Xã hội

Bãi vật liệu “bủa vây” đê sông Hồng, chính quyền “bó tay”?

25/05/2022, 06:09

Rất nhiều bãi vật liệu xây dựng đang “bủa vây”, gây mất an toàn tuyến đê sông Hồng đoạn qua địa phận huyện Đông Anh.

Tuy nhiên, điều lạ là sau mỗi lần địa phương ra quân xử lý, các bãi lại hoạt động rầm rộ hơn…

img

Các bãi vật liệu xây dựng mở đường nối với đê tả sông Hồng

Nhiều lần quyết xóa sạch nhưng… rầm rộ hơn

Những ngày cuối tháng 5/2022, có mặt tại khu đất bãi sông Hồng, đoạn qua địa phận thôn Phương Trạch, xã Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh, TP Hà Nội), PV Báo Giao thông ghi nhận nhiều bãi tập kết vật liệu với quy mô ước tính hàng nghìn mét vuông hoạt động rầm rộ.

Tất cả bến bãi tập kết vật liệu xây dựng trên địa bàn xã Vĩnh Ngọc mà PV Báo Giao thông phản ánh đều là bãi vật liệu xây dựng không phép.
Huyện Đông Anh đã nhiều lần có chỉ đạo xử lý dứt điểm những bến bãi này. Gần đây nhất huyện đã có văn bản chỉ đạo trong tháng 6/2022 phải xử lý xong tất cả các bến bãi ven sông hoạt động không phép, vì mùa mưa bão sắp tới.

Ông Lê Tốn, đại diện Văn phòng UBND huyện Đông Anh


Từ trên cầu Nhật Tân hướng sân bay Nội Bài về trung tâm Hà Nội, phóng tầm mắt ra khu bãi bồi này, những bãi tập kết vật liệu xây dựng tại đây lại càng lộ rõ.

Những chiếc tàu, sà lan chở cát, sỏi, đá… tấp nập neo sát chân bãi tập kết, các máy xúc hoạt động hết công suất để múc cát, sỏi từ tàu, sà lan lên bãi, đổ lên những chiếc xe tải trọng lớn.

Quan sát của PV, tại khu đất này có ba bãi tập kết vật liệu lớn, ước tính diện tích mỗi bãi đến vài chục nghìn mét vuông. Trong đó, nhiều bãi cát ước tính hàng chục nghìn mét khối, chất cao ngất ngưởng.

Theo đại diện UBND huyện Đông Anh, tất cả những bến bãi tập kết vật liệu xây dựng này đều hoạt động không phép. Huyện Đông Anh đã nhiều lần chỉ đạo xử lý dứt điểm nhưng đâu lại vào đấy, thậm chí phức tạp hơn.

“Hơn 10 năm trước, một số doanh nghiệp được TP Hà Nội cấp phép dự án nông nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này tự ý chuyển đổi đất nông nghiệp thành bãi vật liệu xây dựng.

Từ năm 2015 tới nay, UBND huyện Đông Anh nhiều lần chỉ đạo xóa sạch, nhưng sau mỗi lần ra quân, bến bãi không phép lại hoạt động trở lại, thậm chí rầm rộ hơn”, vị này cho hay.

Bà Nguyễn Thị Thêm ở thôn Phương Trạch, xã Vĩnh Ngọc chia sẻ: “Cách đây vài năm, lực lượng chức năng từng vào cuộc quyết liệt. Họ còn rào đường nhưng do ảnh hưởng tới việc một số người dân làm nông nghiệp nên sau đó được bỏ.

Bến bãi hoạt động càng rầm rộ, xe quá tải lại hoành, những người dân chúng tôi thì suốt nhiều năm qua chịu cảnh ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”.

Dân khổ vì xe quá tải chạy rầm rập

Xuất phát từ các bãi tập kết cát, sỏi nằm ven sông Hồng, hàng trăm xe biểu hiện quá khổ, quá tải hàng ngày cày nát tuyến đê tả sông Hồng.

Khu vực này luôn trong tình trạng ngày nắng bụi bay mù mịt, ngày mưa lầy lội như ruộng. Tuyến đường đất, nhiều năm cõng dàn xe quá tải ngày càng lồi lõm, khiến người dân đi lại rất khó khăn.

Chị Nguyễn Thị Vân ở xã Vĩnh Ngọc chia sẻ: “Xe tải lớn hàng ngày rầm rập ra vào, những ngày nắng khi gặp đoàn xe này chạy qua, quần áo chúng tôi phủ lớp bụi dày đặc. Nguy hiểm hơn là những ngày mưa, đường lồi lõm lại nhơm nhớp lớp bùn do vật liệu rơi vãi, đi không cẩn thận là ngã.

Người dân nhiều lần kiến nghị yêu cầu chính quyền vào cuộc xóa bỏ các bến vật liệu xây dựng trái phép này nhưng nhiều năm qua chúng vẫn vô tư tồn tại”.

Quan sát các đoàn xe chở vật liệu này, PV nhận thấy đa số xe đều ra từ những bãi tập kết vật liệu xây dựng và “cõng” những ụ cát, sỏi “có ngọn” rồi leo lên đê tả sông Hồng và đi về chân cầu Nhật Tân để rẽ ra đường Võ Nguyên Giáp, sau đó tỏa các hướng khác nhau.

Những chiếc xe này trước kính chắn gió thường được gắn logo dễ nhận diện với những cái tên như: “LD”, “TS”… Do chỉ che chắn sơ sài, lại chất cao hơn thành thùng nhiều nên việc những chiếc xe này làm rơi sỏi, cát xuống đường là chuyện “như cơm bữa”.

Một điều đáng chú ý, đê tả sông Hồng đoạn qua xã Vĩnh Ngọc này chỉ cho phép xe tải trọng dưới 12 tấn lưu thông. Nhưng những chiếc xe chở cát, sỏi, đá tại đây có tải trọng ước tính trên 20 tấn trở lên vẫn vô tư hoạt động tấp nập.

Xử lý thế nào?

img

Lực lượng chức năng huyện Đông Anh xử lý xe quá tải sau phản ánh của Báo Giao thông

Trước thực trạng trên, PV Báo Giao thông đã thông báo đến lực lượng CSGT Công an huyện Đông Anh, Đội CSGT số 15 Công an TP Hà Nội để xử lý.

Sau khi nhận được phản ánh, Đội CSGT số 15 Công an TP Hà Nội và Đội CSGT Công an huyện Đông Anh đã ra quân xử lý nhiều trường hợp xe tải trọng lớn làm rơi vãi vật liệu xây dựng xuống đường Võ Nguyên Giáp và đê tả sông Hồng.

Cụ thể, tại Đường Võ Nguyên Giáp ngày 19/5, Đội CSGT số 15 Công an TP Hà Nội đã xử phạt 3 trường hợp xe tải vật liệu xây dựng làm rơi vãi xuống đường.

Còn tại tuyến đê tả sông Hồng, Đội CSGT Công an huyện Đông Anh từ ngày 17/5 - 21/5 đã xử phạt 6 trường hợp xe ô tô tải vi phạm chở quá tải và chở vật liệu xây dựng không che đậy; tạm giữ 6 giấy tờ ô tô, tước 1 GPLX ô tô.

Đội CSGT Công an huyện Đông Anh cũng phối hợp với Đội Thanh tra GTVT huyện Đông Anh xử phạt 7 trường hợp vi phạm chở quá tải, làm rơi vãi xuống đường.

Đại diện Đội CSGT Công an huyện Đông Anh cho biết, gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý dứt điểm xe quá khổ, quá tải hoạt động tại đê tả sông Hồng.

“Lực lượng chức năng cứ xuống đoạn đê đó cắm chốt để xử lý thì những chiếc chở vật liệu lại bảo nhau không hoạt động. Họ có đội ngũ “cảnh giới” báo động cho nhau mỗi khi CSGT tuần tra, kiểm soát”, vị Đại diện Đội CSGT Công an huyện Đông Anh nói.

Cũng theo đại diện lực lượng CSGT, TTGT, muốn xử lý triệt để xe chở vật liệu cát, sỏi ở đây phải xử lý “tận gốc” là các bãi vật liệu xây dựng.

Theo đại diện lực lượng CSGT, TTGT, muốn xử lý triệt để những chiếc xe chở vật liệu cát, sỏi ngoài sự kiểm tra, xử lý của lực lượng thì bài toán là phải xử lý “tận gốc” là các bãi vật liệu xây dựng.

Để làm rõ các bãi vật liệu xây dựng khổng lồ ở đê tả sông Hồng hoạt động có phép hay không? Công tác quản lý các bãi này như thế nào, PV Báo Giao thông đã liên hệ làm việc với UBND huyện Đông Anh nhưng chưa nhận được câu trả lời.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.