Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2011 - 2020 và xây dựng Chiến lược 10 năm 2021 - 2030 đánh giá, khu vực tư nhân đóng góp ngày càng lớn và trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Làm thế nào để kinh tế tư nhân (KTTN) có những đóng góp lớn và chủ đạo cho nền kinh tế? Báo Giao thông trao đổi với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan xung quanh vấn đề này.
Bà Phạm Chi Lan cho biết:
Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể thấy chủ trương, chính sách của chúng ta với khối KTTN rất đúng hướng. Nhờ vậy, đã góp phần hình thành thêm nhiều doanh nghiệp tư nhân (DNTN) có thể sánh vai với khu vực, thế giới mà bằng chứng là chúng ta có tới 5 tỷ phú USD.
Nhìn vào danh sách 500 doanh nghiệp lớn của Việt Nam cho thấy, tỷ trọng DNTN trong nước cao hơn nhiều so với trước đây. Chúng ta thấy nhiều DN lớn là tư nhân khi mà trước đây chỉ có DN nhà nước là DN lớn.
DNTN góp mặt ngày càng nhiều trong những dự án tầm cỡ như sân bay, bến cảng, các khu đô thị quy mô… Đáng nói, các sản phẩm do DNTN làm khá vượt trội về quy mô, cách thức, chất lượng, vận hành, thể hiện việc phát triển của họ gắn với sự tính toán, được nghiên cứu bài bản, dài hạn.
Đối với ngành công nghiệp cũng thay đổi mạnh mẽ với hơn 50% tổng tài sản công nghiệp Việt Nam thuộc sở hưu tư nhân. Những tên tuổi DNTN nổi bật trong ngành công nghiệp ô tô như: Trường Hải, Vinfast, Thành Công… đã xếp ngang hàng nhiều tên tuổi vốn chỉ là các DN FDI…
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, KTTN cũng đã chiếm ưu thế ở những sản phẩm được đầu tư công nghệ, có hàm lượng cao cả về chất lượng, giá cả, điển hình như loại gạo ngon nhất thế giới ST25... Trong khi lấy ví dụ ngành cao su nằm trong tay DNNN rất bấp bênh do chưa được nghiên cứu thấu đáo, trên cơ sở nhu cầu thực sự của thị trường cũng như lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng...
Trong các ngành dịch vụ khác như ngân hàng, tài chính, tư nhân cũng đã chiếm hơn 51% thị trường cũng như nhiều giải thưởng về công nghệ, quản trị...
Không thể không kể đến sự đóng góp của KTTN đã giúp du lịch nổi lên như một ngành có lợi thế của Việt Nam với nhiều điểm đến xuất hiện trên “bản đồ” du lịch của thế giới.
Kết quả này nhờ sự nỗ lực từ cả Chính phủ trong việc thay đổi môi trường kinh doanh và thế hệ doanh nhân mới được đào tạo bài bản, giàu khát vọng, bản lĩnh và tài năng.
KTTN hiện đang đóng góp 43% GDP, tạo việc làm cho 85% lao động. Đóng góp của lực lượng này mang ý nghĩa thế nào, thưa bà?
Chuyên gia Phạm Chi Lan: Mặc dù có sự phát triển mạnh mẽ nhưng đến nay DNTN có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa vẫn chiếm đến hơn 97%, chưa tính hơn 5,4 triệu hộ kinh doanh cá thể.
Nói về quy mô của DNTN, anh Trần Đình Thiên (nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) hay nói vui là DN Việt Nam ngày càng “li ti hoá”. Để có thể phát triển lên quy mô vừa, DN phải mất 10 - 20 năm trời, nhưng mấy năm gần đây có hiện tượng tương đối thành công lại rút khỏi thị trường bằng cách sáp nhập hoặc “bán mình”, chủ yếu cho đối tác ngoại.
Sở dĩ nhiều doanh nhân rút lui khỏi thị trường theo cách ấy, tôi cho rằng, do niềm tin kinh doanh còn thấp và bấp bênh với khối này. Thiếu niềm tin ở năng lực của bản thân, ở môi trường kinh doanh và sự bảo vệ của luật pháp khiến nhiều người kinh doanh chỉ nhằm mưu sinh và chỉ dám làm cầm chừng, cốt cho “đủ ăn” hơn là dám làm lớn hay làm ăn dài hạn! Đó là điều rất đáng tiếc.
Một số DNTN có quy mô lớn phần nhiều nhờ thị trường đất đai bùng nổ sau khi nước ta gia nhập WTO. Hầu hết trong số này đầu tư, kinh doanh bất động sản và tích tụ tài sản từ đất, nhờ sử dụng mối quan hệ thân hữu với một số cá nhân và cơ quan nhà nước - nơi có quyền phân bổ đất đai là thứ tài nguyên được hiến định thuộc sở hữu toàn dân và do nhà nước quản lý, phân bổ.
Vài năm gần đây mới bắt đầu có một số DNTN quy mô lớn chuyển một phần đầu tư sang các lĩnh vực khác đa dạng hơn, như công nghiệp chế tạo, năng lượng, các dịch vụ ngân hàng, thương mại, vận tải, y tế, giáo dục, hay công nghệ nhưng lĩnh vực mới này chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ.
Phác thảo vài nét như vậy để thấy rằng, dù có nhiều thành tựu nhưng sự phát triển của KTTN tại Việt Nam vẫn còn nhiều “gót chân A-sin” lắm!
Để KTTN có thể trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế như dự thảo chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2021 - 2030; trong đó tỷ trọng đóng góp cho GDP tăng lên 60 - 65% với sự góp mặt của 2 triệu DN, theo bà, chiến lược của chúng ta có cần gì điều chỉnh, bổ sung?
Chuyên gia Phạm Chi Lan: Tôi cho rằng, chiến lược cần xác định rõ nội hàm các khái niệm, đặc biệt xác định rõ vai trò của các lực lượng, thành phần kinh tế bao gồm Nhà nước, FDI (đầu tư nước ngoài) và tư nhân. Chỉ khi vai trò được xác định rõ ràng trong chiến lược, Chính phủ mới có thể xây dựng rõ ràng, cụ thể hóa chính sách phát triển KTTN nói riêng, kinh tế nói chung.
Nhưng theo quan điểm của tôi, văn kiện phải định hướng xây dựng một môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các DN - đây là tiền đề số 1.
Thực tế hiện nay, khối DNNN vẫn đang được hưởng nhiều đặc quyền trong tiếp cận các nguồn lực và giành thương quyền trong các lĩnh vực và dự án có khả năng sinh lời cao. Trong khi không ít DNNN đã trở thành gánh nặng cho cả nền kinh tế, khi họ làm ăn thua lỗ, nợ nần kéo dài, khiến các nguồn lực họ nắm giữ bị sử dụng kém hiệu quả, làm tăng chi phí và giá cả các sản phẩm họ cung cấp cho xã hội, đồng thời tước đi cơ hội và nguồn lực kinh doanh của các DN khác, đặc biệt là khu vực KTTN.
FDI cũng được quan tâm thu hút bằng nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên, ưu đãi, đặc biệt các ưu đãi về thuế, tiếp cận đất đai và giá cả đầu vào (giá thuê đất, giá năng lượng, phí môi trường…), quy định về điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, thanh tra kiểm tra. Trong khi đó, liên kết giữa FDI với DN nội địa khá yếu, chưa tạo được sự lan tỏa và hiệu quả chuyển giao công nghệ từ FDI tới khu vực KTTN cũng thấp xa so với mong đợi.
Nhìn đi nhìn lại, DNTN Việt Nam bị chèn ép nhiều bề nên rất khó có thể lớn lên được. Quyền tiếp cận các nguồn lực, thương quyền và cơ hội kinh doanh của họ bị thu hẹp, thậm chí bị tước đoạt bởi những DN được ưu đãi một cách không sòng phẳng.
Họ phải trả giá cao hơn cho nhiều tài nguyên và sản phẩm do những nhóm lợi ích thao túng thị trường, đặc biệt về đất đai, mặt bằng sản xuất - kinh doanh, chi phí vận tải... làm đội giá thành và giảm lợi nhuận của họ. Biên độ lợi nhuận quá nhỏ bé và bấp bênh khiến các DNTN càng khó có khả năng đầu tư phát triển và ít dám nghĩ đến làm ăn lớn hay lâu dài.
Do vậy, để mong muốn kinh tế tư nhân đóng vai trò động lực quan trọng của nền kinh tế, thì bên cạnh nỗ lực của bản thân các DN trong khu vực này, việc tạo lập một môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng, lành mạnh phải là tiền đề số 1.
Bên cạnh đó, các DNTN lớn phải đi đầu tư công nghệ, giữ vai trò đầu tầu, trụ cột để hợp tác, kết nối kéo DN vừa và nhỏ chứ không phải họ đi đằng họ, sống chết mặc bay.
Về phía DNTN, theo bà phải nỗ lực ra sao, ngay cả khi nhiều chính sách chưa thể điều chỉnh, hoàn thiện như họ mong muốn?
Chuyên gia Phạm Chi Lan: Việc quan trọng nhất là nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh. Muốn vậy đòi hỏi các doanh nhân phải nỗ lực học hỏi và sáng tạo về công nghệ, quản trị. Covid-19 là một phép thử khắc nghiệt, các doanh nghiệp buộc phải đối mặt với áp lực và cũng là động lực đổi mới từ sản phẩm, chiến lược kinh doanh, quản trị đến công nghệ.
Bên cạnh đó, thế giới đang có sự dịch chuyển chuỗi cung ứng để hạn chế vào thị trường Trung Quốc thì đây là một cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam. Muốn vậy, DNTN nói riêng và DN Việt Nam nói chung phải nhanh chóng tiếp cận, chuyển đổi và đón bắt.
Tuy nhiên, để DNTN thực hiện được điều đó, vẫn cần có ‘bàn tay” Nhà nước, bằng việc tập trung thực hiện bằng được hai việc lớn: Đầu tiên là phải tăng cường các thể chế thị trường - tức thiết lập rõ ràng, minh bạch, có thể tiên liệu được và được thi hành nghiêm túc các “luật chơi”.
Đi kèm dó, phải nâng cao chất lượng của bộ máy và con người, tăng cường ý thức trách nhiệm, kỷ cương, chế tài trong hệ thống nhà nước, tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong thiết kế và thực thi chính sách.
Việc thứ hai là phải tự do hóa thị trường các nhân tố sản xuất, bao gồm các thị trường như tài chính (hiện DNTN đang phải chịu chi phí tài chính khá đắt đỏ); thị trường đất đai; thị trường lao động và thị trường khoa học và công nghệ.
Cảm ơn bà!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận