Bạn cần biết

Bác sĩ nhi khoa khuyên cách xử trí với bệnh giao mùa

03/10/2017, 20:01

Thời tiết chuyển từ hè sang thu, mưa nắng thất thường là nguyên nhân của nhiều căn bệnh về hô hấp và tiêu hóa...

19

Bệnh lý hô hấp và tiêu chảy rất thường gặp ở trẻ khi giao mùa

Không phải cứ ho, sốt là dùng kháng sinh

Gần tuần nay, bé Na (5 tuổi) con chị Nguyễn Thu Huyền (Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội), có mũi xanh và ho đờm, tiếng ho nghe rất nặng. Thấy con ho đã 3 ngày lại hâm hấp sốt, chị Huyền quyết định cho con uống kháng sinh Cefixim và Acemuc với mục đích “chặn luôn không nhỡ xuống phổi thì gay”. Không chỉ chị Huyền mà hiện rất nhiều bà mẹ cũng đã hành động tương tự.

"Để giúp trẻ có sức đề kháng tốt, phòng tránh bệnh tật khi giao mùa, cha mẹ cần lưu ý: Chế độ ăn uống phù hợp với trẻ, đảm bảo đủ thành phần dinh dưỡng (tinh bột, vitamin, muối khoáng, chất béo…); Cho trẻ đi tiêm chủng đầy đủ theo Chương trình tiêm chủng Quốc gia; Giữ ấm cho trẻ, không để trẻ quá nóng hoặc quá lạnh; Giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ; Cha mẹ nên ngừng hút thuốc, giữ cho ngôi nhà thông thoáng và sạch sẽ. Đồng thời, hạn chế đưa con đến những nơi đông người trong mùa dịch”.

BS. Lê Thị Hải
Viện Dinh dưỡng Quốc gia

PGS., TS., BS. Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết: “Những trường hợp như vậy không hiếm gặp, việc cha mẹ lạm dụng kháng sinh trong điều trị bệnh lý hô hấp là không cần thiết. Thậm chí, lợi bất cập hại còn làm gia tăng tình trạng kháng kháng sinh, khiến việc điều trị sau này cho trẻ gặp nhiều khó khăn”. Ông Dũng cho hay, ở trẻ ho và sổ mũi là hai triệu chứng của nhiễm khuẩn đường hô hấp và có thể tự khỏi sau 1-2 ngày. Có những trường hợp có thể diễn biến kéo dài tới 7 ngày hoặc kéo dài hơn rồi cũng sẽ khỏi mà không cần phải dùng thuốc, bởi điều này phụ thuộc vào loại virus mà trẻ bị nhiễm.

Theo ông Dũng, có khoảng 200 loại virus gây nhiễm trùng đường hô hấp. Mỗi loại lại chia thành nhiều type khác nhau nên có những biểu hiện lâm sàng khác nhau. Nếu trẻ chỉ đơn thuần nhiễm virus gây nên ho, sổ mũi thì đều có thể tự khỏi mà không cần phải dùng thuốc.

Tuy nhiên, trẻ cần được điều trị kịp thời nếu nguyên nhân bệnh do vi khuẩn gây nên. Nếu không, bệnh hô hấp sẽ dần nặng thêm và có thể dẫn đến viêm phổi, có những biến chứng cho cơ tim và van tim. Do vậy, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám nhằm xác định đúng nguyên nhân gây bệnh và có phương án điều trị kịp thời.

Cũng theo ông Dũng, nhiều phụ huynh đổ lỗi cho việc sổ mũi, ho hắng của trẻ là do nằm điều hòa. Tuy nhiên, nếu tiết chế với nhiệt độ từ 27-280C thì điều hòa rất tốt cho sức khỏe trẻ nhỏ, nhất là trong những ngày thời tiết chuyển mùa oi ả. Trẻ sẽ dễ mắc bệnh hô hấp khi cha mẹ để điều hòa thổi gió trực tiếp vào người trẻ; hoặc để điều hòa ở nhiệt độ quá thấp có thể gây cảm lạnh. Cũng cần lưu ý khi để trẻ ngồi trong điều hòa liên tục hơn 8 giờ đồng hồ, trẻ sẽ rất dễ mắc các bệnh đường hô hấp như cảm lạnh, viêm họng, khô da, dị ứng.

Tháng 9-12 là cao điểm bệnh tiêu hóa

Theo các bác sĩ Nhi khoa, thông thường từ tháng 9 - 12 là cao điểm của bệnh lý đường tiêu hóa. Nguyên nhân là do nhiệt độ nóng - lạnh thất thường khiến thức ăn rất dễ bị nhiễm khuẩn. Biểu hiện của bệnh liên quan đến đường tiêu hóa là phát bệnh đột ngột, trẻ vừa tiêu chảy vừa kèm theo các biểu hiện như: Sổ mũi, ngạt mũ, hắt hơi, ho, đau rát họng, nôn trớ và sốt cao.

Theo BS. Nguyễn Tiến Dũng, trong mọi trường hợp bị tiêu chảy, ưu tiên trước nhất là bù nước (oresol) để tránh rối loạn điện giải. Nếu trẻ nôn trớ khi bù nước, cha mẹ cần kiên nhẫn cho trẻ bù nước từng ít một, cần đảm bảo trẻ được bù nước hiệu quả. Trong trường hợp nhà không có hoặc trẻ không uống được oresol, cha mẹ có thể thay thế dùng nước cháo loãng, nước hoa quả (nước dừa). Với oresol, cha mẹ cần tuyệt đối tuân thủ liều lượng pha theo quy định.

Trong trường hợp không được bù nước hiệu quả lại kèm tiêu chảy ồ ạt, sẽ khiến tốc độ mất nước ở cơ thể trẻ diễn tiến rất nhanh, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế. Bởi, điều nguy hiểm của mất nước khi tiêu chảy là làm giảm khối lượng tuần hoàn, rối loạn điện giải, co giật, sốc, hôn mê, dẫn đến tử vong do trụy tim mạch.

“Cha mẹ cũng tuyệt đối không tự ý cho trẻ uống thuốc kháng sinh hoặc thuốc cầm tiêu chảy, vì các thuốc này không có tác dụng tiêu diệt virus mà còn làm giảm nhu động ruột khiến phân không được thải ra ngoài, dẫn đến tình trạng đầy trướng bụng, rất nguy hiểm cho trẻ”, ông Dũng khuyến cáo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.