Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp với các anh hùng, chiến sỹ thi đua miền Nam tại khu vườn Phủ Chủ tịch ngày 15/11/1965 - Ảnh: Tư liệu |
Bác Hồ đời thường như bao con người khác, cũng có những sở thích riêng. Không biết tự bao giờ, Bác nghiện thuốc lá. Bác thừa nhận hút thuốc lá là cái dở của mình, nên Bác khuyên mọi người không nên hút thuốc lá.
Năm 1965, các thày thuốc khuyên Bác bỏ thuốc lá. Bác tự đấu tranh với bản thân mình và dần dần bỏ được. Đến tháng 3/1968, Bác làm một bài thơ bằng chữ Hán:
VÔ ĐỀ
Tam niên bất ngật tửu xuy yên
Nhân sinh vô bệnh thị chân tiên
Hỷ kiến Nam phương liên đại thắng
Nhất niên tứ quý đổ xuân thiên
Nhà thơ Khương Hữu Dụng dịch:
KHÔNG ĐỀ
Thuốc kiêng rượu cữ đã ba năm
Không bệnh là tiên sướng tuyệt trần
Mừng thấy miền Nam luôn thắng lớn
Một năm là cả bốn mùa xuân
Thường thì cứ đến kỷ niệm sinh nhật là Bác đi đâu đó, có ý tránh việc người khác đến chúc tụng mình. Liên quan đến chữ “Tiên”, năm 1950, Bác làm một bài thơ nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 60 của mình. Tròn 60 tuổi nhưng Bác coi:
Sáu mươi tuổi hãy còn xuân chán,
So với ông Bành vẫn thiếu niên.
Ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe,
Trần mà như thế kém gì tiên!
Trong bài thơ Vô đề bằng chữ Hán trên đây, khi bỏ thuốc lá, kiêng rượu (Bác không phải là người hay uống rượu, chỉ thi thoảng uống một chút rượu thuốc, nhưng đến lúc này thì bỏ hẳn), Bác cảm thấy người khỏe, như thế là “Tiên”. Đơn giản vậy thôi. Tin chiến thắng của chiến trường miền Nam dồn dập về, Bác cảm thấy rất vui. Một năm có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, nhưng vì vui, thấy như là tiên, cho nên Bác cảm thấy “Nhất niên tứ quý đổ xuân thiên” (Một năm là cả bốn mùa xuân).
Bác luôn sâu tình, nặng nghĩa với đồng bào miền Nam, đau đáu suốt ngày đêm mong nước nhà thống nhất. Viết di chúc, ngổn ngang đại sự, sửa đi, sửa lại mấy năm, tin lắm, tin rằng sự nghiệp chống Mỹ sẽ thành công, Bắc - Nam sẽ sum họp một nhà. Miền Nam luôn trong trái tim Bác. Mỗi lần nhớ về miền Nam, mỗi lần tiếp đồng bào, đồng chí miền Nam ra Hà Nội thăm Bác, Bác vui đấy, nhưng đầy trăn trở. Nơi ấy, có sông Hương núi Ngự, nơi Kinh đô Huế một thời tuổi trẻ học đường. Nơi ấy, có Phan Thiết núi - sông - biển hòa vào lòng thày giáo trường Dục Thanh đầy hoài bão cứu dân, cứu nước. Nơi ấy có buổi tiễn đưa không hẹn trước - cuộc ra đi dằng dặc 30 năm từ bến Nhà Rồng ngày 5/6/1911 để về tới cột mốc 108 biên giới Việt - Trung ngày 28/1/1941. Nơi ấy, có mộ người mẹ yêu dấu, người phụ nữ đảm đang không may mất sớm lúc 30 tuổi tại kinh thành Huế (sau này được chị gái đưa hài cốt về quê). Nơi ấy, có người cha kính yêu long đong nằm lại tại Cao Lãnh (Đồng Tháp) năm 1929. Nơi ấy, núi sông vốn liền một dải, cong cong hình chữ S, thon thả giọt đàn bầu, phải chia đôi, đau lắm và đang mong lắm, mong chờ ngày tái hợp.
"Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi. Tôi nghĩ rằng, tôi chưa làm trọn nghĩa vụ cách mạng của tôi đối với đồng bào miền Nam; Mặc dù như vậy, tôi biết rằng, đồng bào miền Nam vẫn yêu quý tôi cũng như tôi luôn yêu quý đồng bào. Ở miền Nam, tôi không phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh mà là Bác Hồ." Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Bởi thế, Bác nhiều lần đề nghị Bộ Chính trị cho Bác vào thăm miền Nam ngày chưa giải phóng. Ngày 10/3/1968, đang chữa bệnh ở nước ngoài, Bác gửi thư cho Bí thư Thứ nhất T.Ư Đảng Lê Duẩn: “Nhớ lại hồi Noel năm ngoái, chú có khuyên Bác đi thăm miền Nam sau ngày ta thắng lợi hoàn toàn. Bác rất tán thành. Nhưng nay chỉ đổi chữ “sau” thành chữ “trước” ngày thắng lợi hoàn toàn. Đi thăm đúng lúc đó mới có tác dụng khuyến khích thêm anh em. Có lẽ, chú và đồng chí khác e rằng sức khỏe của Bác không cho phép Bác đi xa. Nhưng, thay đổi không khí, hô hấp gió biển và sinh hoạt với nhân dân trong hoàn cảnh chiến đấu sẽ giúp sức khỏe Bác tiến bộ mau hơn”.
Bác còn nêu thời gian chuẩn bị, cách đi và lịch trình chuyến thăm, trong đó không ngại đi bộ. Hàng ngày, những người gần Bác luôn thấy Bác cần mẫn, dẻo dai, bền bỉ, kiên nhẫn đeo ba lô nặng tập đi bộ, thậm chí leo núi để sẵn sàng cho chuyến đi vào Nam thăm đồng bào. Rất tiếc, sức khỏe của Bác giảm sút nhanh chóng và chỉ có lý do sức khỏe mới kìm giữ được đôi chân Bác. Không gian xa, nhưng trái tim Bác không xa với phương Nam nồng ấm, bát ngát hương trời phóng khoáng.
Những tháng cuối đời của Bác là quãng thời gian sốt ruột khi thấy ý định của mình có thể không thực hiện được. Trang Thư (Di chúc) vẫn đó, Bác đành phải hạ bút một câu: “Tôi có ý định đến ngày đó (ngày toàn thắng - MQT chú giải), tôi sẽ đi khắp hai miền Nam - Bắc để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng; Thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta”.
Ngày 14/7/1969, gần 2 tháng trước khi qua đời, Bác tiếp phóng viên báo Granma (Cuba) Mácta Rôhát. Một lần nữa, Bác tâm sự nỗi niềm gan ruột về miền Nam thân thương: “Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi. Tôi nghĩ rằng, tôi chưa làm trọn nghĩa vụ cách mạng của tôi đối với đồng bào miền Nam; Mặc dù như vậy, tôi biết rằng, đồng bào miền Nam vẫn yêu quý tôi cũng như tôi luôn yêu quý đồng bào. Ở miền Nam, tôi không phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh mà là Bác Hồ”.
Đã có lần Quốc hội có ý định sẽ tặng Bác Huân chương Sao Vàng - huân chương cao quý nhất ở nước ta. Nghe tin ấy, Bác tỏ ý không nhận. Bác bảo khi nào thống nhất đất nước, đồng bào miền Nam thay mặt đồng bào cả nước tặng Bác thì lúc đó Bác mới nhận.
Di chúc vẫn đượm lời thiêng liêng của Bác về việc riêng: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.
Hối hận thì không. Nhưng, tiếc thì có. Tưởng là tiếc không được ăn ngon, mặc đẹp, vật chất tiện nghi, đủ đầy… nhưng Bác tiếc là không còn phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân lâu hơn, nhiều hơn. Đó là sự tiếc nuối của một bậc đại nhân, đại trí, đại dũng, sự tiếc nuối của một người con dân tộc Việt Nam, người đau đáu một nỗi niềm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, sự tiếc nuối của một người ngày đêm ăn miền Nam, ngủ miền Nam và của một người day dứt khôn nguôi về việc chưa làm tròn nhiệm vụ đối với miền Nam thân yêu.
Năm qua đi, tháng qua đi. Miền Nam đã hoàn toàn được giải phóng 42 năm, Bắc - Nam liền một dải. Vẫn còn nhiều điều phải làm. Nhớ về Bác là chúng tôi, thế hệ sau của Người, vẫn cảm thấy như còn nợ Bác nhiều điều lắm. Trái tim và khối óc này nguyện hướng về Người và hành động theo Người như hướng tới những giá trị thánh thiện để lòng trong sáng hơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận