Không chỉ đáp ứng nhu cầu kết nối giao thông trên địa bàn với các khu vực lân cận, đường tỉnh 254 thuộc tỉnh Bắc Kạn được nâng cấp, mở rộng, sau khi hoàn thành còn kỳ vọng sẽ góp phần vào việc phát triển du lịch, xoá đói giảm nghèo và nâng cao cuộc sống cho người dân...
Thênh thang đường mới
Có dịp về thăm các huyện Chợ Đồn và Ba Bể trong những ngày gần đây, hình ảnh ấn tượng nhất với chúng tôi là Dự án mở rộng, nâng cấp đường tỉnh 254 vừa hoàn thành, đưa vào sử dụng. Tuyến đường dài 39,92km, nối thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn đến hồ Ba Bể, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn.
Ô tô, xe máy từng tốp đưa du khách qua các bản làng với những nếp nhà sàn gỗ đơn sơ, giản dị dọc theo hai bên những nương ngô, ruộng lúa xanh hút tầm mắt nối thẳng đến hồ Ba Bể - Vườn Quốc gia, Di tích Quốc gia đặc biệt.
Đang rảo bước trên đường, ông Triệu Tài Thu, thôn 5, xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn cho biết: “Trước kia khổ lắm, mặt đường nhựa chỉ rộng 3,5m, lại thường xuyên bị sạt lở, xuống cấp, nhiều dốc cao, vực sâu khiến việc lưu thông gặp nhiều khó khăn. Khổ nhất là các cháu đi học sinh phải ra ngoài thị trấn ở trọ, cuối tuần mới được về nhà, thậm chí mùa mưa bão, có khi còn đứt đường, vài tuần mới được về nhà một lần.
Mỗi khi gia đình nuôi được con gà hay trồng nương rẫy đều phải chờ có chợ phiên mới đem xuống bán được nên giá không cao. Nay thì khác rồi, từ khi có đường mới, học sinh không phải nghỉ trọ tại trường nữa, ngày nào cũng có thương lái đến tận nhà thu mua nông sản của người dân với giá cao, đời sống vì thế cũng ổn định, phát triển hơn”.
Không chỉ giúp người dân đi lại, giao thương, tuyến đường hoàn thành, đưa vào sử dụng còn giúp người dân các xã trong khu vực phát triển thêm nghề mới như: Kinh doanh nhà hàng, khách sạn, buôn bán hàng lưu niệm, nông sản phục vụ khách du lịch, đưa cây trồng, vật nuôi mới vào phát triển kinh tế.
Ông Ma Xuân Thụ, Chủ tịch UBND xã Đồng Lạc, huyện Chợ Đồn chia sẻ: “Xã có 6 thôn, gần 2.600 hộ chủ yếu sinh sống, bám dọc hai bên đường tỉnh 254. Từ khi tuyến đường được nâng cấp, mở rộng, người dân địa phương đã mạnh dạn đầu tư kinh doanh, đưa cây trồng, vật nuôi mới về thử nghiệm cho hiệu quả kinh tế cao.
Trong đó, ngoài việc trồng lúa, ngô, bảo đảm lương thực, thực phẩm, người dân trên địa bàn còn đẩy mạnh trồng thêm cây hồng không hạt, trồng cây mỡ để lấy gỗ, nuôi ong mật, bò thịt... bước đầu cho thu nhập khá. Ngoài ra, nhiều người trong xã cũng đến làm công nhân tại các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản như Công ty TNHH Tiến Đạt, Công ty TNHH Khoáng sản Hoàng Nam, Công ty CP Kim loại màu Bắc Kạn với thu nhập ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo trên địa bàn”.
Từ khi đường tỉnh 254 được đưa vào khai thác, sử dụng, có lẽ vui và phấn khởi nhất là người dân xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể. Đó là việc lượng khách du lịch từ Tuyên Quang, Thái Nguyên di chuyển theo tuyến đường này đến dừng chân ngày càng nhiều hơn, giúp người dân có thêm thu nhập.
Anh Lường Văn Cơ, bản Pó Lù, xã Nam Mẫu chia sẻ: Từ khi đường hoàn thành, mỗi tuần đều có hàng nghìn du khách trong và ngoài nước đến hồ tham quan. Nắm bắt cơ hội này, anh đã mua xuồng máy phục vụ du khách tham quan lòng hồ. Những lúc không có khách hoặc các buổi tối, anh lại ra hồ câu cá về cho vợ chế biến thành món cá khố - đặc sản hồ Ba Bể để bán cho du khách làm quà.
“Hôm nào may mắn tôi câu được từ 20 - 30kg cá; khi đông khách mỗi ngày chở từ 2 - 4 chuyến xuồng phục vụ khách thăm hồ. Trừ các khoản chi phí, mỗi tháng gia đình đều có thu nhập khoảng 10 triệu đồng”, anh Cơ vui vẻ nói.
Ông Ngôn Văn Sơn, Quyền Chủ tịch UBND xã Nam Mẫu cho hay: Xã có 9 thôn, 513 hộ thì có gần 100 hộ tại các thôn Pó Lù, Pác Ngòi, Cốc Tộc và Cám chuyển hướng từ sản xuất nông nghiệp sang phục vụ du lịch như: Bán hàng ăn uống, chạy thuyền máy, lưu trú, homestay quanh hồ Ba Bể cho thu nhập khá góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Vượt khó bảo đảm tiến độ, chất lượng
Được biết, Dự án nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 254 được UBND tỉnh Bắc Kạn phê duyệt, triển khai với tổng mức đầu tư 820 tỷ đồng từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017 - 2020. Dự án nhằm mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông vận tải tỉnh Bắc Kạn, tạo mạng lưới liên kết hoàn chỉnh các di tích lịch sử vùng ATK Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Tuyên Quang với Vườn Quốc gia Ba Bể; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Tuy vậy, quá trình thực hiện dự án trên cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bắc Kạn - chủ đầu tư dự án, dự án đã thu hồi đất của hơn 1.500 hộ dân, tổng kinh phí bồi thường, GPMB là khoảng 100 tỷ đồng.
Ban đầu do chưa hiểu hết ý nghĩa, vai trò của dự án, nhiều hộ còn cho rằng, phương án bồi thường theo đơn giá nhà nước còn thấp nên chưa bàn giao mặt bằng khiến dự án có nguy cơ chậm tiến độ so với kế hoạch. Tuy nhiên, bằng sự kiên trì, các cán bộ quản lý dự án đã tích cực phối hợp cùng UBND huyện, UBND các xã tăng cường tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Cùng đó, đặc thù tuyến đường là đi qua địa hình đồi núi, địa chất phức tạp thiếu ổn định, có nguy cơ sạt lở cao. Ngoài ra, thời tiết mưa nhiều, tuyến đường vừa thi công, vừa phải khai thác nên công tác bảo đảm ATGT, tiến độ giải ngân vốn cũng khá áp lực. Trên địa bàn lại có nhiều mỏ, nhà máy khai thác, chế biến khoáng sản hoạt động nên nền đường thường xuyên bị gãy hỏng, sạt lở, vùi lấp trong quá trình thi công...
Trước thực tế trên, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức lựa chọn nhà thầu, chia dự án thành 4 gói thầu xây lắp, cử 4 kỹ sư giao thông, mỗi người phụ trách 1 gói thầu túc trực, giám sát 24/24 giờ tại hiện trường, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư còn thuê đơn vị tư vấn giám sát trực thuộc Trường Đại học GTVT giám sát chất lượng dự án này. Thậm chí, để phục vụ công tác bàn giao dự án, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bắc Kạn còn thuê đơn vị có chức năng kiểm định chất lượng độc lập cho dự án, đảm bảo công trình đưa vào khai thác đáp ứng các yêu cầu, đạt chất lượng tốt nhất.
Ngày 5/8/2020, ông Lý Thái Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đã ký Văn bản số 4501/UBND-TH đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước bổ sung kế hoạch thực hiện kiểm toán đối với Dự án nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 254. “Đến nay, chúng tôi có thể khẳng định, dự án được triển khai đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng theo yêu cầu đề ra. Hiện, công tác hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu, bàn giao quản lý đang được triển khai, cơ bản hoàn thiện. Tuyến đường đã đáp ứng đúng mong đợi của người dân và chính quyền địa phương”, ông Mã Văn Thịnh, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bắc Kạn cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận