LTS: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn xác định phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại để tạo nền móng cho phát triển kinh tế, xã hội bền vững. Tuy nhiên, với nguồn lực hạn chế, trên thực tế, đầu tư hạ tầng giao thông cho vùng kinh tế Đông Nam Bộ vẫn chưa được như kỳ vọng, chưa đáp ứng được đòi hỏi phát triển.
Tới đây, thực hiện các quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ có sự đầu tư đột phá về hạ tầng giao thông, từ đó tạo cơ hội, động lực phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ. Báo Giao thông xin giới thiệu tới độc giả loạt bài cho thấy sự cần thiết đầu tư lớn cho hạ tầng thúc đẩy vùng kinh tế TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ngày 22/12, Báo Giao thông sẽ tổ chức tọa đàm về chủ đề này tại 35 Hàn Thuyên, TP.HCM với sự tham gia của đại diện các địa phương, cơ quan quản lý, nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế. Kính mời độc giả quan tâm theo dõi.
Quốc lộ 51 - tuyến đường bộ độc đạo nối TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu nhiều năm qua đã gồng gánh lượng xe từ các khu công nghiệp, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải và du lịch biển.
Đường tắc, phí logistics tăng cao
Nếu không sớm được “giải cứu”, giao thông ách tắc sẽ ngăn cản sự phát triển của logistics, sự tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó chủ tịch Hội xuất nhập khẩu Đồng Nai cho rằng, hạ tầng giao thông, các tuyến giao thông cửa ngõ vẫn đang “tắc” khiến chi phí và thời gian vận chuyển một container hàng hoá rất tốn kém và mất nhiều thời gian.
Tại Đồng Nai, việc vận chuyển hàng hoá từ các khu công nghiệp ở Long Thành, Nhơn Trạch đến cảng Cái Mép - Thị Vải, cảng Gò Dầu (Đồng Nai) đều phải đi qua QL51.
QL51 đang ngày đêm oằn mình cõng một lượng xe lưu thông vượt gấp nhiều lần thiết kế.
Ông Tuấn cho biết thêm cuối tháng 10/2021, đường 319 nối dài kết nối khu vực Nhơn Trạch đấu nối vào cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã mở thêm lộ trình mới cho hàng hóa từ các khu công nghiệp đi TP.HCM và ngược lại.
Nhưng đường này cũng chỉ thay thế một phần cho QL51 đoạn từ nút giao với cao tốc đến trước KCN Nhơn Trạch. Còn nếu đi về cảng Cái Mép - Thị Vải không có lựa chọn nào khác ngoài QL51.
Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu có rất nhiều cảng biển, cạnh đó là các khu công nghiệp nên hoạt động logistics phát triển mạnh mẽ.
“Cần gấp rút làm cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu mới chia lửa được cho QL51. Giao thông liên vùng thuận lợi thì lưu thông hàng hoá xuất nhập khẩu mới tốt. Tôi tin doanh nghiệp vận tải, logistics lựa chọn đi cao tốc, chấp nhận trả phí đường bộ để hàng được vận chuyển nhanh hơn”, ông Tuấn phân tích.
Lo kết nối TP.HCM - sân bay Long Thành
Sân bay quốc tế Long Thành dự kiến đưa vào khai thác giai đoạn 1 vào năm 2025. Hiện nay, tuyến đường kết nối sân bay Long Thành với TP.HCM ngắn nhất là cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Tuy nhiên trong những năm gần đây, tuyến đường này liên tục quá tải.
Theo thống kê của Công ty cổ phần dịch vụ đường cao tốc Việt Nam, bình quân mỗi ngày cao tốc này có khoảng 52.000 lượt phương tiện lưu thông, cao điểm cuối tuần lên đến 57.000 lượt, trong khi thiết kế chỉ đủ đáp ứng khoảng 44.000 lượt phương tiện. Đường mỗi bên chỉ có 2 làn ô tô, 1 làn khẩn cấp, chỉ cần một vụ tai nạn là các tuyến kẹt dài hàng kilomet.
Hàng xe xếp hàng nối dài trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hướng từ TP.HCM đi Long Thành
PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không - Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cho rằng, hiện cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây mỗi bên chỉ cho 2 làn ô tô. Chỉ cần 2 xe tải chạy song song đã thấy nguy hiểm.
“Khi có sân bay Long Thành chắc chắn tuyến cao tốc này sẽ quá tải, vì vậy cần sớm có phương án mở rộng tuyến đường bộ này”, ông Tống nói.
Cùng chung quan điểm, Tiến sĩ Trần Du Lịch, nguyên Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM khẳng định, việc kết nối giao thông liên vùng giữa TP.HCM với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là mấu chốt cho sự phát triển tăng tốc của vùng.
Mặc dù đã có quy hoạch phát triển giao thông liên vùng như các tuyến Vành đai 3, 4, cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu… nhưng cả chục năm qua vẫn nằm trên giấy. Điều này đang dẫn đến sự tắc nghẽn, trở lực cho sự phát triển của liên vùng.
“Đến năm 2025, khi sân bay Long Thành đưa vào khai thác, nếu không có những tuyến kết nối mới giữa TP.HCM với các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, thì sẽ tạo thêm một điểm tắc mới”, ông Lịch lo ngại.
Còn tiếp
Bài 1: Quốc lộ 51 - Kẹt xe, kẹt cả sinh kế
Bài 3: Cần đột phá đầu tư hạ tầng cho tam giác TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận