Xã hội

Bác sĩ cầm bút và những góc nhìn khác lạ

21/06/2023, 07:00

Rất nhiều bác sĩ đã “mượn” Facebook, fanpage như một kênh truyền thông để lan tỏa các bài viết về kiến thức y khoa bổ ích tới cộng đồng.

Lan tỏa kiến thức y khoa, phản biện những tin đồn thất thiệt về bệnh tật hay nhìn thẳng vào góc khuất của chính ngành Y… nhiều bài viết của những bác sĩ đăng tải trên báo chí hay trên Facebook cá nhân thật sự cuốn hút bạn đọc bởi góc nhìn khác lạ và thông tin hữu ích.

“Đã nói là phải thẳng, phải thật”

img

BS. Quan Thế Dân

BS. Quan Thế Dân (hiện là Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Trí Thành, Thanh Hóa) khá hồ hởi khi nhắc đến bài viết đầu tay với tựa đề “Trong bệnh viện tầng 3” mà như ông chia sẻ “thực sự mang hơi hướng báo chí” đăng trên chuyên mục Góc nhìn (báo điện tử VnExpress).

Chuyên mục Góc nhìn may mắn nhận được sự đóng góp của những cây bút uyên bác và tâm huyết như bác sĩ Quan Thế Dân. Chúng tôi đánh giá cao những bài viết có tính chuyên môn cao, góc nhìn sắc sảo, được diễn đạt hấp dẫn và khúc chiết của bác sĩ.
Bác sĩ Dân là người có tư duy hiện đại, kiến văn sâu rộng, vốn sống phong phú và rất tâm huyết trong việc chia sẻ tri thức, kinh nghiệm với cộng đồng. Ông cũng là người có thế mạnh nổi trội về ngôn ngữ và rất nghiêm khắc, có trách nhiệm với từng câu chữ trong bài viết của mình.
Bác sĩ Dân thường xuyên lọt vào danh sách tác giả được yêu thích nhất trên chuyên mục Góc nhìn. Tính riêng trong năm 2022, các bài viết của ông nhận được hơn 1,5 triệu lượt đọc và hơn 2.000 bình luận từ độc giả - đứng đầu trong số gần 140 tác giả.

Nhà báo Lưu Hà, Trưởng nhóm Góc nhìn, Báo điện tử VnExpress

Đó là bài viết khắc họa những hoạt động thật nhất, sống động nhất trong bệnh viện tầng 3 tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 giữa chảo lửa dịch những ngày tháng 8/2021 tại TP.HCM. Các thông tin về dịch tại đây gần như bị “phong tỏa”.

Khi bắt đầu bùng dịch Covid-19, TP.HCM kêu gọi tiếp sức, BS. Dân lập tức đăng ký “xung trận” nhưng bị từ chối vì đã có tuổi. “Thời điểm đó, nhiều đoàn từ các tỉnh, thành vào hỗ trợ chống dịch nhưng tin tức gần như không có. Lúc ấy, tôi nghĩ nếu được vào đó, mình sẽ viết để không có gì phải che giấu cả”, ông kể.

Và chỉ đến khi dịch lên đến đỉnh điểm, đoàn hỗ trợ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội huy động tình nguyện viên, BS. Dân mới chính thức có tên và nhanh chóng lên đường.

Những dòng đầu tiên về mặt trận nóng bỏng được BS. Dân tranh thủ giờ nghỉ hiếm hoi viết, đăng trên Facebook cá nhân. Truyền thông khi ấy khát thông tin, bài viết phản ánh thực tế đó được nhiều phóng viên gọi đến xin tư liệu.

Và từ đây ông được nhiều báo đặt bài. Các bài báo “Cuộc chiến của người trẻ”, “Thừa cân và Covid-19”, “Thu phí chữa Covid-19”, “Huy động bệnh viện tư”, “Ma trận đơn thuốc F0”, “Ngáo ộp hậu Covid-19” hay “Ám ảnh đỉnh dịch”… đã nêu đúng hiện thực về nỗi vất vả của đội ngũ cán bộ y tế; niềm đau vật lộn với bệnh Covid-19, với mất mát của người dân TP.HCM và kể cả những bất cập trong điều hành. Những bài viết lần lượt xuất hiện trên báo với góc nhìn riêng của một người trong cuộc đã lôi cuốn bạn đọc.

Không dừng ở đó, nhiều bài viết “góc khuất” với quan điểm “đã nói là nói thẳng, nói thật” của BS. Dân cũng có mặt trên các báo khác như Lao động, Dân trí: “Khi anh hùng áo trắng ngồi viết giải trình”; “Đôi điều nói thật khi nhìn lại đại dịch trăm năm có một”; “Giám đốc bệnh viện cần giỏi quản lý hay chuyên môn?”; “Quà Tết biếu sếp”; “Đằng sau những khó khăn gay gắt của ngành Y” hay “Ấm ức vì nghèo”…

Có nhiều bài viết trước khi đăng báo, BS. Dân đăng “ướm” dư luận trên chính trang Facebook của mình. Nhiều bạn bè làm quan chức gọi đến trách móc, thậm chí “tẩy chay”. Nhưng cũng nhiều bạn bè, bạn đọc nhắn tin động viên.

Lan tỏa kiến thức y khoa

img

Bài viết của BS. Quan Thế Dân đăng trên báo điện tử VnExpress

Nhưng BS. Dân cũng chia sẻ, ông không có tham vọng viết về chính sách, mà chỉ ấp ủ lan tỏa những bài viết về y khoa. Sau đó, sẽ biên tập thành sách hàng trăm tình huống lâm sàng về các bệnh lý đã từng gặp, được ghi lại qua các câu chuyện dễ nghe, dễ hiểu vừa để làm tư liệu cho các đồng nghiệp trẻ, vừa dành cho người dân quan tâm đến sức khỏe.

Cũng như BS. Dân, rất nhiều bác sĩ đã “mượn” Facebook, fanpage như một kênh truyền thông để lan tỏa các bài viết về kiến thức y khoa bổ ích tới cộng đồng.

Đó là BS. Trương Hữu Khanh (TP.HCM), được biết đến với fanpage “Bác sĩ Nhi đồng”; BS. Nguyễn Chí Thành, chuyên Sản khoa (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) với trang Dr4women; BS. Trần Văn Phúc (Bệnh viện SaintPaul), BS. Phạm Nguyên Quý, Khoa Ung thư nội khoa (Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren, Nhật Bản)…

Là một bác sĩ chuyên ngành ung thư làm việc tại Nhật Bản nhưng BS. Quý vẫn thường hỗ trợ bệnh nhân tại Việt Nam.

Ông chia sẻ: “Nhiều khi chẳng biết đúng sai ra sao nhưng ai cũng có thể trở thành nguồn phát tin. Điều này khiến kiến thức đúng, tin thật bị trộn lẫn trong một rừng tin giả, tin rác. Người thiếu kiến thức y khoa hoặc yếu kỹ năng tìm kiếm rất khó phân định tin sai và vì thế dễ lựa chọn sai hoặc mắc lừa”.

Từ nhiều năm nay, BS. Quý trở thành địa chỉ tin cậy để cánh phóng viên y tế tìm tới xin ý kiến khi cần làm sáng tỏ những tin đồn về chăm sóc sức khỏe trên mạng xã hội. Ngoài việc xuất hiện với tư cách là chuyên gia y tế trong các bài viết, BS. Quý còn tham viết nhiều bài trên một số trang báo.

img

Bài viết của BS. Phạm Nguyên Quý

Ông đặc biệt quan tâm tới các hoạt động phân tích thông tin y khoa, trong đó các chuyên gia y tế có thể phối hợp kịp thời với ngành truyền thông để tiếp cận cộng đồng, nhất là cộng đồng mạng.

Cũng vì vậy nhiều bài viết của ông như: “Liệu pháp miễn dịch mới chữa lành 100% ca bệnh ung thư: Hiểu đúng như thế nào?”; “3 lý do giúp quảng cáo chữa ung thư thổi phồng vẫn có đất sống”; “Thực hư về cách chữa ung thư cải lão hoàn đồng bằng tế bào gốc người giàu Việt ưa chuộng”… xuất hiện đúng thời điểm như lời giải đáp khoa học, giúp bạn đọc có thêm góc nhìn và lựa chọn thông tin phù hợp.

“Mỗi bài viết đều là một thành quả của quá trình đắn đo về một vấn đề thời sự hoặc trải nghiệm với bệnh nhân”, BS. Quý cho hay.

Và với ông, một tin sai đưa ra rồi thì rất khó thu lại hay cứu vãn. Vì ảnh hưởng của nó có thể lan rộng nhanh chóng trong cộng đồng, gây nên hậu quả khủng khiếp.

Cũng không ít lần “bắt lỗi” những bài viết liên quan đến vấn đề y khoa trên báo chí chính thống, BS. Quý chia sẻ thêm: “Các nhà báo mảng y tế vừa phải đưa tin khoa học chính xác, trung lập, khách quan nhưng vừa phải thu hút “đủ view” theo mục tiêu đề ra. Đây có thể là một lý do mà ngày càng có nhiều bài viết giật tít quá đáng, thậm chí kết luận tùy tiện làm người đọc ngán ngẩm hoặc thêm lo lắng không cần thiết”.

img

BS. Phạm Nguyên Quý

Với chuyên ngành Ung thư, BS. Phạm Nguyên Quý cùng các đồng nghiệp đã và đang miệt mài với những bài viết, phỏng vấn hoặc chương trình truyền hình, webinar/livestream mang tính giáo dục nhằm khuyến khích cộng đồng theo đuổi lối sống lành mạnh, chăm sóc sức khỏe chủ động và định kỳ.

“Vừa qua, Tổ chức Y học cộng đồng của chúng tôi và các đơn vị liên minh đã tổ chức thành công khóa học Thông thái hơn về Ung thư lần thứ 8, nhận được nhiều phản hồi tích cực của nhiều học viên.

Hy vọng chúng ta có thể theo kịp vận động của thế giới trong việc tăng cường năng lực của người đọc và người bệnh”, BS. Quý chia sẻ về một trong “núi” công việc lan tỏa kiến thức y khoa chuẩn và minh bạch tin đồn về y tế nói chung, ung thư nói riêng mà ông cùng đồng nghiệp của mình đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.