TS. Lê Xuân Nghĩa |
Trong chiến lược “lột xác” cho TP.HCM giành lại vị thế số 1 của mình, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ Quốc gia cho rằng, cấu trúc kinh tế của TP phải theo xu hướng thiên về dịch vụ, trong đó đứng đầu là dịch vụ tài chính cho vùng và cả nước.
Nếu không làm ngay sẽ không còn đất
Với một nền tảng như TP.HCM hiện nay thì phải đẩy mạnh phát triển dịch vụ theo hướng nào, thưa ông?
TP nếu đi vào công nghiệp thì phải là công nghiệp công nghệ cao như dược học, công nghệ thông tin... Phát triển dịch vụ phải là dịch vụ cao cấp, trong đó đứng đầu là tài chính, sau đó đến giáo dục đào tạo và dịch vụ y tế.
Nhưng trong tất cả, dịch vụ tài chính là quan trọng nhất. Vì thị trường tài chính tạo ra thu nhập lớn, có sức lan tỏa không chỉ trong nước mà còn mở rộng ra phạm vi quốc tế, nhất là trong điều kiện hội nhập như hiện nay, điều này thực sự quan trọng và TP.HCM xứng đáng có một trung tâm tài chính (TTTC) lớn, tập trung như vậy.
Theo ông, mô hình TTTC sẽ được triển khai và quản lý thế nào?
Ở nước ngoài, họ thành lập hẳn đặc khu kinh tế hành chính riêng, nghĩa là độc lập cả về kinh tế và bộ máy hành chính. Với khu tài chính độc lập như vậy sẽ có tổ chức chính trị xã hội, có đoàn thể… Tuy nhiên, cũng có quốc gia thành lập đặc khu kinh tế riêng nhưng hành chính vẫn trực thuộc UBND.
Không sợ cạnh tranh khi tập trung hội sở Số lượng ngân hàng ở Việt Nam đến nay vẫn không nhiều bằng ở các quốc gia khác. Cụ thể ở Mỹ có tới 3.700 ngân hàng, Đức có 1.400 ngân hàng, Anh có 600-700 ngân hàng. Ngân hàng có quy mô nhỏ nhất Việt Nam cũng lớn hơn ngân hàng nhỏ nhất ở Mỹ với vốn điều lệ chỉ 14 triệu USD tương đương khoảng 300 tỷ đồng. Những ngân hàng quy mô nhỏ ở Mỹ làm các dịch vụ nhỏ, cho vay những gói vay nhỏ. Vì ở Mỹ có tới 25 triệu DN nhỏ và siêu nhỏ cần ngân hàng nhỏ phục vụ. |
Nhưng thường tổ chức dưới dạng TTTC như vậy không có dân ở mà chỉ có văn phòng cho thuê, ngân hàng, các định chế tài chính... Vì nếu dân ở đan xen vào sẽ rất phức tạp. Nên tùy vào mô hình của mình để bố trí hoặc là đặc khu, TTTC độc lập và hành chính bán độc lập. Chúng ta có thể làm một đặc khu tài chính độc lập cả hành chính và kinh tế. Tuy nhiên, cũng có thể độc lập về kinh tế, còn hành chính là bán độc lập.
Liệu TP.HCM có đủ sức làm một TTTC quy mô như vậy, thưa ông?
Diện tích đất cho TTTC cũng không cần nhiều, chỉ cần 10-15 ha nhưng phải làm ngay nếu không sẽ chẳng còn đất mà làm. Lâu nay, chúng ta toàn lấy khu đất đẹp để xây nhà cao tầng, văn phòng cho thuê ở các khu vực trung tâm. Sau này, muốn làm TTTC mà đặt ở Q 9 hay Thủ Đức thì ngân hàng, công ty chứng khoán, nhà đầu tư… sẽ không muốn đến thuê trụ sở. Khu TTTC dù không trung tâm cũng phải gần trung tâm. Vị trí đẹp nhất hiện nay có thể thấy như ở Cảng Ba Son là rất phù hợp.
Việc xây dựng một TTTC độc lập như vậy quá đơn giản không liên quan đến chính sách, chế độ. Tiền chúng ta có thể thu lại từ việc cho các ngân hàng, công ty tài chính… thuê làm hội sở nên không khó để làm.
Trung tâm tài chính tại TP.HCM phải được quy hoạch rõ ràng chứ không tự phát và phải hoạt động độc lập. (Trong ảnh: Phố Hàm Nghi, TP Hồ Chí Minh vẫn được coi là khu tài chính với nhiều ngân hàng, công ty chứng khoán và bảo hiểm) |
Các tỷ phú nước ngoài sẵn sàng nhảy vào ngay
Ông có thể cho biết lợi ích từ việc thành lập một TTTC quy mô như vậy?
Việc tập trung lại tất cả các hội sở chính của ngân hàng, công ty chứng khoán… sẽ tạo sự liên kết chặt chẽ, kết nối nhanh, thuận tiện cả GTVT, CNTT, giáo dục, tài chính và cả về bảo mật tài chính… Và chỉ khi nào chúng ta có TTTC với mô hình như vậy, các nhà đầu tư quốc tế nhìn vào thấy hoạt động tài chính, kể cả các hoạt động liên quan đến đầu tư trực tiếp và gián tiếp có nền tảng và được hỗ trợ bởi TTTC hùng mạnh. Khi đó, vị thế TP.HCM trên trường quốc tế, phương diện đầu tư tài chính, thương mại cũng được khẳng định.
Từ đây TTTC cũng góp phần giúp TP.HCM có bộ mặt bề thế. Đồng thời, góp phần giảm thiểu tắc nghẽn giao thông - do việc các hội sở chính, các trụ sở chính công ty tài chính, chứng khoán đặt ở khắp nơi trong TP, không chỉ tốn kém thuê, xây dựng với chi phí đắt đỏ mà việc nằm rải rác hội sở, hay văn phòng đại diện còn làm tắc nghẽn giao thông. Khi tập trung TTTC một chỗ có thể tập trung mọi phương tiện như tàu điện ngầm, xe buýt, ô tô phát triển. Khi các dịch vụ thanh toán cũng tập trung, CNTT, kho dữ liệu, dịch vụ cung ứng sẽ đảm bảo an toàn hơn.
Nhiều ngân hàng và công ty chứng khoán có hội sở ở khu vực khác sẽ thế nào, thưa ông?
Với những đơn vị có hội sở ở thành phố khác, họ có chi nhánh đại diện của hội sở chính tại TP.HCM. Còn về mặt quản lý, ngân hàng vẫn thuộc quản lý của Ngân hàng T.Ư, hay công ty chứng khoán thuộc quản lý của Bộ Tài chính. Nhưng quản lý ở đây là quản lý về mặt nghiệp vụ mà thôi. Mọi hoạt động và dịch vụ vẫn bình thường, riêng về chính sách cho đặc khu tài chính này thì thuộc về TP. Chẳng hạn như TP.HCM sẽ ưu đãi về thuế, ưu đãi về đất đai.
Nhưng liệu cùng một khu vực mà có quá nhiều hội sở như vậy có khiến mức độ cạnh tranh của các ngân hàng ngày càng gay gắt?
TTTC tập trung không liên quan đến cạnh tranh giữa các ngân hàng vì ở đây chỉ là hội sở và văn phòng đại diện chính còn chi nhánh, phòng giao dịch vẫn rải ở khắp mọi nơi. Vấn đề là TP phải có chủ trương rõ ràng, quy hoạch rõ ràng và tìm kiếm đất, kêu gọi nhà đầu tư trong nước, quốc tế và sau này họ quản lý hạ tầng, điện nước, bảo trì. Việc tìm kiếm nhà đầu tư không khó vì các tỉ phú nước ngoài sẵn sàng nhảy vào ngay. Cùng với việc phát triển trung tâm này, dịch vụ đi kèm như nhà hàng, siêu thị, dịch vụ giải trí thư giãn, nghỉ ngơi, bệnh viện cũng phải tương ứng. Để phục vụ TTTC lớn như vậy, TP.HCM phải là trung tâm là tập hợp nhiều trường đại học danh tiếng trong và ngoài nước để cung ứng nguồn nhân lực bậc cao. Và cũng chính trung tâm sẽ định ướng đào tạo cho các trường đại học có ngành nghề liên quan như kiểm toán, kế toán, tài chính, bảo hiểm…
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận