Thời gian gần đây, tại khu vực tuyến nhánh sông Lục Nam, đoạn chảy qua các thôn Đồng Rãng và Đồng Láy, xã Kim Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang xuất hiện 3 điểm khai thác vàng sa khoáng và cát, sỏi trái phép. Điều đáng nói là việc này có trách nhiệm rất lớn từ chính quyền địa phương.
Ngang nhiên đục khoét bờ bãi, lòng sông
PV Báo Giao thông đã trực tiếp thông tin vụ việc đến các ông Nguyễn Việt Oanh, Bí thư Huyện ủy; Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn về thực trạng khai thác vàng, cát sỏi đục khoét lòng sông Lục Nam. 2 vị lãnh đạo huyện khẳng định đã chỉ đạo Công an huyện Lục Ngạn vào cuộc kiểm tra, xử lý.
Đại tá Trần Văn Dĩnh, Trưởng Công an huyện Lục Ngạn cho biết, đơn vị đã cử Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế xuống lập biên bản tạm giữ máy móc, giao vụ việc cho Công an xã xử lý theo thẩm quyền.
Những ngày cuối tháng 12/2019, PV Báo Giao thông đã liên tục có mặt, theo chân người dân địa phương tận mắt “mục sở thị” các điểm khai thác khoáng sản trái phép ở xã Kim Sơn, huyện Lục Ngạn mà theo phản ánh của người dân, đã xuất hiện khoảng 3 tháng nay
Khoảng 15h ngày 24/12, tại đoạn sông phía sau điểm trường tiểu học thôn Đồng Láy, các đối tượng tự ý dùng máy múc, sàng cát khai thác cát, sỏi giữa lòng sông. Hiện nay, vẫn còn hàng nghìn m3 cát, sỏi đã được sàng tuyển, thu gom thành đống cao như núi giữa lòng sông.
Tương tự, cách đó khoảng 1km, tại thôn Đồng Rãng, xã Kim Sơn cũng có một máy múc công suất lớn liên tục ngoạm bãi ven sông để khai thác vàng sa khoáng.
Theo người dân, phương thức hoạt động của các đối tượng này là mua đất bãi ven sông của người dân trong thôn rồi dùng máy múc san gạt, bóc hết lớp đất màu phía trên để đào, đãi vàng. Nhiều thời điểm, tại khu vực này có cả chục phu vàng khai thác. Hiện trường cho thấy, bờ sông bị khoét sâu, mở rộng thành vũng lớn, đất đá thải chất đống giữa dòng.
Điểm khai thác thứ 3 nằm tại khu vực chuồng bò, thôn Đồng Rãng, trên lòng sông rộng khoảng 200m, các đối tượng còn ngang nghiên mở đường cho ô tô, máy múc lưu thông khai thác khoáng sản giữa lòng sông. Cát, sỏi sau khi tuyển chọn được các ô tô trọng tải lớn vận chuyển lên một bãi rộng hàng nghìn m2 được lập trái phép ngay trên bờ trước khi vận chuyển đến nơi tiêu thụ.
Ông N.V.T, một người dân thôn Đồng Láy, xã Kim Sơn cho biết: Cứ đà này, không lâu nữa nguồn tài nguyên khoáng sản sẽ cạn kiệt, lòng sông bị đục ruỗng làm thay đổi dòng chảy, sạt lở bờ bãi, đe dọa cuộc sống, sản xuất của người dân.
Theo người dân, nhóm đối tượng khai thác vàng sa khoáng và cát, sỏi trái phép ở đây trú tại các xã Biển Động và Giáp Sơn (cùng huyện). Đặc biệt, một số điểm, các đối tượng còn cố tình đào khoét gần bờ làm sạt lở diện tích đất bãi ven sông để gây sức ép, buộc người dân phải bán rẻ diện tích, mở rộng địa điểm khai thác.
“Mời về làm đường, làm xong đuổi không đi” (?)
Trao đổi với PV Báo Giao thông, những người khai thác khoáng sản tại đây cho biết, không phải họ tự ý khai thác trái phép mà được người dân và chính quyền mời đến thực hiện.
Ông Bằng Văn Ba (trú thôn Đồng Quan 1, xã Tân Lập, huyện Lục Ngạn), chủ điểm khai thác cát, sỏi tại thôn Đồng Rãng cho biết: “Tôi được chính quyền địa phương và người dân mời về khai thác, lấy sỏi phục vụ việc cứng hóa đường giao thông trên địa bàn. Đúng là chúng tôi có vận chuyển đến nơi khác bán vì người dân chỉ lấy sỏi, không có nhu cầu sử dụng cát nên cứ để đó nước sông sẽ cuốn trôi đi nơi khác thì quá lãng phí”.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Bàng Văn Nhì, Bí thư Đảng ủy xã Kim Sơn cho biết, những thông tin trên là đúng. “Gia đình tôi ở ngay bờ sông tại thôn Đồng Rãng nên biết rõ các điểm khai thác trái phép này. Trong đó, điểm khai thác vàng sa khoáng đã hoạt động nhiều tháng nay, các đối tượng lợi dụng hợp đồng san gạt ruộng gần bờ sông của gia đình ông Dương Văn Sỹ, thôn Đồng Rãng để đào khoét, mở rộng lòng sông khai thác vàng”, ông Nhì nói.
Ông Nhì cho biết, đã nhiều lần chỉ đạo UBND xã cử Công an xã và cán bộ địa chính xuống kiểm tra, đẩy đuổi các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép. Ngay sáng 23/12, cán bộ địa chính xã đã xuống lập biên bản yêu cầu tạm dừng khai thác. Trước đó 1 tuần, Công an xã cũng xuống kiểm tra, đẩy đuổi nhưng họ vẫn trở lại khai thác. “Tôi đang yêu cầu UBND xã báo cáo cụ thể”, ông Nhì thông tin.
Ông Nhì cũng xác nhận, 2 điểm khai thác cát, sỏi còn lại ban đầu là do người dân và chính quyền “mời” các đối tượng về để phục vụ việc cứng hóa, đổ bê tông đường làng, ngõ xóm. “Theo quy định thì điều này không được phép nhưng lúc đó, chúng tôi chỉ nghĩ người dân quá nghèo, không có khả năng đóng góp làm đường giao thông nên nhờ những người có máy móc, năng lực về khai thác giúp để cứng hóa đường. Khi nào đường làm xong sẽ yêu cầu họ ngừng khai thác, trả lại mặt bằng. Tuy nhiên, đến nay, các tuyến đường trong xã đã xây dựng xong, chúng tôi đã nhắc nhở nhiều lần nhưng những người này không chịu di chuyển máy móc, tiếp tục ở lại khai thác kiếm lời. Tôi đã yêu cầu UBND xã và Công an xã báo cáo, đề nghị UBND và Công an huyện Lục Ngạn vào cuộc xử lý theo quy định”, ông Nhì nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận