Y tế

Bác sĩ Nhi khoa cảnh báo 6 sai lầm khiến trẻ mắc tay chân miệng trở nặng

24/05/2022, 15:30

Trẻ mắc tay chân miệng không được tắm, tự ý bôi thuốc trên các nốt nổi mẩn... là những sai lầm thường thấy khi chăm sóc trẻ nhiễm bệnh này.

Tăng trẻ mắc bệnh tay chân miệng

Khoảng 1 tháng trở lại đây, số trẻ mắc bệnh tay chân miệng tăng mạnh tại nhiều địa phương, đặc biệt tại TP.HCM và một số tỉnh phía Nam.

Trong đó, không ít trẻ bị biến chứng phải nhập viện cấp cứu vì những quan niệm sai lầm của cha mẹ, trong việc chăm sóc con khi mắc căn bệnh này.

img

Nổi nốt hồng ban bóng nước ở tay, chân, trong miệng là dấu hiệu trẻ mắc bệnh tay chân miệng

ThS.BS Lê Phan Kim Thoa, Trưởng khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết, bệnh tay chân miệng là bệnh do siêu vi trùng đường ruột gây ra, thường xảy ra đối với trẻ ở lứa tuổi nhà trẻ.

Trẻ mắc bệnh tay, chân, miệng thường có các triệu chứng điển hình như nốt hồng ban bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, trong miệng (gây vết loét miệng), đầu gối, mông, hay nổi rải rác ở những vị trí khác trên cơ thể; đặc biệt, những bóng nước này khi ấn vào thường không đau, không ngứa, kèm theo triệu chứng sốt nhẹ, nôn ói và tiêu chảy...

Theo Bộ Y tế, trên hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm từ đầu năm 2022 đến nay cho thấy cả nước đã ghi nhận gần 6 nghìn trường hợp mắc bệnh tay, chân, miệng, trong đó có 1 trường hợp tử vong tại Bình Thuận.

Dự báo dịch bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng trong thời gian tới đây do tính chất lây truyền, kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên; việc giao lưu đi lại, thể thao, du lịch,.... gia tăng trở lại sau khi đã kiểm soát dịch Covid-19 và hiện chưa có vaccine phòng bệnh.

"Đến nay vẫn chưa có thuốc đặc hiệu điều trị bệnh tay chân miệng, chủ yếu được điều trị triệu chứng như hạ sốt, giảm đau do các vết loét gây nên và các biến chứng nếu có. Bệnh sẽ tự khỏi sau vài ngày, những nốt hồng ban sẽ lặn đi, không để lại sẹo.

Nhưng nếu nguyên nhân gây bệnh là do virus Entero 71, thì có thể dẫn đến tử vong (do biến chứng viêm não màng não, viêm cơ tim, phù phổi..) khi không phát hiện và xử trí kịp thời.

BS. Thoa nhấn mạnh, mặc dù tay chân miệng không phải là một bệnh mới, nhưng hiện nay vẫn còn nhiều quan niệm sai lầm trong cách chăm sóc trẻ khiến bệnh của trẻ trở nặng.

Hạn chế tắm rửa, quấn kín trẻ thì trẻ sớm lành bệnh?

Theo BS. Thoa, một số phụ huynh quan niệm khi trẻ bị tay chân miệng càng ủ trẻ, hạn chế tắm rửa để trẻ ra ban càng nhiều thì sẽ càng mau lành là quan niệm hoàn toàn sai.

Bởi vì nếu ủ trẻ nhiều quá trẻ sẽ bị nhiễm trùng da, để lại sẹo. Với trẻ mắc tay chân miệng cần giữ cho các nốt ban thoáng sẽ mau lành hơn và không để lại sẹo.

img

Không chỉ trẻ nhỏ dưới 5 tuổi mới mắc bệnh tay, chân, miệng

Trẻ ở nhà thì không bị tay chân miệng

Phụ huynh thường nghĩ con mình ở nhà thì không thể nào bị bệnh tay chân miệng được. Nhưng tay chân miệng có thể lây qua trung gian người chăm sóc. Trẻ không đi nhà trẻ vẫn có thể mắc bệnh do tiếp xúc người mắc bệnh không có triệu chứng, thường là người lớn. “Bố mẹ hoàn toàn có thể mang bệnh về cho con nếu không vệ sinh sạch sẽ”, BS. Thoa nói.

Trẻ nhỏ mới bị tay, chân, miệng

Bệnh tay chân miệng đa số chỉ gặp ở những trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt những trẻ dưới 3 tuổi, nhưng thực tế, người lớn vẫn có thể bị và trẻ lớn vẫn có thể bị tay chân miệng. Thậm chí, nhiều trẻ lớn mắc bệnh này cũng gặp biến chứng dẫn đến suy hô hấp, suy tuần hoàn. Do vậy, phụ huynh nên chăm sóc trẻ đúng cách để tránh mắc bệnh.

Trẻ phải có đầy đủ biểu hiện ở miệng, tay, chân

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng điển hình sẽ có biểu hiện loét miệng kèm nổi sẩn ở lòng bàn tay bàn chân, tuy nhiên, có những trẻ chỉ có biểu hiện loét miệng đơn thuần hoặc chỉ nổi sẩn ngoài da, đặc biệt nếu chỉ nổi ở phần mông rất dễ lầm với hăm tã.

“Phụ huynh cần lưu ý khi con có những dấu hiệu bất thường, nên đưa con đi khám để biết được mức độ diễn tiến của bệnh và được hướng dẫn cách theo dõi, phát hiện biến chứng”, BS. Thoa cho biết.

Thoa thuốc lên nốt ban hồng da để trẻ mau lành bệnh

Những nốt ban hồng bóng nước trên da trong bệnh tay chân miệng thường không gây đau hay ngứa, do đó, cha mẹ không nên tự ý bôi các loại thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ vì khi bôi thuốc sẽ che đi các dấu hiệu trên sang thương da. Điều này khiến các bác sĩ rất khó chẩn đoán hay theo dõi diễn tiến bệnh.

Trẻ khó ngủ, giật mình quấy khóc là do bị đau miệng

Một sai lầm về bệnh tay, chân, miệng mà nhiều cha mẹ thường gặp là nghĩ trẻ khó ngủ, giật mình quấy khóc do bị đau miệng. Thực tế, trẻ mắc bệnh tay chân miệng khi có biểu hiện giật mình chới với là đã có biến chứng, cần ngay lập tức đưa trẻ tới bệnh viện.

"Cần lưu ý nếu trẻ bị tay chân miệng, phụ huynh phải hạn chế cho trẻ tiếp xúc với những trẻ khác, hạn chế lây nhiễm. Để phòng tránh bệnh trẻ tránh mắc tay chân miệng, cha mẹ nên vệ sinh môi trường sạch sẽ và thường xuyên làm vệ sinh đồ chơi của trẻ, hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng mỗi ngày...”, BS. Thoa khuyến cáo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.