Ngày 22/12, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức hội nghị Công bố quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, tỉnh xác định xây dựng Bạc Liêu phát triển toàn diện kinh tế biển, là trung tâm công nghiệp tôm, một trong những trung tâm sản xuất và xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước.
Đặc biệt là phát triển ba hành lang kinh tế. Cụ thể, quốc lộ 1 là hành lang kinh tế động lực quan trọng nhất, chạy dọc qua thành phố Bạc Liêu, huyện Vĩnh Lợi, thị xã Giá Rai, huyện Hòa Bình, huyện Đông Hải, kết nối Bạc Liêu với tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Cà Mau, hướng tới cảng Trần Đề - Sóc Trăng.
Hành lang kinh tế Quản Lộ - Phụng Hiệp, chạy dọc qua các huyện Phước Long, Hồng Dân, kết nối Bạc Liêu với tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Cà Mau.
Hành lang kinh tế ven biển, chạy dọc theo đường bộ ven biển và tuyến hàng hải ven biển Đông; kết nối trực tiếp vùng biển ba tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu - Sóc Trăng.
"Bên cạnh đó, hình thành thêm ba trục liên kết phát triển, gồm: thành phố Bạc Liêu - Ninh Quới - Ngan Dừa (chạy dọc theo tuyến cao tốc quy hoạch Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu; nối quốc lộ 1 với cao tốc Cần Thơ - Cà Mau).
Trục liên kết Gành Hào - Giá Rai - Phó Sinh - Cạnh Đền (chạy dọc theo quốc lộ 63B; nối cảng Gành Hào với thị xã Giá Rai đi Phó Sinh - Cạnh Đền); trục liên kết Hòa Bình - Phước Long - Hồng Dân (chạy dọc theo đường tỉnh ĐT979, nối đường bộ ven biển với quốc lộ 1 và đường Quản Lộ - Phụng Hiệp)", ông Thiều thông tin thêm.
Cũng theo ông Thiều, tỉnh định hướng phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển.
"Nâng cấp, mở rộng hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh, đảm bảo kết nối, lưu thông thông suốt.
Các tuyến đường tỉnh đạt tiêu chuẩn tối thiểu cấp IV đồng bằng. Các tuyến đường huyện được cứng hóa 100%, đạt tiêu chuẩn tối thiểu cấp V đồng bằng; xây dựng đồng bộ mạng lưới điểm đấu nối vào các tuyến cao tốc, quốc lộ", ông Thiều nhấn mạnh.
Theo nội dung quy hoạch, tỉnh Bạc Liêu phấn đấu, đến năm 2030, trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển, phát triển đột phá các ngành kinh tế biển, nhất là kinh tế thủy sản, năng lượng tái tạo, du lịch; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, kết nối thuận lợi với các địa phương trong vùng, cả nước và quốc tế.
Tỉnh Bạc Liêu chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền vùng biển; mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Đến năm 2050, tỉnh Bạc Liêu phấn đấu là tỉnh khá trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; mạnh về kinh tế biển, với ba trụ cột chính là năng lượng, thủy sản và du lịch; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng số phát triển đồng bộ, hiện đại...
Theo quyết định quy hoạch tỉnh Bạc Liêu, đến năm 2030, tỉnh Bạc Liêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân 9,5 - 10,5%/năm; quy mô GRDP năm 2030 gấp 3,5 - 4 lần so với năm 2020.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn đạt khoảng 2 tỷ USD (trong đó xuất khẩu tôm đạt khoảng 1,7 tỷ USD); năng suất lao động xã hội tăng bình quân khoảng 8-8,5%/năm; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh tăng 17 - 18%/năm.
Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân hàng năm 1%; tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới; 100% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao…
Đến năm 2030, các tuyến sẽ được đầu tư cải tạo, nâng cấp tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp IV, quy mô hai làn xe. Sau năm 2030, tất cả các tuyến đường tỉnh đạt cấp III đồng bằng.
Đối với các tuyến đường tỉnh, gồm mở mới, chuyển các tuyến đường huyện thành đường tỉnh: Xây dựng với quy mô tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp IV, các công trình vượt sông trên tuyến đạt tiêu chuẩn HL93. Sau năm 2030, đạt cấp III đồng bằng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận