Xã hội

Bà Nguyệt Hường viết gì trong đơn xin rút khỏi Quốc hội?

18/07/2016, 14:54

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường gửi đơn xin rút không làm Đại biểu Quốc hội vì không đủ điều kiện để làm.

NguyetHuongthumb

Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Nguyệt Hường - ĐBQH khoá XIII

Thông tin này được ông Nguyễn Hạnh Phúc đưa ra trong cuộc trao đổi với báo giới bên lề Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác bầu cử trong cả nước nhằm đánh giá đầy đủ, toàn diện về cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021, diễn ra sáng nay (18/7).

Về trường hợp của ĐBQH khoá XIII – bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, người mà Hội đồng bầu cử quốc gia vừa xác nhận không đủ tư cách ĐBQH khoá XIV tại phiên họp bất thường chiều 17/7, Tổng thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, quy trình hiệp thương hay giới thiệu bà Hường ứng cử đều được thực hiện đúng, chỉ có điều “người trong cuộc” nói dối, giấu diếm thôi.

“Như trường hợp bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, nếu biết thông tin bà Hường xin nhập quốc tịch Malta thì Hội đồng bầu cử quốc gia cũng xem xét, quyết định không công nhận tư cách đại biểu ngay trong cùng phiên họp thứ 7 cùng trường hợp của ông Trịnh Xuân Thanh, chứ sao phải chuyển họp trong phiên sau nữa? Thông tin nhận được về bà Hường là sau phiên họp thứ 7 của Hội đồng bầu cử Quốc gia” – ông Phúc cho biết và lưu ý thêm, đây cũng là lời cảnh báo với mọi cá nhân, cần gỡ “cái mũ” ĐBQH ra, không thể lấy danh nghĩa đại biểu, lợi dụng mác đại biểu để làm những việc khuất tất.

Về câu hỏi có phải trong đơn xin rút không làm ĐBQH của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, bà Hường đưa ra lý do sức khoẻ không , ông Phúc cho hay, lý do nêu trong đơn xin rút không làm ĐBQH của bà Nguyệt Hường là “thấy bản thân không đủ điều kiện để làm ĐBQH thì xin không làm nữa”. Đơn này được bà Hường gửi trước khi Hội đồng bầu cử quốc gia họp xem xét tư cách đại biểu của người này và đây cũng là một lý do để Hội đồng xem xét.

“Hội đồng bầu cử quốc gia họp phiên 8 là để xem xét tiêu chuẩn cũng như xem xét đơn gửi của bà Hường, nhận thấy bà Hường không đủ tiêu chuẩn làm đại biểu Quốc hội nên Hội đồng đã ra Nghị quyết không công nhận tư cách đại biểu Quốc hội với người này” – ông Phúc nói rõ.

Hỏi về các vi phạm khác của nữ ĐB này, ông Nguyễn Hạnh Phúc xác nhận, chỉ riêng việc bà Hường đăng ký hai quốc tịch đã là vi phạm pháp luật và đủ căn cứ để xử lý rồi, không cần lý do nào nào khác. Còn có vi phạm hay không thì chưa biết, những vấn đề tiếp theo thì các cơ quan chức năng sẽ làm tiếp.

Nhập quốc tịch Malta phải chi gần 1 triệu USD

Cộng hòa Malta ở vùng Địa Trung Hải chính thức triển khai chương trình mua bán quốc tịch, mang tên Citizenship for cash (CFC). Hiểu nôm na là bán quốc tịch hay có tiền là có quốc tịch. Chương trình này dấy lên sự lo ngại về an ninh toàn cầu, nhất là nạn nhập cư trái phép vào các nước Âu -Mỹ.

Để mua được quốc tịch Malta, khách hàng phải thỏa mãn một số tiêu chí như, phải trả khoản tiền mặt lên tới 891.000 USD, phải có tài sản hoặc mức đầu tư làm ăn tại Malta trị giá lên tới  685.000 USD.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường sinh năm 1970 tại Nam Định, là một nữ doanh nhân có quá trình hoạt động trong cơ quan dân cử khá dài (ĐBQH khóa XII, XIII, đại biểu HĐND TP Hà Nội từ 1999 - 2011).

Trong đợt bầu cử vừa rồi, bà Nguyệt Hường ứng cử tại đơn vị bầu cử số 5 TP Hà Nội (gồm các huyện Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đan Phượng, Hoài Đức), trúng cử với tỷ lệ tín nhiệm cao nhất (78,51%). 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.