Việc phát hiện các đám mây dông để có thể đưa ra nhận định về một trận lốc xoáy, mưa đá hoặc mưa lớn nhờ mạng lưới các radar thời tiết là một ví dụ. Ngoài các hiện tượng “quy mô nhỏ”, hầu như không có “tính dự báo được”, hai loại hình thời tiết khó dự báo nhất là bão và mưa. Với dự báo mưa, việc đưa ra bản tin có tính định tính là tương đối đáp ứng được yêu cầu. Nhưng việc dự báo mưa định lượng đang còn là một thách thức lớn không chỉ ở Việt Nam mà cả ở các nước tiên tiến. Dự báo được mưa bao nhiêu milimet, mưa ở đâu, vào thời điểm nào... vẫn đang còn phải được đầu tư nghiên cứu.
Lực lượng chức năng tìm kiếm các nạn nhân bị đất đá vùi lấp ở bản Nậm Há 1, xã Noong Hẻo, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu sau trận mưa lũ gây lở đất cuối tháng 6 vừa qua - Ảnh: Yến Chi |
Còn những bản tin dự báo về lũ quét, lũ ống hiện nay thì sao, thưa ông?
Vấn đề dự báo lũ quét, sạt lở đất lại hoàn toàn khác. Lũ quét có nhiều nguyên nhân, trong đó mưa lớn chỉ là một khía cạnh. Lũ quét xuất hiện do sự “nổ” quả “bom nước” nghẽn dòng làm nước mưa tích lại một cách không mong muốn ở phía thượng nguồn của các dòng suối. Các dòng suối này có thể chỉ là những suối cạn, thậm chí không có nước vào mùa khô. Khi bị đất đá, cây cối, vật cản... chặn ngang dòng, những “con đập” vắt ngang các con suối này có thể được hình thành mà thường ngày không ai để ý. Nhưng nếu có mưa, nhất là mưa lớn, mưa kéo dài nhiều ngày, nước ở phía trên bị tích lại, chẳng khác gì một “hồ thủy điện”. Nếu lượng nước tích lại lớn đến mức các đập này không chịu nổi tải, nó sẽ vỡ và lũ quét hình thành. Ngoài ra, việc mất lớp phủ rừng đầu nguồn cũng là nguyên nhân quan trọng làm gia tăng nguy cơ lũ quét do gia tăng dòng chảy mặt khi mưa. Do đó, rất khó để có thể dự báo được lũ quét. Sạt lở đất lại liên quan đến nền địa chất và lớp phủ thực vật.
Có thể nói rằng, về lũ quét không dự báo được mà chỉ có thể “cảnh báo” nguy cơ xảy ra.
Trước địa hình phức tạp, từng có nhiều đề xuất xây dựng hệ thống thiết bị cảnh báo tự động về thiên tai tại Việt Nam, theo ông đề xuất này có khả thi?
Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm này. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam, nhận thức của cộng đồng về việc bảo vệ, duy trì và điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo cho sự hoạt động ổn định của hệ thống này là vấn đề nan giải. Đấy là chưa nói đến yếu tố phá hoại và chất lượng của các thiết bị được trang bị.
Cảm ơn ông!
Sạt lở, lũ ống, lũ quét là loại hình thiên tai rất nguy hiểm. Trượt lở dẫn đến lũ ống và từ đó gia tăng lũ quét. Chúng không chỉ có nguồn gốc từ khí hậu mà còn có nguồn gốc địa chất, địa hình, các yếu tố con người. Thêm các tác động chưa được kiểm soát tốt như nạn phá rừng, nạn đào phá sườn đồi núi, chẹn lấp sông suối. Vì vậy, rủi ro sạt lở, lũ ống, lũ quét gia tăng là điều không thể tránh khỏi. Việc di dời dân cần khu đất an toàn cho nơi ở mới và đảm bảo sinh kế cho đồng bào. Ở nhiều huyện miền núi, số khu vực an toàn rất hiếm. Kể cả những khu tưởng chừng an toàn như TX Lai Châu của tỉnh Lai Châu cũ và TP Sơn La đã từng xảy ra lũ quét chết nhiều người. Vì vậy, bên cạnh việc di dời dân cũng cần đầu tư cho các biện pháp bảo vệ các khu vực khả dĩ còn ở lại được. Chúng ta đã có các điều tra cảnh báo thiên tai ở dạng các bản đồ về rủi ro trượt lở, lũ ống, lũ quét cho nhiều vùng, nhiều địa phương. Tuy nhiên, phần lớn các tài liệu này được làm cho các cấp tỉnh, huyện. Còn rất ít những tài liệu cụ thể cho các xã thôn bản, để người dân có thể tự biết mình bị nguy hiểm mà phòng bị. Ngoài ra, hệ thống dự báo, cảnh báo về sạt lở, lũ quét thường xuyên phát trên các bản tin khi có mưa lớn cũng rất cần thiết để mọi người đề phòng. Tuy vậy, nó không đủ cụ thể để người dân ở một làng bản có thể biết thiên tai nào sẽ xảy ra với họ, xảy ra ở đâu và khi nào để ứng phó. Giải pháp phòng chống phù hợp phải dựa trên đặc thù của thiên tai. Đối với bão, lũ lụt xảy ra trên quy mô rộng, diễn biến nhiều ngày, ta có thể huy động các nguồn lực, kiểu như dàn một trận đánh lớn. Tuy nhiên, đối với trượt lở, lũ ống, lũ quét thường xảy ra ở vùng núi, trên các địa hình phân cắt, khó tiếp cận. Chúng lại xuất hiện nhanh, bất ngờ, với nhiều chủng loại khác nhau, tàn phá ác liệt. Vì vậy, phải có lực lượng tại chỗ, ngay ở cấp thôn bản, đủ khả năng phát hiện và ứng phó. Các đơn vị này cần được huấn luyện, trang bị các thiết bị tối thiểu để phát hiện sớm các dấu hiện của thiên tai, thông tin tới các cấp và cảnh báo tại chỗ cho dân... Hoàng Ngân (Ghi)
Để ngăn mưa lũ gây hậu quả nặng nề, cần điều tra, lập ra những vùng có nguy cơ sạt lở để nắm chắc thông tin và thường xuyên cảnh báo. Năm nào chúng tôi cũng rà soát toàn tỉnh có bao nhiêu điểm có nguy cơ sạt lở, có bao nhiêu đối tượng cần di dời khẩn cấp. Tuy nhiên, có những chỗ cảnh báo nhiều năm không có vấn đề gì, có những chỗ không cảnh báo lại “dính”. Quan trọng phải chọn được chỗ cho dân làm nhà an toàn. Để làm được điều đó, cần đánh giá được địa chất ở các khu vực và cần có những đề tài nghiên cứu khoa học. Để hạn chế thiệt hại về thiên tai, tôi nghĩ hàng năm các ngành chức năng, trong đó có ngành nông nghiệp và tài nguyên môi trường sẽ phải đánh giá toàn bộ các vùng có nguy cơ sau đó cảnh báo, đồng thời tổ chức lại hệ thống Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão của tỉnh đến cấp thôn, bản. Nếu như chỉ dừng lại ở cấp xã như hiện nay, trong khi sạt lở lại xảy ra ở thôn bản thì công tác cảnh báo không hiệu quả. Đồng thời, cần có nguồn ngân sách hỗ trợ người dân tại thôn bản làm công việc chuyên trách về cảnh báo. Yến Chi (Ghi) |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận