Chính trị

Bác Hồ và bài học không phạm đến tiền ngân sách

03/02/2019, 10:18

Bác Hồ có đức tính tiết kiệm. Tiết kiệm đến kinh ngạc.

img
Bác Hồ dùng thử máy cấy lúa cải tiến tại Trại thí nghiệm trồng lúa, Sở Nông lâm Hà Nội (tháng 7/1960) - Ảnh tư liệu

Không lấy của công chi việc tư

Đất trời Hà Nội.

Những ngày khói lửa năm 1967. Mùa Hạ năm đó có những đợt nóng oi ả bất thường rát da.

Ngôi nhà sàn của Bác Hồ tọa lạc trong khu khuôn viên Phủ Chủ tịch. Tầm gần 10h, cái nắng nung người đã rải lên từng ngọn cây, mái nhà. Ao cá dầm chân những cây bụt mọc hắt chéo những tia nắng loang lên nhà sàn. Tiếng ve râm ran dưới tán lá cây xà cừ cổ thụ và trên những cành phượng vĩ trĩu hoa đỏ chườm tràn sang những lối đi.

Bác vừa dừng tay sửa chữa trên bản Di chúc. Còi báo động rú lên xé nát không gian. Những trận bom Mỹ trút xuống ngoại thành mấy hôm trước đâu đây hình như còn vương mùi khét. Nóc nhà nhiều cơ quan ở Hà Nội đầy các nòng súng máy chĩa lên trời trực chiến bắn máy bay Mỹ. Từ nhà sàn, nheo mắt nhìn về phía Hội trường Ba Đình cách đó mấy trăm mét mà lòng Bác đầy ưu tư. Bác nhờ thư ký Vũ Kỳ lên nóc nhà Hội trường Ba Đình xem bộ đội có đủ nước uống không.

Bác Hồ có đức tính tiết kiệm. Tiết kiệm đến kinh ngạc. Thuở hàn vi thiếu thốn, tiết kiệm thì đã đành. Nhưng, khi đã trở thành Chủ tịch nước, Bác vẫn thế. Đến nỗi Chủ tịch nước mà vẫn mặc áo vá. Có lần, một cán bộ cấp cao của Đảng thấy Bác mặc áo có chỗ vá trên vai, lấy làm áy náy lắm. Bác bảo: Chú ạ, Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước mặc áo vá vai thế này là cái phúc của dân đấy; đừng bỏ cái phúc ấy đi.

Ông Vũ Kỳ lên thấy trên đó có một ụ súng 12ly5. Trời nắng nóng, đứng một lúc mà hoa cả mắt, ông Vũ Kỳ hỏi bộ đội có nước ngọt uống không thì được trả lời rằng, nước chè thường còn chưa có, lấy đâu ra nước ngọt! Ông Vũ Kỳ về nói lại với Bác. Bác liền gọi điện ngay cho ông Văn Tiến Dũng lúc đó là Tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng, nói rằng, sao các chú không lo đủ nước uống cho các chiến sĩ trực phòng không; các ụ súng trên nóc Hội trường Ba Đình rất sơ sài, chú phải lo sửa ngay để bảo đảm an toàn cho các chiến sĩ. Sau đó, Bác bảo ông Vũ Kỳ lấy sổ tiết kiệm của Bác ra xem còn bao nhiêu tiền. Còn những 25 nghìn đồng - thời giá năm 1967 tương đương khoảng 60 lượng vàng. Bác bảo chuyển ngay số tiền đó cho Bộ Tổng Tham mưu và nói rằng, đó là quà của Bác tặng để mua nước ngọt cho chiến sĩ trực chiến phòng không trên khắp miền Bắc (Về sau, Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân báo cáo lại cho Bác biết là số tiền đó đủ mua nước uống cho bộ đội phòng không không quân được một tuần).

Bác làm việc công, đi công tác thì tiêu tiền của công. Có gì lạ đâu. Ấy thế mà lại có chuyện. Bác có tiền tiết kiệm từ tiền lương và tiền nhuận bút bài đăng báo. Mỗi lần có tiền nhuận bút gửi đến, văn phòng đều gửi vào sổ tiết kiệm cho Bác. Cũng có một số tòa báo đăng bài của Bác nhưng không gửi tiền nhuận bút vì tưởng Bác không cần, nhưng Bác nhắc gửi. Đòi, đúng luật, chứ sao lại không! Công - tư, tiền bạc rạch ròi. Mọi thứ chi tiêu sinh hoạt của Bác, ngay cả cái chổi lông gà, đều ghi để trừ vào lương của Bác.

Trong kháng chiến chống Pháp gian khổ thiếu thốn là vậy, nhưng Bác vẫn có tiền tiết kiệm. Đến dịp Tết Nguyên đán, Bác chia cho cán bộ các cơ quan chung quanh mua thực phẩm để đón Xuân. Bác dùng tiền riêng của mình để mua kẹo bánh tặng quà cho các cháu, mua quà biếu các cụ phụ lão, ủng hộ bộ đội, dân quân... Tuyệt nhiên và dứt khoát, thành nguyên tắc hành xử, Bác không bao giờ dùng tiền ngân sách cho những việc đó.

img
Bác Hồ tại phòng làm việc nhà 54 (thuộc Phủ Chủ tịch), tháng 4/1957 - Ảnh tư liệu

Không lấy tiền ngân sách tặng quà riêng

Năm 1965, biết tin ông Nguyễn Sinh Mợi, người anh thúc bá của mình qua đời ở quê Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An, Bác nhờ ông Lê Hữu Lập, cán bộ văn phòng, đến quầy tiết kiệm phố Hàng Gai (Hà Nội) rút từ sổ tiết kiệm ra cho Bác 200 đồng (bằng khoảng hơn 3 triệu đồng hiện nay), đem số tiền đó đến nhờ anh Nguyễn Sinh Định (con ông Nguyễn Sinh Mợi đang công tác tại Văn phòng UBND TP Hà Nội) kịp chuyển về Kim Liên góp phần lo liệu công việc mai táng.

Ngôi nhà sàn được Bác góp ý thiết kế. Năm 1959, khi Bác đi công tác nước ngoài về thì nhà đã làm xong. Bác bỏ tiền riêng của mình làm bữa tiệc ngọt liên hoan khánh thành, mời công nhân làm nhà và mời kiến trúc sư thiết kế dự.

Bác đi công tác ở đâu, không bao giờ Bác có túi quà, phong bì phong bao bằng tiền ngân sách. Tất cả trợ cấp cho những gia đình chính sách thì đã có chính sách lo, Bác không dùng tiền ngân sách tặng riêng cho từng người. Bác bảo làm như thế là bất hợp lý vì tặng được người này người khác ở nơi Bác chưa đến thăm thì lại không được tặng. Có nơi tặng Bác nải chuối, chai mật ong và thỉnh thoảng ở Phủ Chủ tịch Bác nhận được quà đồng bào gửi đến, chủ yếu là sản vật địa phương, Bác đều gửi lại biếu những người đang thiếu, đang ốm. Trong kháng chiến chống Pháp, Bác được người này, người nọ tặng áo hay tặng những kỷ vật, Bác cho đem ra đấu giá, tiền thu được gửi biếu các thương binh.

Trong cuộc đời của một con người, nếu lúc nào đó bản thân mình dễ dãi với mình và để người khác dễ dãi với mình thì dần sẽ đâm ra hư hỏng. Bác nhận thức được điều đó. Bác không dùng lối “thị phạm”, tức là làm mẫu để dạy người khác. Bác không “lên lớp”, không “dạy” ai cả, mặc dù những câu, những bài Bác viết, những lời Bác nói, những việc Bác làm đều toát lên tính làm gương.

(Một số sự kiện trong bài này tham khảo cuốn “79 câu chuyện từ nơi Bác Hồ ở và làm việc”,
Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, các trang 40-43; 153-156; 340-341...)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.