8 năm tâm huyết để bệnh nhân hài lòng hơn
Theo Bộ trưởng Tiến, sau 8 năm làm Bộ Y tế, bà đã dành tâm huyết, đưa ra nhiều chính sách đổi mới toàn diện, “kết quả cả ngành hài lòng và toàn dân hài lòng hơn, đó là kết quả lớn nhất”, bà Tiến nói, đồng thời cũng khẳng định có được kết quả đó, là nhờ Quốc hội, Chính phủ hỗ trợ chính sách rất nhiều, ngành quyết liệt và sáng tạo, các chính sách hội nhập quốc tế nhưng được vận dụng cụ thể, sáng tạo ở điều kiện Việt Nam.
Nêu cụ thể hơn những vấn đề mà bản thân cảm thấy hài lòng trong thời gian lãnh đạo Bộ Y tế, bà Tiến cho biết, đó là tăng sự hài lòng của người dân và chất lượng dịch vụ; BHYT lo cho cả người nghèo, người khó khăn; Chính sách mua 100% mệnh giá cho người nghèo và người cận nghèo 70%... Những kết quả này, được UNDP đánh giá độc lập, minh bạch.
Trả lời câu hỏi: “Rời cương vị này, Bộ trưởng Y tế có gì trăn trở khi bản thân muốn làm tốt hơn nhưng vì nhiều lý do chưa làm được?”, bà Tiến cho biết, cái đang làm có thể tốt hơn chính là y tế cơ sở và chăm sóc cho người khỏe, giai đoạn này đang tập trung.
“Vừa rồi, ngành y tế tập trung đầu tư nhiều bệnh viện, cơ sở hạ tầng ngành y tế là để “hạ hỏa” quá bức xúc của người dân”, bà Tiến nói.
Về chăm sóc cho người khoẻ, theo Bộ trưởng Y tế, số người bị bệnh chỉ chiếm 5-10% dân số, còn lại chúng ta cần chăm sóc, dự phòng, phát hiện bệnh sớm và lối sống phòng bệnh, nhất là các bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư... Cái đó phải gắn với y tế cơ sở, tiến tới y tế toàn dân – là mơ ước của Liên hiệp quốc và y tế thế giới.
“Chính phủ quan điểm không để lại ai phía sau, người nghèo cũng được chữa bệnh, nên công tác y tế cơ sở cần đặc biệt chú trọng”, bà Tiến nói.
Nói về những việc mà “đến nay còn trĩu nặng tâm tư”, nữ Bộ trưởng duy nhất trong nhiệm kỳ này cho biết, ở cơ sở, nhiều công trình y tế xây dựng chưa xong sớm để phục vụ dân tốt hơn. Hai là một số vấn đề về dược đang giải quyết, khiến “mình cũng bị thị phi”.
“Có thông tin có thể không trung thực, chính xác qua mạng ngoài lề, nhưng cơ quan chức năng sẽ làm công minh, đúng người đúng tội, đúng việc, không oan sai”, bà Tiến nói.
“Những thứ phải lo cho dân thì rất nhiều thứ, mà trách nhiệm thì giải quyết mâu thuẫn này lại phát sinh mâu thuẫn khác”, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lý giải.
Áp lực công việc rất kinh khủng
Từ chối tự chấm điểm cho bản thân trong quá trình đảm đương trọng trách Bộ trưởng Y tế, nhưng nữ Bộ trưởng trải lòng: “có thời gian, áp lực công việc rất khủng khiếp”.
“Tôi không tự chấm cho mình được, có ai tự chấm điểm cho mình được đâu. Tôi chỉ biết trong thời gian đó anh em toàn ngành, từ các bệnh viện, sở y tế, trạm y tế thì áp lực công việc rất kinh khủng, nhiều lúc áy náy vì áp lực cho anh em nhiều quá, thay đổi nhiều quá. Nhưng đến lúc có kết quả thì Giám đốc Sở, Giám đốc Bệnh viện tỉnh, huyện rất hạnh phúc, cứ dẫn mình đi đến các bệnh viện cơ sở khoe đã làm được những gì, trên chỉ đạo thế nào dưới làm đúng như thế. Từ cái lớn đến nhà vệ sinh, đi thăm bệnh nhân ai cũng ôm lấy và bảo giờ đỡ lắm rồi Bộ trưởng ạ”, Bộ trưởng Tiến phấn khởi chia sẻ và đề nghị, phải hỏi người dân để biết được kết quả ngành y tế đã làm đến đâu.
Bà Tiến cũng cho rằng, Bộ trưởng nào cũng phải vất vả, khi mình muốn động lực làm việc thì phải đặt mình vào vị trí của người đó, mới thấm hiểu được. “Áp lực là rất lớn, nhưng mình nghĩ rằng, cái đó là quy luật của cuộc sống, không thể buông bỏ. Muốn vậy phải siêng nhặt chặt bị, lấy cần cù bù thông minh, phải có thời gian, luôn đặt niềm tin và nỗ lực hết sức, nhưng mà cũng phải có một chiến lược bài bản. Và có hệ thống cấu trúc từng bước cái nào giải quyết trước cái nào giải quyết sau, đồng thời phải tranh thủ rất nhiều, học tập kinh nghiệm của nước ngoài...", Bộ trưởng tâm sự.
Cho biết rời cương vị Bộ trưởng Y tế để đảm nhiệm công việc khác, bà Tiến khẳng định, trong khuôn khổ nhiệm vụ của mình, sẽ tiếp tục nỗ lực hết sức, phải có những sản phẩm dù bé nhỏ nhưng có ích.
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV sẽ chứng kiến sự thay đổi 2 lãnh đạo cấp cao, một nhân sự do Quốc hội bầu, một nhân sự do cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước phê chuẩn. Cụ thể, sáng 25/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế. Sau khi thảo luận ở các đoàn đại biểu Quốc hội, chiều cùng ngày Quốc hội nghe kết quả thảo luận và phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Cũng trong sáng 25/11, Quốc hội sẽ triển khai quy trình miễn nhiệm Uỷ viên uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định. Nội dung này do UB Thường vụ Quốc hội trình. Việc miễn nhiệm chức danh cũng được tiến hành bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Sau đó, sáng 26/11, Quốc hội sẽ bầu Ủy viên UB Thường vụ Quốc hội bằng hình thức bỏ phiếu kín. Phần nội dung nhân sự này thì có quy trình bầu Chủ nhiệm mới của UB Pháp luật thay ông Định. Nghị quyết bầu Chủ nhiệm UB Pháp luật mới được thông qua chiều cùng ngày.
Nội dung phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Y tế với bà Nguyễn Thị Kim Tiến và miễn nhiệm Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội đối với ông Nguyễn Khắc Định được cho chỉ là vấn đề thủ tục khi thực tế, ông Định đã chính thức nhận nhiệm vụ mới là Bí thư Tỉnh uỷ Khánh Hoà, theo quyết định phân công của Bộ Chính trị.
Còn bà Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã khẳng định bà đảm nhiệm vị trí công tác mới là Trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương.
Trao đổi về lý do Quốc hội tiến hành thủ tục miễn nhiệm Bộ trưởng Y tế dù vẫn còn hơn một năm nhiệm kỳ công tác nữa, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu 2 thông tin, ngoài việc bà Tiến được điều chuyển đảm nhiệm cương vị mới thì còn yếu tố nữ Bộ trưởng đã đến tuổi nghỉ hưu. Bà Nguyễn Thị Kim Tiến sinh năm 1959, năm nay tròn 60 tuổi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận